(Baonghean) - Trận ốm năm 2 tuổi khiến Nguyễn Thị Nhật Lệ ngày càng còi cọc, bác sỹ chẩn đoán em bị bệnh thiếu máu. 16 tuổi, thân hình gầy gò, ốm yếu nhưng chưa bao giờ em thôi ước vọng.

Ở bản Sơn Hà, xã Tam Quang (Tương Dương) có một ngôi nhà nhỏ nằm heo hút và tách biệt với bản làng. Chủ nhân là ông Nguyễn Văn Đình và bà Phan Thị Thơm. Vách thưng bằng những tấm ván gỗ tạp, trên đó dán đầy những bức tranh tươi sáng. “Con bé Nhật Lệ vẽ đấy, sức khỏe kém nhưng nó thông minh và khéo tay lắm!”- ông Đình giải thích.

images1820653_nhat_le_1.jpgNgôi nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Đình (bố mẹ của Nguyễn Thị Nhật Lệ). Ảnh: Công Kiên.

Đúng lúc ấy, Nhật Lệ đi học về, cô bé  gầy đét và xanh xao, chiều cao quá khiêm tốn so với độ tuổi 16. Nhà cách trường hơn 5km, vượt qua mấy con dốc, em không đủ sức đến lớp một mình. Bao năm qua, chị gái Nguyễn Thị Diệu Ly đã chở em đến trường bằng chiếc xe đạp cũ kỹ.

Nguyễn Thị Nhật Lệ bên góc học tập. Ảnh: Hồ Phương.


Mấy năm nay, mỗi tháng 1 lần, Nhật Lệ phải xuống Bệnh viện Huyết học để kiểm tra sức khỏe, điều trị và truyền máu. Những lần đi mất khoảng 1 tuần, ảnh hưởng khá nhiều đến việc học tập. Cô giáo Phan Thị Hải- Chủ nhiệm lớp 10A4 cho biết: “Phải xuống Vinh điều trị bệnh thường xuyên nhưng Nhật Lệ luôn cố gắng bám đuổi chương trình, không để tụt lại phía sau, là tấm gương về tinh thần vượt khó vươn lên”.

Số phận đã không cho em một cơ thể khỏe mạnh nhưng bù lại em có đôi bàn tay khéo léo. Những lúc rảnh rỗi, Nhật Lệ thường dành thời gian cho việc vẽ tranh, nó đã trở thành một niềm đam mê bắt đầu từ lúc nào em không nhớ rõ. Những bức tranh của em đề tài khá phong phú, có phong cảnh núi rừng và đồng ruộng; có dòng sông lững lờ trôi, bến bờ tít tắp; có mái trường rộn rã những bước chân.

Một bức tranh của Nguyễn Thị Nhật Lệ. Ảnh: Hồ Phương.

Nhưng dường như Nhật Lệ dành khá nhiều tâm huyết cho những bức tranh thiếu nữ, có đến hàng chục bức về đề tài này. Thiếu nữ bên cành đào trổ hoa, thiếu nữ trước cánh đồng hoa, thiếu nữ tóc dài, rồi thiếu nữ đến trường... Đặc biệt, có bức tranh “Tuổi ngọc” vẽ một cô gái trong trang phục truyền thống dân tộc Thái với mái tóc dài, dáng hình toát lên niềm yêu đời và tràn đầy sức sống.

Nhật Lệ chia sẻ: “Khi vẽ những bức hình thiếu nữ, em muốn gửi gắm ước vọng của chính bản thân mình về thể chất, sức khỏe và niềm vui”. Không chỉ vẽ tranh đẹp, em còn có tài đan len. Bắt đầu từ việc học đan qua mạng, nay đã đan thành thạo từ khăn, áo đến mũ và tất, ai cũng khen em đan đẹp, có sự sáng tạo trong cách phối màu.

Khi được hỏi về mơ ước trong tương lai, Nhật Lệ tâm sự: “Em mong sau khi tốt nghiệp THPT sẽ được theo học ngành Mỹ thuật để sau này tìm được việc làm vừa sức, đỡ đần bố mẹ khi già yếu”.

Công Kiên - Hồ Phương

TIN LIÊN QUAN