Mỹ - Triều “ngầm” đàm phán, hướng tới Thượng đỉnh lần 3
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 26/6 cho biết, Mỹ đang đàm phán “hậu trường” với Triều Tiên về khả năng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 3, đồng thời đề xuất nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên vốn bị trì hoãn kể từ cuộc gặp lần thứ 2 giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un hồi tháng 2/2019 tại Hà Nội.
Trong văn bản trả lời các câu hỏi của báo chí, Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ, không có lý do gì để nói về “thế bế tắc” chỉ bởi các bên không có một cuộc đối thoại chính thức nhằm mục đích phi hạt nhân hóa Triều Tiên. “Các bên đã tham gia vào cuộc đối thoại liên quan đến việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần 3. Đáng chú ý là các cuộc đàm phán “phía sau hậu trường” đã được thúc đẩy thông qua sự hiểu biết lập trường của nhau tại cuộc gặp Thượng đỉnh lần 2”.
NATO đòi Nga hủy bỏ tên lửa mới
Trong cuộc họp hôm 26/6 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các bộ trưởng quốc phòng của những nước thành viên sẽ thảo luận về biện pháp đối phó nếu Nga giữ hệ thống tên lửa mới. Trước thềm cuộc họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: "Nga không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ hủy bỏ hệ thống tên lửa mới. Chúng tôi sẽ phải có phản ứng mạnh mẽ". Ông Stoltenberg từ chối công bố biện pháp cụ thể. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao tiết lộ các bộ trưởng quốc phòng sẽ cân nhắc tăng cường máy bay ném bom Mỹ mang theo đầu đạn hạt nhân, hệ thống phòng thủ tên lửa và tập trận quân sự.
Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cảnh báo việc Mỹ đưa các hệ thống tên lửa đến Đông Âu, sát biên giới với Nga có thể dẫn đến đối đầu tương tự như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, theo TASS. Đến nay, Moscow vẫn khẳng định không vi phạm INF và không từ bỏ chương trình phát triển tên lửa hành trình 9M729.
Nhiều người Mỹ không ủng hộ chủ trương tấn công Iran
Đài RT ngày 26/6 dẫn khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường HarrisX (Mỹ) cho thấy chỉ có 19% người được hỏi muốn Mỹ tiến hành “không kích quân sự có giới hạn” đối với Iran, sau khi Washington lên kế hoạch tấn công nhưng dừng lại vào phút chót. Khoảng 5% muốn Mỹ thẳng thừng tuyên bố chiến tranh với Iran, trong khi 19% không có chủ ý về việc Mỹ nên có hành động gì tiếp theo. Khoảng 58% cho rằng nên có hành động phi quân sự đáp trả vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ vào tuần trước, theo khảo sát đối với 1.001 cử tri Mỹ. Trong khi đó, 49% muốn Mỹ tìm giải pháp đàm phán đối để giải quyết căng thẳng, trong khi 5% cho rằng Mỹ “không cần làm gì”.
Tính theo đảng, chỉ 16% người thuộc phe Dân chủ muốn đáp trả bằng hành động quân sự và 67% muốn đàm phán hòa bình. Trong khi đó, 31% người thuộc đảng Cộng hòa muốn có hành động quân sự hoặc chiến tranh, trong khi 50% muốn giải pháp hòa bình.
70 quan chức quân đội Trung Quốc bị giáng cấp vì hối lộ
Tờ South China Morning Post ngày 26/6 đưa tin hơn 70 quan chức, bao gồm ít nhất một thượng tướng và hai trung tướng, bị trừng phạt vì dính líu với cựu Tổng Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phòng Phong Huy. Các hình thức kỷ luật trên được đưa ra dựa theo lời khai của ông Phòng Phong Huy, người bị tuyên án tù chung thân hồi tháng 2 với tội danh nhận hối lộ.
“Trong số các quan chức trên, 44 người thuộc Quân khu Bắc Kinh, nơi ông Phòng làm chỉ huy trong những năm 2007- 2012. Họ bị kết tội hối lộ ông Phòng để được thăng chức. Những người còn lại là các cấp dưới cũ đã hối lộ Phòng khi ông được bổ nhiệm làm tổng tham mưu trưởng quân đội”, một nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho hay.
Tổng thống Macron hội đàm với Thủ tướng Abe, công bố kế hoạch hợp tác
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Tokyo, bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Sau khi đến Tokyo ngày 26/6, Tổng thống Pháp Macron đã hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Macron tới Nhật Bản kể từ khi ông nhậm chức cách đây 2 năm.
Dự kiến, hai bên sẽ công bố lộ trình hợp tác song phương về an ninh, phát triển cơ sở hạ tầng, vũ trụ, an ninh mạng và các lĩnh vực khác trong 5 năm. Theo giới chức Nhật Bản, Tokyo và Paris đang tìm cách tăng cường an ninh hàng hải, hỗ trợ các nước đang phát triển cải thiện hệ thống hạ tầng cơ sở.