Ông Stoltenberg cũng tự hào vì "mối quan hệ tuyệt vời" giữa liên minh quân sự này và Serbia, khẳng định NATO "tôn trọng" quyết định của Belgrade khi không gia nhập khối này.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, NATO vẫn muốn là "đối tác" của Serbia. Tổng thư ký NATO cho biết thêm, khối quân sự này ủng hộ "đối thoại" giữa Serbia với Kosovo không chỉ về mặt ngoại giao mà còn "dưới hình thức KFOR"- lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế do NATO dẫn đầu triển khai tại Kosovo.
Hồi tháng 3/1999, NATO đã không kích vùng Yugoslavia mà không có sự ủng hộ từ phía Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Vụ tấn công diễn ra sau khi NATO cáo buộc Belgrade "sử dụng vũ lực quá mức" trong cuộc mâu thuẫn với nhóm nổi dậy Hồi giáo người Albania thiểu số ở vùng Kosovo - khu vực đơn phương tuyên bố độc lập vào năm 2008.
Trong cuộc ném bom, NATO đã thả xuống "từ 10 tới 15 tấn urani nghèo, gây ra thảm họa môi trường thảm khốc" và buộc người dân Serbia đệ đơn kiện NATO vì khiến hàng loạt cư dân trong khu vực lân cận mắc các bệnh liên quan tới ung thư.
Một thành viên của đội điều tra quốc tế trả lời RT vào năm 2017: "Tại Serbia, 33.000 người mắc bệnh hàng năm vì các vấn đề liên quan tới thảm họa nói trên. Tức là thêm một đứa trẻ bị mắc bệnh mỗi ngày".
Hồi năm 2015, ông Stoltenberg đã tự bày tỏ "sự tiếc thương" cho những công dân Serbia thiệt mạng trong vụ ném bom của NATO vào năm 1999.