(Baonghean) - Cách đường Lý Tự Trọng chừng 50m về phía Đông, ngôi đền Yên Xá nhỏ nhắn, khiêm nhường nép mình dưới những tán keo đung đưa trong gió. Sự ồn áo nào nhiệt của phố xá dường như không chạm đến chốn linh thiêng này. Bao câu chuyện, bao sự tích gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của làng Trại xưa, nay là hai khối Yên Sơn và Yên Toàn (phường Hà Huy Tập, TP. Vinh) như những lớp địa tầng kiến tạo nên trầm tích của ngôi đền…
 
Đây vốn là vùng đất hoang vu, phía Đông giáp Hưng Lộc (xưa gọi là làng Lộc Đa), phía Bắc giáp Nghi Phú (xưa gọi là làng Yên Đại), phía Nam giáp Hưng Bình (xưa gọi là tổng Yên Trường), phía Tây giáp Quán Bàu (xưa gọi là đường cận vệ phía Tây).
 
Tương truyền, cử nhân Nguyễn Trung Sỹ quê ở làng Phong Định, thuộc phường Hưng Dũng (TP Vinh) là một vị quan có công lớn trong việc khai đất lập làng, được các vị vua triều Nguyễn phong tặng nhiều đạo sắc. Sau khi hồi hương về quê, trước cảnh đất chật người đông, trong khi mảnh đất phía Tây của làng lại rộng lớn, địa bàn bằng phẳng, mạch nước trong lành, cây cỏ xanh tốt, ngài đã tổ chức cho một số hộ gia đình thuộc 3 dòng họ Nguyễn Trung, Nguyễn Phúc, Lê Văn lên đây dựng trại, khai hoang lập nên xóm Trại. Sau khi dựng trại khai hoang đã ổn định, một số gia đình thuộc các dòng họ khác cũng xin gia nhập làng là dòng họ Nguyễn Công, Ngô Văn, Nguyễn Đình, Lê Bá. Từ đó đến nay, đã có hàng chục dòng họ với hàng trăm hộ gia đình sinh sống, xóm Trại về sau được đổi tên thành làng Phong Toàn, nay là hai khối Yên Sơn và Yên Toàn.
images1147140_1__1_.jpgĐền Yên Xá.
 
Sau khi làng Trại được hình thành, mảnh đất hoang hóa nay đã có chủ, có biên giới được vạch định, địa dư được cắm mốc. Để mảnh đất nơi đây có thần thiêng giám sát, trông coi ngài Nguyễn Trung Sỹ và dân làng lập đền thờ rước 2 vị: Thần Sát Đại Hải tướng quân và thần Yên Lâm Lang từ đền Cả và đền Hạ Mã với mục địch nhờ 2 thần giám sát, trông coi mảnh đất vừa khai khẩn xong. Khi Nguyễn Trung Sỹ qua đời, nhân dân trong làng suy tôn Ngài là Thành hoàng làng, tổ chức an táng ngài trước cổng đền, lăng mộ ngài nằm trước cổng đền về phía Đông Nam, cách cổng đền khoảng chừng 50m. Sau khi an táng, nhân dân rước ngài vào trong đền để thờ cúng cùng 2 vị thần. Vào ngày Rằm tháng 2 âm lịch hằng năm, nhân dân trong làng thường tổ chức lễ tế và rước các vị thần, thành hoàng làng. Trong thời kỳ đầu cách mạng hoạt động bí mật (năm 1930 - 1931 cho đến 1945), làng Phong Toàn là căn cứ nuôi giấu cán bộ. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làng Phong Toàn là nơi trú quân cũng là nơi sơ tán của các cơ quan lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Thành phố Vinh. 
 
Trải qua bao biến thiên lịch sử, đền Yên Xá chỉ còn lại nền đất cũ.Phong Toàn từ một xóm nghèo nay đã trở nên trù phú, hội nhập nhanh với nhịp sống đô thị. Địa danh làng Phong Toàn nay được chia thành 2 khối Yên Sơn và Yên Toàn nhưng vẫn còn đó chợ Phong Toàn, HTX Phong Toàn như một sự nhắc nhớ về lịch sử vùng đất. Với tấm lòng thành kính hướng về cội nguồn, nhân dân 2 khối, các tổ chức xã hội đã tình nguyện góm kinh phí để phục dựng lại đền Yên Xá và tổ chức lễ tế vào ngày Rằm tháng 2 âm lịch hằng năm…
 
 Nguyễn Lê