Theo kinh nghiệm của ngư dân, sau thời điểm bão hoặc áp thấp nhiệt đới đi qua, mặt biển êm và trong xanh trở lại là ruốc xuất hiện nhiều. Những ngày này, bà con ngư dân vùng biển bãi ngang Quỳnh Lưu phấn khởi bước vào vụ ruốc. Ảnh: Thanh Phúc
Từ khi trời vừa sáng, bãi biển xã Quỳnh Bảng trở nên nhộn nhịp, ngư dân tập trung cào ruốc. Năm nay, sau mưa lũ, nắng to nên ruốc sinh sôi nhiều, dạt vào sát bờ biển Ảnh: Thanh Phúc
Dụng cụ cào ruốc là chiếc xeo ruốc lớn, có vành đường kính miệng vợt từ 40-50 cm, được gắn vào cần vợt dài 2-3m. Lưới xeo có mắt lưới dày và dài gần 1 m. Ảnh: Thanh Phúc
Khi xuống biển, người dân kéo xeo đi thụt lùi. Ở những chỗ nước sâu, người dân phải dùng cà kheo để “đi ruốc”. Ảnh: Thanh Phúc
Đến khi nặng tay thì kéo xeo lên bờ và đổ ruốc vào thúng, chậu. Những hôm ruốc nhiều, khoảng 45-60 phút, ngư dân lại xúc được một mẻ ruốc nặng tay. Ảnh: Thanh Phúc
Nguyễn Hữu Thước, ngư dân xã Quỳnh Bảng cho biết: “Ruốc biển có quanh năm nhưng thời điểm từ tháng 6 - 9 âm lịch mới bắt đầu vào mùa khai thác ruốc biển ven bờ. Con ruốc không phải ngày nào cũng có mà tuỳ theo con nước, nước trong thì nó vào bờ, ngư dân cào được, nước đục thì nó ở khơi và phải dùng tàu thuyền để đi te". Ảnh: Thanh Phúc
Nghề te chỉ xúc ruốc ở tầng nổi nên ruốc sạch, không có thứ gì lẫn lộn. Khi mới cất lên, ruốc te hồng tươi lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Ảnh: Thanh Phúc
Năm nay, ruốc được mùa lại được giá nên ngư dân rất phấn khởi. Có những hôm, mỗi ngư dân cào được 80-100kg ruốc, mang lại thu nhập từ 1-1,2 triệu đồng/ngày. Ảnh: Thanh Phúc
Thương lái từ khắp nơi đổ về thu mua ruốc. Giá ruốc dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg. Ruốc đánh bắt được chừng nào, thương lái thu mua hết chừng đó. Anh Nguyễn Văn Dũng, chủ thu mua ruốc đến từ Quảng Bình cho biết: “Mỗi ngày tôi thu mua trên 10 tấn ruốc, về làm mắm tôm và làm thức ăn cho cá”. Ảnh: Thanh Phúc
Có những hộ không bán mà để ruốc chế biến thành nhiều sản phẩm khác như: Phơi khô thành tép biển khô xuất khẩu, muối thành mắm tép, ruốc hôi… Ảnh: Thanh Phúc