(Baonghean) - Năm nay, Làng Vạc bước vào mùa lễ hội lần thứ 14 với niềm tự hào về cội nguồn dân tộc, tôn vinh các giá trị vật thể, phi vật thể của người Việt cổ từ ngàn đời đọng mãi. Cũng chính vì thế, Đảng ủy, chính quyền, người dân Thị xã Thái Hòa và nhân dân vùng Tây Bắc háo hức đón chào Lễ hội Làng Vạc bằng cả sự mong đợi, hy vọng nâng tầm giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh của lễ hội gắn với du lịch sinh thái.

Năm 1999, sau 26 năm với 5 đợt khai quật quy mô của các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước, Làng Vạc được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng khu di chỉ khảo cổ học cấp quốc gia. Cũng từ thời điểm này, lễ hội văn hóa Làng Vạc được hình thành và nhân dân cả nước mới thực sự biết đến những giá trị lịch sử, văn hóa của người Việt cổ, thời vua Hùng hiện hữu qua những hiện vật được tìm thấy ở Làng Vạc.

Việc tìm thấy kho tàng hiện vật ở Làng Vạc gồm: trống đồng, dao găm, rìu xéo, tượng voi, hổ và nhiều đồ đá, gốm, thủy tinh có niên đại từ 2.000 đến 2.500 năm trước bắt nguồn từ quá trình đào đắp đập Hòn Xướng phục vụ phát triển nông nghiệp. Giữa năm 1972, khi dân công đào đất đắp đập đã phát hiện 5 chiếc trống đồng cổ cùng nhiều dao găm bằng đồng. Sự việc được báo cáo lên Ty Văn hóa lúc đó và được các cấp, ngành vào cuộc tìm hiểu.

Ông Vũ Công Hợi, 67 tuổi, hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nghĩa Hòa, Phó Ban quản lý Đền thờ người Việt cổ ở làng Vạc cho biết: Khi phát hiện Trống đồng và nhiều hiện vật quý, chúng tôi thực sự ngạc nhiên. Bởi từ trước, chúng tôi chỉ biết đến truyền thuyết về làng Vạc với tương truyền: Một đêm nọ, thần linh báo mộng cho trưởng làng tập trung dân làng bên đầm giữa làng, Ngài sẽ trao báu vật của trời đất để làng tổ chức lễ hội. Sáng ra, khi dân làng đã tụ hội đông đủ bỗng thấy giữa đầm nổi lên chiếc vạc đồng to như một gian nhà, trong vạc có 10 vạc nhỏ và rất nhiều bát đũa, âu, đĩa trong đó. Dân làng tưng bừng mở lễ hội. Sau 3 ngày mở tiệc, dân làng làm lễ tạ ơn và trả lại báu vật cho thần linh. Mọi người rước Vạc về đầm, đang sụp lạy thì vạc đồng từ từ trôi ra giữa đầm rồi chìm xuống. Từ đó, làng đặt tên là đầm Vạc, rồi gọi tên làng là làng Vạc. Hàng năm cứ đến ngày đã định, dân làng lại tổ chức lễ hội để tạ ơn thần sông, thần núi đã mang lại cuộc sống ấm no”.

Nếu như truyền thuyết về đầm Vạc được xem là yếu tố tâm linh thì sự tình cờ tìm thấy các hiện vật của người Việt cổ trong quá trình đắp đập ở làng Vạc được xem là sự kết nối linh thiêng giữa truyền thuyết và hiện thực cuộc sống người Việt cổ mấy nghìn năm trước. Trong 5 lần khai quật 374 ngôi mộ cổ, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 1.228 hiện vật giá trị, có niên đại thời các vua Hùng dựng nước, di tích này góp phần quan trọng để chúng ta tin và tìm về với cội nguồn dân tộc.

Nâng tầm Lễ hội Làng Vạc ảnh 1

Lễ rước vạc đồng và biểu diễn trống, cồng chiêng trong Lễ hội Làng Vạc năm 2012. Ảnh: SM

Năm 2013, làng Vạc bước vào mùa lễ hội thứ 14, diễn ra trong các ngày 18, 19 và 20/3 dương lịch. theo kế hoạch, tại đền thờ người Việt cổ và các vua Hùng ở Khu di chỉ khảo cổ Làng Vạc, chính quyền, nhân dân xã Nghĩa Hòa sẽ tổ chức lễ “Khai quang” vào chiều ngày 17/3, tức ngày 06/02 ÂL; Chính quyền cùng nhân dân thị xã Thái Hòa và đồng bào khắp vùng sẽ tiến hành Lễ Yết vào ngày 18/3, tức ngày 7/2 ÂL. Lễ dâng hương và khai mạc Lễ hội Làng Vạc sẽ được tiến hành vào sáng 19/3, tức ngày 8/2 ÂL. Ông Hà Sông Hương - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hòa, phấn khởi cho biết: “Cứ mỗi mùa lễ hội, nhân dân làng Vạc và cả xã Nghĩa Hòa, rộng hơn nữa là cả Thị xã Thái Hòa thực sự vui mừng vì được đón nhân dân khắp mọi miền. Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, sau khi Đền thờ người Việt cổ và các vua Hùng hoàn thành, nhân dân về đây đã có địa điểm để tưởng nhớ công ơn cha ông nghìn đời trước. Những mùa lễ hội gần đây, lượng du khách tập trung về rất đông, điều đó càng cổ vũ, động viên nhân dân làng Vạc tiếp tục gìn giữ, kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc”.

Về phần hội của Lễ hội Làng Vạc năm nay sẽ có 9 hoạt động văn hóa, gồm: Thi cắm trại, cồng chiêng, văn nghệ, người đẹp lễ hội, thi giọng hát hay, múa dân tộc thiểu số, biểu diễn đu nhún, bịt mắt đập niêu, và thi đi cà kheo; Về hoạt động thể thao có 7 môn thi, gồm: Đấu bóng chuyền, thi đấu vật, kéo co, ném còn, đẩy gậy, cờ thẻ, chọi gà. Ông Tô Thanh Sơn, trưởng Phòng Văn hóa, Thể thao Thị xã Thái Hòa cho biết: “Qua 14 lần tổ chức lễ hội, chúng tôi tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị chu đáo để cho mỗi du khách về với làng Vạc, về với Thái Hòa cảm thấy toại nguyện. Xuyên suốt các hoạt động của Lễ hội Làng Vạc, chính quyền và nhân dân thị xã Thái Hòa muốn phát huy những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời nâng cấp, phát triển phù hợp với thực tế hiện nay. Cái quan trọng mà chúng tôi hướng tới là sau mỗi năm sẽ nâng tầm lễ hội để đạt tới những giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với du lịch sinh thái”. Theo đó, lễ hội sẽ tạo sự kết nối thu hút du khách với các điểm đến trên địa bàn Thị xã Thái Hòa là Rú Cấm - Làng Vạc - Lâm viên Bàu Sen - Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu. Hiện nay, các điểm kết nối này đã được hình thành và đang đầu tư xây dựng, trong đó, Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu vào ngày 10/12/1961 đã quy hoạch chi tiết với diện tích gần 10 ha, có tổng mức đầu tư xây dựng trên 92 tỷ đồng.

Năm nay, Thị xã Thái Hòa kỷ niệm 5 năm thành lập (10/5/2008- 10/5/2013), vì thế, tổ chức tốt lễ hội Làng Vạc được đánh giá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thị xã. Làng Vạc được Nhà nước công nhận là một trong những nơi khởi nguồn của nền văn hóa Đông Sơn, bởi vậy, Lễ hội Làng Vạc được duy trì, phát triển là sự tiếp nối mạch nguồn tinh hoa văn hóa dân tộc.

Chương trình Lễ hội

Lễ hội Làng Vạc lần thứ 14 - năm 2013 được tổ chức tại xã Nghĩa Hòa, Thị xã Thái Hòa từ 18 đến 20 tháng 3, tức từ 7 – 9/2 ÂL.

- Chiều 17/3/2013: Lễ Khai quang đền thờ người Việt cổ và các vua Hùng; Tổ chức thi cắm trại

- Chiều 18/3/2013: Lễ Yết tại đền thờ người Việt cổ và các vua Hùng; Thi văn nghệ, cồng chiêng; Thi giọng hát hay; Các điệu múa dân tộc thiểu số.

- Sáng 19/3/2013: Lễ dâng hương, lễ tế cầu quốc thái dân an; Khai mạc lễ hội; Thi người đẹp lễ hội Làng Vạc.

- Ngày 20/3/2013: Trao thưởng các đơn vị, cá nhân đạt giải trong các cuộc thi; Bế mạc Lễ hội Làng Vạc.

Xuyên suốt các ngày trên, du khách đến với Lễ hội Làng Vạc sẽ được theo dõi và tham gia các hoạt động mang đậm nét văn hóa vùng cao như: thi đẩy gậy, ném còn, vật, kéo co, cờ thẻ, chọi gà, biểu diễn đu nhún, bịt bắt đập niêu, đi cà kheo, thi đấu bóng chuyền.

Nguyên Sơn