(Baonghean.vn) - Sau 1 tuần lễ nghỉ Tết, những ngày đầu Xuân mới, các làng nghề mộc mỹ nghệ truyền thống trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu rộn ràng hội nghề tri ân công đức các bậc tiền nhân, tổ nghề đã có công khai nghiệp, đồng thời cầu cho năm mới công việc thuận lợi, làm ăn phát đạt.

Với nét đẹp truyền thống và ý nghĩa nhân văn của lễ phát mộc nên từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 10 tháng Giêng, tất cả các chủ cơ sở xưởng mộc tại các làng mộc mỹ nghệ trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đều lựa chọn ngày tốt hợp với tuổi của gia chủ, sau đó tập hợp thợ thuyền, công nhân lao động để tranh thủ tổ chức lễ phát mộc chu đáo, thành tâm.

Sau lễ phát mộc, công nhân được nghỉ ngơi, du xuân đến hết tháng Giêng, bước sang tháng 2 mới bắt đầu bước vào sản xuất rầm rộ.

Đội ngũ thợ chạm đục Phát mộc đầu xuân. Ảnh: Như Thủy
Đội ngũ thợ chạm đục phát mộc đầu xuân. Ảnh: Như Thủy

 Lao động phổ thông như đánh nhám, quét sơn cũng tranh thủ khai bút lấy may. Ảnh: Như Thủy

Ông Ngô Văn Lợi - Trưởng Ban làng nghề mộc mỹ nghệ xã Quỳnh Hưng cho biết: Để tưởng nhớ tới công lao của các bậc tiên tổ đã có công khai cơ lập ấp, vào những ngày đầu xuân năm mới từ mồng 4 đến mồng 10 tháng Giêng hàng trăm cơ sở chế biến sản xuất mộc mỹ nghệ trên địa bàn xã Quỳnh Hưng lại nhộn nhịp chuẩn bị lễ phát mộc đầu năm mới.

Lễ phát mộc được chia làm 2 phần với mâm cỗ hoa quả, trầu cau, rượu… dâng lên thần tổ nghề tại nhà riêng, hoặc tại xưởng mộc. Sau đó thợ đục, thợ chạm, thợ cưa xẻ, và công nhân có mặt đông đủ tại nhà xưởng để làm lễ phát mộc lấy may đầu năm mới cầu cho công việc làm ăn thuận lợi, có nhiều đơn đặt hàng trong năm.

Kỹ thuật chạm khắc vi tính hiện đại đã thay thế hình thức phát mộc cưa đợi (xẻ gỗ cỡ lớn) của nghề mộc truyền thống. Ảnh: Như Thủy

Hình thành vào thế kỷ XIX, làng mộc mỹ nghệ Thuận Giang và Nam Thắng xã Quỳnh Hưng là một trong những làng nghề mộc truyền thống lâu năm ở đất Quỳnh. Nơi đây đã đào tạo ra nhiều nghệ nhân tài hoa, xây dựng nên những công trình kiến trúc gỗ tuyệt đẹp tại các đình chùa miếu mạo, góp phần làm nên thương hiệu mộc mỹ nghệ Quỳnh Hưng.

Sau khi được UBND tỉnh công nhận làng nghề mộc mỹ nghệ truyền thống vào năm 2012, với sự quan tâm của huyện, địa phương đã có những chính sách ưu tiên phát triển nghề mộc với hơn 300 hộ dân tham gia làm nghề, tạo việc làm cho gần 2.000 lao động với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng./.

Như Thủy

(Đài Quỳnh Lưu)

TIN LIÊN QUAN