Khẳng định phòng chống thiên tai (PCTT) là trách nhiệm của toàn xã hội, dựa vào cộng đồng cùng với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong công tác PCTT, sẽ là nền tảng cho tầm nhìn vì một Việt Nam an toàn trước thiên tai.
Những gì đang diễn ra do đợt mưa lũ tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ cho thấy thiên tai đang ngày một diễn biến khốc liệt hơn cả về quy mô cũng như mức độ tàn phá. Số liệu quan trắc hơn 50 năm qua cho thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, khô hạn hay các trận mưa lớn có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn trong những năm gần đây. Ngoài thiệt hại về con người, hàng năm thiên tai còn phá hủy nhà cửa, tài sản, cơ sở hạ tầng - gây tổn thất khoảng 2% GDP của đất nước.
Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới đã sớm thế chế hóa công tác phòng chống thiên tai với việc Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phòng, Chống và Giảm nhẹ Thiên tai đến năm 2020 vào năm 2007 và Quốc hội thông qua Luật Phòng chống thiên tai vào năm 2013. Theo đó, công tác này bao gồm: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần ổn định xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. đối phó với các loại hình thiên tai vốn được dự báo là ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tuy nhiên, những gì chúng ta đang làm là chưa đủ!
Chưa sâu sát.
Theo quy định, hàng năm các cấp xã, huyện, tỉnh đều được yêu cầu xây dựng kế hoạch PCTT dựa trên kết quả đánh giá hoặc cập nhật tình trạng dễ bị tổn thương và rủi ro thiên tai của từng địa phương trong các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, môi trường, kinh tế, hạ tầng, và bộ máy tổ chức.
Nếu việc này được thực hiện một cách bài bản, bản kế hoạch PCTT sẽ có tính thực tiễn và thực sự hữu ích. Thực tế, ngoài một số địa phương có tham gia đề án 1002/CP hay các dự án được hỗ trợ bởi các tổ chức phát triển ra, có thể nói các địa phương còn lại chỉ xây dựng bản kế hoạch này một cách hình thức – thiếu xác định các rủi ro thực tế và nặng về ứng phó hơn là phòng ngừa. Thiếu vắng các thông tin thực tế về tình trạng dễ bị tổn thương đã làm nhiều địa phương trở nên bị động, thiếu chuẩn bị nên phải gồng mình đối phó một khi thảm họa xảy đến.
Việc một số tuyến đê bị vỡ tại Ninh Bình, Thanh Hóa hay sập cầu tại Yên Bái cho thấy những rủi ro này đã chưa được các địa phương đánh giá một cách đầy đủ.
Lồng ghép với kinh tế
Khái niệm này bao gồm các giải pháp né tránh, hạn chế hoặc ngăn ngừa những tác động không mong muốn do thiên tai gây ra. Nội hàm của việc này chính là giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của cộng đồng với các nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm người già, phụ nữ có thai, trẻ em, người khuyết tật, vv..
Việc di dời người dân ra khỏi những khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét hay những nơi có hạ tầng yếu trước khi thiên tai xảy ra là rất cần thiết. Giảm thiểu rủi ro còn bao gồm các biện pháp công trình như kết hợp xây dựng các công trình thoát hiểm hay trú ẩn an toàn, nhà chống lũ cho cộng đồng và các biện pháp phi công trình như xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm, biển báo nguy hiểm tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lở đất, lũ ống, lũ quét và hướng dẫn người dân tuân thủ các quy trình sơ tán khẩn cấp mỗi khi được cảnh báo.
Các vấn đề liên quan đến quy hoạch sử dụng đất cũng cần được xem xét và điều chỉnh hợp lý hơn.Một thực tế đang diễn ra hiện nay ở Việt Nam đó là vấn đề suy thoái chất lượng rừng, giảm độ che phủ đã và đang để lại hậu quả nặng nề khiến cho các hiện tượng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất diễn ra ngày một thường xuyên hơn. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng cộng với sức ép dân số tăng nhanh cũng khiến cho nhiều dòng chảy tự nhiên bị can thiệp khiến mức độ tàn phá của dòng nướctrở nên khốc liệt hơn.
Quan trọng hơn, để thực sự có hiệu quả, các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai không chỉ thuần túy đóng góp cho công tác PCTT một cách riêng lẻ, mà cần được lồng ghép chặt chẽ với các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác và ngược lại.
Chìa khóa từ bảo hiểm
Những tác động hay thiệt hại về kinh tế và tài chính do thiên tai gây ra cho các hộ dân có thể được giảm nhẹ thông qua cơ chế chuyển giao hoặc chia sẻ rủi ro. Mặc dù các rủi ro này không bao giờ có thể loại bỏ hoàn toàn nhưng chúng có thể được chia sẻ cho những chủ thể có sức mạnh tài chính lớn hơn và khả năng chịu đựng rủi ro cao hơn. Công cụ phổ thông nhất và đang được nhiều nơi trên thế giới áp dụng cho việc chia sẻ rủi ro thiên tai chính là thông con đường “bảo hiểm”. Đối với những hộ dân có thu nhập thấp tại các nước
đang phát triển như Việt Nam, loại hình này được gọi là bảo hiểm vi mô. Các hộ dân có thể hạn chế bớt các rủi ro thiên tai đối với tài sản, cây trồng, vật nuôi của mình bằng cách mua bảo hiểm.
Ngoài ra việc phát triển và vận hành các cơ chế tài chính như quỹ bảo trợ xã hội, quỹ tự lực tài chính cũng được xem là những giải pháp tương đồng nhằm trong việc hạn chế các thiệt hại mà thiên tai có thể gây ra cho người dân. Ngoài ra, các cơ chế chia sẻ rủi ro này cũng được sử dụng để thúc đẩy các hoạt động giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Khẳng định phòng chống thiên tai là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó đề cao phương châm “bốn tại chỗ”, khuyến khích thực hiện công tác phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng cùng với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong công tác PCTT, sẽ là nền tảng cho tầm nhìn vì một Việt Nam luôn an toàn trước thiên tai.
Theo VNN