(Baonghean) - Mỗi một tháng, chợ Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn) chỉ có hai phiên chợ, một phiên họp từ 3 đến 4 ngày.  Thế nên dễ hiểu vì sao phiên chợ ngày áp tết diễn ra vào cuối tháng 12 dương lịch vừa rồi lại đông đúc đến vậy. Từ Mường Lống ra, từ Na Ngoi xuống, từ Keng Đu sang, ai cũng tranh thủ xuống chợ để sắm sửa cho cái Tết đang đến gần.

Ngày đầu tiên của phiên chợ cuối năm trời Huồi Tụ bừng trong sắc đỏ của mặt trời. Tuy nắng chưa thể xua tan hết cái rét của những ngày đông nhưng điều đó cũng đã đủ để người Mông Kỳ Sơn ùa nhau xuống chợ. Người già có, người trẻ có, lại còn có  rất nhiều học sinh ở trường cấp II gần kề, ai cũng xúng xính trong những bộ trang phục rực rỡ sắc màu. Đến giữa trưa thì toàn chợ như được nhuộm hồng, nhuộm xanh bởi những chiếc khăn buộc đầu của thiếu nữ Mông. Chợ phiên Huồi  Tụ, nói là đến để mua hàng nhưng ai cũng biết được đây còn là nơi để hẹn hò, giao duyên… Vậy nên, chẳng lạ gì khì bà con dân tộc Mông lại mặc những bộ trang phục đẹp nhất cho dịp đặc biệt này…
Một góc chợ Huồi Tụ (Kỳ Sơn) ngày phiên. Ảnh: Trần Hải
Nếu tính về chiều dài, chợ Huồi Tụ chỉ nằm trên một quãng đường ngắn. Thế nên, nếu chỉ ngồi trên xe, lướt qua thì không thể cảm nhận hết sắc thái của một phiên chợ vùng cao bởi  những gian hàng chính thường  bị che khuất phía sau. Sức hấp dẫn của phiên chợ cũng ở chính những gian hàng này. Ở đây, vừa có bán củ riềng, củ khoai… đặc sản của vùng cao, lại có những gian hàng chuyên bán hàng khô như bò giàng, lạp xưởng. Tuy vậy, gian hàng “hút” khách nhất vẫn là các gian hàng bày bán áo quần. Thường thì  mỗi một ô hàng chỉ rộng chừng hai mét vuông thế nên người bán phải tranh thủ mọi diện tích để bày bán áo quần. Chật hẹp là vậy, nên người mua muốn thử cũng khó. Còn người muốn qua lại thì chỉ có lối đi rộng chưa đến hai bước chân. Ngày cuối năm, chợ đã đông nghịt người, vậy mà cô học trò trường cấp II Bán trú Huồi Tụ  Lỳ Y Xềnh còn nói với tôi: Hôm nay như vậy là vẫn chưa đông mô. Phiên chợ cuối cùng, muốn chen cũng không chen được nữa.
Cũng như nhiều nữ sinh dưới xuôi, nơi Lỳ Y Xềnh thích đến nhất vẫn là gian hàng bán các đồ trang sức mỹ ký. Chủ gian hàng là chị Lầu Y Cồ, người ở bản Mường Lống 2 cũng là một người trẻ tuổi. Hàng của Y Cồ không nhiều, chỉ vài chiếc kẹp cột đầu, dăm ba đôi bông tai, khăn và mũ nhưng bao giờ cũng đông hàng bởi người chủ rất hiểu tâm lý của các cô gái. Nói về công việc của mình, Y Cồ ngại lắm bởi con gái trên này đến tuổi là lấy chồng sinh con, chứ ít người có gia đình rồi mà còn ra chợ  như Y Cồ. Mỗi phiên chợ, may mắn thì được một hai trăm còn thưa khách chỉ được vài chục ngàn đồng nhưng nhờ đó Y Cồ có tiền để mua sắm trong gia đình. Riêng những ngày Tết thì may mắn hơn nhiều.
Nằm không xa gian hàng của Y Cồ là nơi bày bán trang phục người Mông của  chị Già Y Xùa (bản Huồi Liên, xã Đọoc Mạy). Đây cũng chính là gian hàng thu hút nhiều khách mua hàng bởi đa phần phụ nữ Mông đều thích làm đẹp. Dù giàu hay nghèo, nhiều hay ít cũng phải có tối thiểu một bộ trang phục cổ truyển để đi chơi Tết hay đi xem hội. Giá mỗi bộ trang phục cũng có sự chênh lệch. Nếu bộ đồ được may bằng thủ công có thể có giá từ 2 đến 3 triệu đồng. Riêng hàng Lào, Trung Quốc thì chỉ vài trăm  ngàn đồng cũng có thể mua được một bộ váy. Chị Y Xùa dù không nói được tiếng Kinh nhưng khách nào đến cũng vui vẻ giới thiệu. Nhiều khách hàng từ dưới xuôi lên thấy áo quần người Mông lạ lẫm xin thử chị vẫn nhiệt tình…
Trường hợp của Y Cồ và Y Xùa cũng là trường hợp hiếm ở chợ Huồi Tụ, bởi ở đây mang tiếng là chợ của đồng bào Mông nhưng người bán lại chủ yếu là người Kinh. Anh Lê Viết Huấn - chuyên bán áo quần ở chợ là một trong số đó. Công việc chính hàng ngày của anh là bán ở chợ Mường Xén nhưng hàng tháng cứ đến dịp chợ phiên anh lại đem hàng vào Huồi Tụ. Công việc đi lại vất vả, đường nhiều dốc khúc khủyu nên việc buôn bán ở Huồi Tụ chủ yếu do nam giới đảm nhận. Chỉ những dịp như năm mới vợ hoặc con mới vào phụ giùm. Một điều cũng rất đặc biệt, đó là hiện nay tuy đã có đường nhựa ra Mường Xén nhưng bà con đồng bào Mông không có thói quen ra thị trấn mua hàng mà vẫn thích đi chợ phiên Huồi Tụ dù giá đắt hơn so với thị trấn và hàng cũng không phong phú bằng. Có thể cũng vì người Mông quan niệm, xuống chợ không phải đi chợ mà là đi chơi và chỉ ở đây họ mới cảm nhận được phong vị của đồng bào mình. Thế nên cũng chẳng lạ khi thấy hình ảnh một chàng trai Mông dù đi chợ vẫn kè kè bên mình chiếc đài ra đi ô. Vừa đi, vừa mở nhạc rạo rực cả phiên chợ…
Rau trái và các sản vật núi rừng là một đặc sản khác của chợ Huồi Tụ. Năm nay, tiết trời khá thuận lợi nên rau cải được bày bán nhiều, cây nào cây ấy xanh mơn mởn. Người xuôi lên Huồi Tụ thì rất thích mua thịt lợn dù miếng thịt nào mỡ cũng dày đến mấy phân. Đây là thịt do đồng bào Mông nuôi thả rông trong nhà, dù lắm mỡ nhưng ăn không ngấy mà lại giòn, mỡ vừa trắng, vừa thơm nếu xào rau xanh thì tép mỡ bùi vô cùng. Trẻ con xuống chợ thì vui lắm, có cậu bé được mẹ địu sau lưng, có cậu  thấy khách lạ nhìn thì trốn vào sau chân mẹ, lại có cậu tay lăm lăm cầm bịch bỏng ngô chỉ sợ ai xin mất… Đàn ông thanh niên mong ngày họp chợ để  vào các quán hàng ăn, nhâm nhi chén rượu ngô, thưởng thức các món đặc sản như gà nướng, mọoc,  lám nhóng… Chợ họp đến quá trưa thì bắt đầu thưa dần. Lúc này, những người dưới xuôi chở hàng chuyến cũng chuẩn bị sắp xếp lại hàng hóa để ra về, các hàng quán hai bên đường cũng dần dần đóng cửa. Chỉ còn lại trên sườn núi, từng tốp người khệ nệ, tay xách nách mang ngược núi trở về.
Mỹ Hà