Mâu thuẫn giữa phụ huynh - giáo viên, giáo viên - học sinh trong những vụ việc liên tiếp xảy ra trong tháng ba vừa qua khiến nhiều người lo ngại.
GS.TS Vũ Tuấn - nguyên hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội năm (1988 - 1992), chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Hồng Hà (Hà Nội) - cho rằng những sự việc trên là hệ lụy của xã hội khi coi thường nghề giáo.
- Sau 60 năm công tác trong ngành giáo dục, khi đọc thông tin về những vụ việc mâu thuẫn giữa phụ huynh - giáo viên, giáo viên - học sinh, cảm xúc của ông thế nào?
- Tôi rất buồn khi chứng kiến nhiều câu chuyện giáo viên bị phụ huynh hành hung và ép quỳ, giáo viên mẫu giáo tát hay đánh học sinh. Chuyện này hoàn toàn không thể chấp nhận nổi.
Tôi đi học vào thời Pháp thuộc (trước năm 1945), khi ấy, truyền thống tôn sư trọng đạo luôn được giữ vững. Thời đó, chuyện học sinh bị ép quỳ hay bị tát là bình thường. Dù có thế nào, phụ huynh cũng không bao giờ phản ứng theo cách xông vào trường đánh cô giáo.
Tôi nói đó là chuyện bình thường không để biện minh cho lý do người thầy bạo hành học sinh là đúng, mà bình thường được đặt trong hoàn cảnh xã hội bấy giờ.
Đối với tôi, bất cứ trong xã hội nào, hoàn cảnh nào, người thầy sử dụng các biện pháp ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý hay thân thể học trò đều là những điều nên nghiêm cấm.
Cả cuộc đời 60 năm làm nghề giáo, tôi chưa bao giờ dùng vũ lực đánh học trò. Học sinh của tôi có người đã trên 80 tuổi, mỗi năm vẫn về thăm thầy.
Các hành động của phụ huynh ép quỳ hay đánh giáo viên biểu hiện của "luật rừng", và nó chỉ được sử dụng khi luật chính thống yếu kém mà thôi.
Phụ huynh đánh giáo sinh mầm non nhập viện ở Nghệ An bị khởi tố tội làm nhục người khác
- Theo GS, pháp luật và Luật giáo dục nên bổ sung quy định gì để bảo vệ được giáo viên?
- Pháp luật nên có những quy định cụ thể về bảo vệ an toàn thân thể và danh dự cho người thầy.
Sau ba sự việc mâu thuẫn với giáo viên gần đây, Bộ GD&ĐT phải cử thanh tra về tận từng vùng miền để làm việc. Chỉ khi nào xử lý triệt để chúng ta mới không có những lần tái phạm.
Hiện tại, Bộ GD&ĐT mới chỉ dừng lại ở việc gửi công văn yêu cầu địa phương xử lý, báo cáo. Việc làm này chưa mạnh mẽ và có phần thiếu trách nhiệm.
- Từng là hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, có kinh nghiệm trong quản lý, GS ý kiến như thế nào về việc nhà trường phải bảo vệ giáo viên?
- Riêng về trường hợp ở Long An, chúng ta cần hiểu việc cô giáo bắt học sinh quỳ và phụ huynh bắt giáo viên quỳ có động cơ khác nhau. Nếu cô giáo coi việc bắt học sinh quỳ là giáo dục - dù phương pháp này sai - thì phụ huynh nên tố cáo với hiệu trưởng. Giáo viên sẽ bị kiểm điểm theo quy định của nhà trường. Việc giáo viên bắt cô quỳ là động cơ trả thù.
Tôi đề xuất cần loại hiệu trưởng trường nơi diễn ra vụ việc khỏi ngành giáo dục, vì nhà trường là đơn vị hành chính, không phải ai vào ra cũng được, để hành hung giáo viên như vậy.
Thậm chí, giáo viên bị quỳ 40 phút mà hiệu trưởng không hay biết. Người này hoàn toàn không xứng đáng đứng đầu trường học.
Ngoài ra, chúng ta cần góp ý cho ban đại diện cha mẹ phụ huynh, những người chứng kiến sự việc đã không làm hết vai trò của mình.
Câu chuyện ở Long An cũng không xuất hiện bảo vệ - người thực hiện nhiệm vụ an toàn trường học. Họ để người lạ đi lại ngang nhiên trong trường và xúc phạm giáo viên.
Khởi tố bị can nổ mìn, đốt nhà nữ giáo viên sáng mồng 2 Tết
- Xuất phát điểm mâu thuẫn giữa phụ huynh và giáo viên lại là kỹ năng dạy học của cô giáo có vấn đề khi phạt quỳ hay đánh học sinh. Phải chăng việc học trong các trường sư phạm quá chú tâm kiến thức mà thiếu hụt bộ môn về đạo đức giáo viên?
- Đạo đức, kỹ năng dành cho học viên ngành sư phạm được giảng dạy trong bộ môn Phương pháp giảng dạy và môn Tâm lý. Tuy nhiên, để xảy ra những câu chuyện đáng buồn trên, chúng ta cần xem lại đầu vào ngành sư phạm.
Tôi rất ngạc nhiên khi các trường sư phạm bây giờ tuyển đầu vào lại không phỏng vấn hay thử thách để xem thí sinh có năng khiếu, đam mê với trẻ không. Những thí sinh nói ngọng cần loại trừ ngay, người yếu khả năng truyền thụ cũng cần xem xét lại.
Ngoài ra, tôi đề xuất sinh viên sư phạm trước khi ra trường phải có lời tuyên thệ trước khi hành nghề như những người theo ngành Y phải đọc lời thề Hippocrates trong lễ tốt nghiệp.
Nghề giáo cũng cần những lời tuyên thệ khi làm thầy. Ngoài việc luôn dặn dò mình, lời tuyên thệ cũng có giá trị như tâm linh, ngăn cản con người không làm điều ác, ví dụ như: Tuyệt đối không hành hung học trò, phải yêu thương trẻ như chính con mình sinh ra…
Đầu vào thấp, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Một học trò của tôi sau khi đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết em không xin được việc, muốn vào làm biên chế phải mất tiền, gia đình không đủ điều kiện để dạy nên em đành thi vào ĐH Kinh tế Quốc dân để làm nghề khác
Nếu có việc làm, lương giáo viên cũng thấp, đặc biệt là giáo viên mầm non. Thậm chí, nhiều trường mầm non tự phát mở chui trong một thời gian dài, không có sự quản lý. Trẻ em không được trông nom, giáo dục cẩn thận dẫn đến hàng loạt vụ bạo hành trong thời gian qua.
Nếu ngành giáo dục không quan tâm đầy đủ đến người thầy, họ không thể toàn tâm toàn ý làm việc với đồng lương không đủ sống. Chưa giải quyết được bài toán chế độ đãi ngộ, chế độ lương bổng cho giáo viên, giáo dục chưa thể tiến bộ đáng kể.