Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, V.League 2020 sau 2 vòng đấu đã phải hoãn đến hết tháng 3. Hiện tại, đa số các CLB Việt Nam đã tập trung trở lại và tiếp tục theo dõi tình hình, thông báo từ BTC để sẵn sàng nếu giải đấu được trở lại.
Tuy nhiên, về phía lãnh đạo CLB Quảng Nam, đội bóng này vẫn bảo lưu quan điểm nên hủy bỏ V.League 2020. Theo đó, ông Nguyễn Húp - Chủ tịch CLB này cho biết: "Sức khỏe cần được đặt lên trên hết. Không có bóng đá cũng không sao cả. Tôi đề xuất hủy bỏ V-League 2020. Năm sau chúng ta đá tiếp”.
Ông Nguyễn Húp lý giải: “Với quan điểm cá nhân tôi, sức khỏe cho cầu thủ, cho các thành viên của giải đấu, cho cả cộng đồng xã hội là yếu tố tiên quyết, phải được đặt lên hàng đầu và quan trọng. Nếu bây giờ những vòng đấu tới vẫn diễn ra mà tình hình dịch bệnh không có gì tích cực hơn, rất khó để cầu thủ đá hay, đá thăng hoa lên được”.
Hiện tại, EURO cũng đã hủy vào mùa hè này và chuyển sang năm sau vì Covid-19. Các giải đấu lớn khác như Champions League, giải VĐQG các nước châu Âu cũng đã bị hoãn lại, thậm chí sẽ hủy bỏ. Các trận đấu của Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á đã được hoãn lại vào cuối năm 2020.
Phát biểu của Chủ tịch CLB Quảng Nam đã gây ra một cuộc tranh cãi với nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Thứ nhất, việc V.League 2020 sẽ ảnh hưởng trực tiếp giải đấu, đến quyền lợi của nhà tài trợ, đến các đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình.
Sau đó, các CLB chuyên nghiệp không những dừng mọi hoạt động mà còn ảnh hưởng khá lớn đến nguồn thu từ tiền bán vé, đặc biệt là các CLB có lượng khán giả đông đảo như HAGL, Nam Định, Hà Nội. Đây cũng là quan điểm mà Chủ tịch VPF - ông Trần Anh Tú đưa ra cách đây không lâu.
Trong khi đó, các CLB V.League hiện nay đều đang tiêu tốn khoảng 40-50 tỷ đồng để đầu tư chiêu mộ ngoại binh, trả lương cho cầu thủ, cán bộ, công nhân viên trong một mùa giải. Đương nhiên không có nhiều đội bóng tán thành việc phải trả lương hàng tỷ đồng cho các cầu thủ ngoại để họ trở về nhà.
Không thi đấu, có nghĩa là các cầu thủ sẽ không được nhận bất kỳ khoản tiền thưởng thắng trận nào, trong khi đây hầu như là nguồn thu chính của họ. Ngay cả những đơn vị tài trợ cho các CLB cũng sẽ bị ảnh hưởng về mặt hình ảnh, quyền lợi khi V.League 2020 bị hủy bỏ.
Thứ hai, về mặt chuyên môn, V.League vốn là xương sống của một nền bóng đá, là nơi các cầu thủ thi đấu cọ xát, duy trì phong độ. Với HLV Park Hang-seo thì đây là môi trường để ông tìm kiếm, tuyển chọn, đánh giá các cầu thủ ĐTQG, từ đó đưa ra những kế hoạch cho đội tuyển vào cuối năm. Quả bóng V.League không lăn, chắc chắn các cầu thủ sẽ đánh mất phong độ. Đó là chưa kể đến hệ lụy, mặt trái khi các cầu thủ sống trong tình trạng nhàn rỗi.
Hiện tại, việc V.League 2020 hoãn khiến các CLB gặp rất nhiều khó khăn, Giám đốc kỹ thuật CLB SLNA - ông Nguyễn Đức Thắng chia sẻ: “Với tình hình này, V.League 2020 sẽ kéo dài và chưa biết khi nào giải đấu mới trở lại nên kế hoạch tập luyện của SLNA cũng như các đội bóng khác gặp rất nhiều khó khăn”.
Trở lại với phương án V.League tiếp tục thi đấu mà không có khán giả, cựu HLV trưởng SLNA cho rằng: “Nếu bóng đá mà không có khán giả thì sẽ rất buồn tẻ và chất lượng các trận đấu không ở mức cao. Trên thế giới, tại Anh, tại Tây Ban Nha cũng đã có những trận đấu như vậy nhưng khi dịch bệnh là vấn đề của tất cả các thành viên tham gia, không chỉ riêng gì khán giả.
Chính các thành viên đội bóng cũng gặp rủi ro khi phải di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác. Trên những chuyến bay, rất có thể sẽ có những người di chuyển từ vùng có dịch bệnh về Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi buộc phải chờ đợi chỉ đạo từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng như BTC V.League”.