Lâm vào thế khó

Trước thềm hội nghị quan trọng của khối NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã có buổi họp báo trực tuyến với các hãng tin lớn của nhiều nước hồi đầu tuần này. Hiển nhiên, một trong những vấn đề được tập trung đề cập là sứ mệnh huấn luyện của NATO tại Afghanistan.

Buổi họp báo trực tuyến của người đứng đầu NATO. Ảnh: NATO
Buổi họp báo trực tuyến của người đứng đầu NATO. Ảnh: NATO

Cần nhắc lại rằng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương chính thức can dự vào Afghanistan với mục tiêu ủng hộ nước Mỹ sau sự kiện loạt vụ tấn công khủng bố 11/9 và bảo đảm rằng đất nước Nam Á sẽ không lần nào nữa trở thành bệ phóng cho các phần tử khủng bố quốc tế tấn công nhằm vào lãnh thổ các nước thành viên của liên minh quân sự NATO. Trải qua gần 2 thập kỷ, với nhiều biến động, thăng trầm, giờ đây là thời khắc được ông Stoltenberg đánh giá là “cơ hội hòa bình lịch sử”, dẫu mong manh nhưng nhất định phải nắm bắt cho đất nước vốn đã phải hứng chịu nhiều đau thương này.

Cũng trong ngần ấy năm tham gia vào tiến trình hòa bình Afghanistan, NATO đã nhiều lần điều chỉnh quy mô hiện diện quân sự của họ tại đây. Chỉ vài năm trước, trong một chiến dịch chiến đấu lớn, con số này là hơn 100.000 binh lính. Sau đó, NATO dần rút bớt lực lượng và hiện theo người đứng đầu liên minh chỉ còn xấp xỉ 11.000 quân tham gia vào sứ mệnh Huấn luyện, Hỗ trợ và Cố vấn.

Đáng chú ý, gần một nửa trong số này là quân nhân Mỹ, số còn lại là từ các đồng minh châu Âu của NATO và các quốc gia đối tác. Đó là còn chưa kể đến việc liên minh NATO phụ thuộc khá nhiều vào các lực lượng vũ trang của Mỹ về hỗ trợ trên không, vận tải và hậu cần. Đặt trong bối cảnh như vậy, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định rút khoảng một nửa quân số của Mỹ trước thời điểm giữa tháng 1/2021 khỏi Afghanistan ít nhiều sẽ gây khó cho NATO, và thiếu vắng sự giúp đỡ từ xứ cờ hoa, ắt hẳn các đồng minh châu Âu sẽ phải chật vật, ngay cả với kịch bản rời khỏi quốc gia Nam Á.

Các ngoại trưởng NATO tham dự hội nghị trực tuyến trong 2 ngày 1 và 2/12 để bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng. Ảnh: NATO

Trước báo giới, bản thân ông Stoltenberg cũng đã thừa nhận, vấn đề chính hiện nay là theo bản thỏa thuận giữa Mỹ với Taliban, có đề cập rằng toàn bộ quân đội quốc tế, bao gồm quân đội NATO, cần phải rút hoàn toàn khỏi Afghanistan trước ngày 1/5/2021. Ông chỉ rõ, đó chính là lý do mà NATO hiện phải đối mặt với một quyết định hết sức rõ ràng, cần phải đưa ra một sự lựa chọn hết sức khó khăn, chẳng khác gì “thế tiến thoái lưỡng nan” đối với toàn thể các thành viên.

Theo thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban không có sự tham gia của các đồng minh NATO khác hay chính phủ Afghanistan, nếu các điều kiện an ninh trên thực địa cho phép, toàn bộ lính nước ngoài phải rời Afghanistan trước ngày 1/5. Ông Trump đơn phương quyết định chỉ trừ lại 2.500 lính Mỹ tham gia sứ mệnh của NATO.

Cụ thể, nếu tiếp tục trụ lại trên lãnh thổ Afghanistan - đây cũng không phải điều không có cơ sở - khi mà NATO đánh giá Taliban không hoàn tất những nội dung cam kết như thỏa thuận đã xác lập, không thực hiện những lời hứa hẹn. Song dĩ nhiên, ở lại cũng đồng nghĩa chiến sự tiếp diễn, giao tranh vẫn chưa thể dừng lại, NATO vẫn phải tiếp tục can thiệp quân sự tại Afghanistan trong dài hạn. Vậy còn rời đi thì sao? Nếu chọn phương án này, NATO phải chấp nhận nguy cơ để vuột khỏi tay những thành quả có được trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, thậm chí có thể khiến Afghanistan trở thành nơi để các tay súng khủng bố tái khởi.

Mỹ dự kiến sẽ rút bớt quân đội, chỉ để lại 2.500 lính ở Afghanistan. Ảnh: Reuters

"Dù chúng ta có làm gì đi chăng nữa, dù kết luận cuối cùng là gì, thì chúng ta vẫn cần duy trì phối hợp và cần hành động theo cách có trình tự".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Đưa ra một giải pháp khả dĩ trong thời điểm hiện nay có lẽ thực sự rất khó khăn đối với NATO. Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi mà hội nghị khép lại vào ngày 2/12 không đem lại câu trả lời cụ thể. Trên thực tế, người ta kỳ vọng sẽ đưa ra được một phương án chung cuộc về vấn đề Afghanistan trong hội nghị các bộ trưởng quốc phòng NATO dự kiến tổ chức vào tháng 2 năm sau. Bởi lẽ đó, trong cuộc họp báo vừa qua, Tổng thư ký chỉ muốn nhấn mạnh tinh thần chung của liên minh: “Dù chúng ta có làm gì đi chăng nữa, dù kết luận cuối cùng là gì, thì chúng ta vẫn cần duy trì phối hợp và cần hành động theo cách có trình tự”.

Tân quan, tân chính sách?

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã ký thỏa thuận hòa bình với lực lượng Taliban mà không có sự tham gia của các đồng minh NATO khác hay chính phủ Afghanistan. Ông chủ Nhà Trắng cũng đã đơn phương quyết định chỉ trừ lại 2.500 lính Mỹ tham gia sứ mệnh chung của NATO, bất chấp việc các nhà hoạch định quân sự của đồng minh phàn nàn trong lúc tìm cách tính toán liệu NATO có thể tiếp tục hoạt động tại Kabul và các thành phố lớn khác của Afghanistan.

Không chỉ có vậy, động thái nhanh chóng rút quân về nước của Mỹ còn khiến giới chức sở tại lo ngại rằng vô hình trung sẽ củng cố vị thế đàm phán cho Taliban. Do đó, có lẽ việc các bộ trưởng quốc phòng NATO dự kiến đưa ra quyết định cuối cùng về tương lai của sứ mệnh hỗ trợ Afghanistan vào thời điểm tháng 2 năm 2021 là ý đồ có chủ đích. Đó là khi ứng cử viên được xác định đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử vừa rồi Joe Biden chính thức nhậm chức.

Tổng thư ký NATO và ông Joe Biden - khi còn là Phó Tổng thống Mỹ trong dịp gặp gỡ năm 2016. Ảnh: NATO

Các nhà ngoại giao châu Âu mong đợi rằng, dưới thời ông Biden, thái độ của Mỹ sẽ thay đổi, dù nhiều khả năng chính quyền mới vẫn bảo lưu quan điểm rời Afghanistan càng sớm càng tốt. Hoặc chí ít, họ cũng ngầm định rằng, các đồng minh sẽ không đưa ra quyết định hệ trọng nào trong những ngày cuối cùng của chính quyền đương nhiệm xứ cờ hoa. Và thực tế, vị quan chức cấp cao của NATO tuần này cũng xác nhận đã mời ông Joe Biden dự thượng đỉnh vào đầu năm tới: “Tôi mong đợi được chào đón Tổng thống Biden sang năm tới dự thượng đỉnh NATO tại Brussels, bởi đó là cách tốt nhất để người đứng đầu nhà nước và chính phủ các đồng minh gặp gỡ, cùng ngồi lại”.

Ông Stoltenberg cũng dành nhiều từ ngữ tốt đẹp cho vị chính khách dạn dày, nhiều kinh nghiệm về các vấn đề an ninh nói chung và NATO nói riêng: “Tôi biết Joe Biden là một người rất cam kết ủng hộ hợp tác, mối gắn kết giữa Bắc Mỹ và châu Âu và sự gắn bó trong NATO”.

"Không ai muốn ở lại Afghanistan lâu hơn cần thiết. Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá sự hiện diện của mình dựa trên các điều kiện trên thực địa".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Liệu rằng mối quan hệ giữa Mỹ với NATO, hay cùng với đó là sứ mệnh của liên minh 30 thành viên tại Afghanistan có “đảo chiều” theo hướng tích cực hơn hay không thì hiện vẫn là câu hỏi để ngỏ, nhưng có một điều chắc chắn rằng, bạo lực trên thực địa tại Afghanistan vẫn chưa có hồi kết. Thậm chí, trong năm 2020, nó còn có xu hướng tăng mạnh, với nhiều vụ tấn công của Taliban nhằm vào các lực lượng an ninh chính phủ sở tại kể từ khi khởi động hòa đàm vào tháng 9. Ngoài ra, các phần tử Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng gây ra nhiều vụ việc rúng động, đơn cử cuộc tấn công nhằm vào Đại học Kabul khiến 22 người, trong đó hầu hết là sinh viên thiệt mạng vào tháng này.

Binh sỹ NATO tại Afghanistan. Ảnh: NATO

Cấp độ bạo lực vẫn ở ngưỡng cao đồng nghĩa với người dân và quân đội Afghanistan vẫn đang phải đối diện với hiểm nguy và phải trả cái giá đắt về cả tài sản lẫn tính mạng. Nhưng xét cho cùng, thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban vẫn là một cơ hội vàng để NATO nắm lấy, mở cánh cửa đối thoại và dần giải quyết tình thế khó khăn, khó dự đoán cả về quân sự và chính trị ở khu vực này.