(Baonghean) - Đến nay, toàn tỉnh có hơn 2.153.400 người dân tham gia BHYT, chiếm trên 70% dân số. Để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014, trong điều kiện các bệnh viện công lập thường xuyên quá tải, y tế cơ sở còn yếu thì việc thu hút nhiều hơn nữa bệnh nhân có thẻ BHYT vào KCB tại các cơ sở KCB ngoài công lập là cần thiết. Để đạt được điều đó, thiết nghĩ, ngành Y tế cần giải quyết được một số vướng mắc.
Hiện nay, Nghệ An là một trong những địa phương có số cơ sở khám chữa bệnh (KCB) ngoài công lập lớn nhất sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với 9 bệnh viện và hàng chục phòng khám. Về cơ bản các bệnh viện tư nhân được đầu tư về cơ sở hạ tầng tương đối hiện đại, đồng bộ, đội ngũ bác sỹ có chuyên môn nghiệp vụ cao, đủ điều kiện phục vụ bệnh nhân. Đặc biệt, hầu hết các bệnh viện và một số phòng khám tư nhân đã thực hiện khá tốt công tác KCB BHYT. Bắt đầu từ năm 2007 với Bệnh viện đa khoa Thái An, đến nay đã có 9 bệnh viện và 4 phòng khám đa khoa ngoài công lập trên địa bàn tỉnh thực hiện khám chữa ban đầu cho bệnh nhân có thẻ BHYT.
Đó là các bệnh viện đa khoa Cửa Đông, Thái An, 115, Thành An Sài Gòn, Phủ Diễn, Đông Âu, Minh Hồng, Mắt Sài Gòn Nghệ An và Răng – Hàm – Mặt & phẫu thuật thẩm mỹ Thái Thượng Hoàng và các phòng khám. Số bệnh nhân BHYT đăng ký khám chữa bệnh ở BV, cơ sở y tế ngoài công lập hiện có khoảng gần 118.000 người. Theo báo cáo của liên ngành Sở Y tế và BHXH, hầu hết các bệnh viện ngoài công lập đã tổ chức thực hiện đúng quy trình KCB theo quy chế chuyên môn Bộ Y tế ban hành, thực hiện tốt chính sách BHYT, chất lượng các dịch vụ y tế ngày càng đa dạng, công tác KCB ngày càng được nâng cao. Vì vậy, các bệnh viện ngoài công lập ngày càng thu hút các bệnh nhân, trung bình tỷ lệ sử dụng giường bệnh đạt trên 100%.
Theo ông Nguyễn Trường Giang – Phó Giám đốc BHXH tỉnh, ngày càng có nhiều cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập tham gia khám chữa bệnh BHYT ban đầu là vì tâm lý của người bệnh muốn đến các cơ sở y tế ngoài công lập để được chăm sóc chu đáo. Thực tế, từ khi Luật BHYT có hiệu lực (từ tháng 10/2009), các bệnh viện ngoài công lập đã rất tích cực cải tiến các thủ tục đón tiếp, nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh. Chẳng hạn Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông - một trong những bệnh viện ngoài công lập có quy mô lớn với 250 giường bệnh cùng nhiều phương tiện, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh như giường bệnh đa chức năng, buồng bệnh khép kín, các loại máy xét nghiệm, chẩn đoán tiên tiến...
Từ quý 3 năm 2009, bệnh viện đã hợp đồng với Bảo hiểm xã hội Nghệ An triển khai khám chữa bệnh ban đầu cho bệnh nhân BHYT. Hiện nay, số thẻ BHYT đăng ký KCB tại bệnh viện là 46.539 thẻ. Ông Nguyễn Xuân Kiên – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là tiếp nhận tất cả các bệnh nhân BHYT bởi đó là những người trả tiền trước cho việc chữa trị của mình thì không lý do gì họ không được trân trọng. Người bệnh đến KCB BHYT tại bệnh viện được hướng dẫn tận tình, từ bộ phận tiếp tân đến các khoa, phòng. Bệnh nhân có BHYT hay không có BHYT đều nhận phiếu KCB chung và cùng chế độ điều trị, chế độ thuốc men. Đặc biệt, từ đầu năm 2010, thực hiện Luật BHYT mới, để tạo thuận tiện cho bệnh nhân đến KCB BHYT, chúng tôi đã đầu tư viết riêng các phần mềm quản lý thẻ BHYT, tính toán thu phí BHYT, kiểm tra, theo dõi bệnh nhân, mua sắm hơn 10 máy thu ngân, bổ sung nhân viên làm nhiệm vụ tiếp đón, hướng dẫn...”.
Còn ông Phạm Văn Dũng - Phó Giám đốc Phụ trách chuyên môn Bệnh viện 115 thì cho biết: “Ngày càng đông người dân tham gia BHYT, nếu các cơ sở y tế ngoài công lập như chúng tôi không chấp nhận thanh toán BHYT cho khách hàng thì sẽ không thu hút được nhiều khách hàng mới và rất khó giữ chân khách hàng cũ. Do đó, chúng tôi chủ trương đối xử với những bệnh nhân KCB BHYT bình đẳng như các bệnh nhân không có BHYT. Với những bệnh tình vượt quá chuyên môn của bệnh viện sẽ được chuyển đến các bệnh viện công lập hoặc ngoài công lập khác một cách nhanh chóng”. Tại khoa Khám bệnh Bệnh viện 115, chị Phạm Thị Trà – một bệnh nhân trú tại xã Nghi Kim (Tp Vinh) cho biết: “Dù không đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện 115 nhưng mỗi lần có vấn đề gì về sức khỏe, tôi thường vào đây khám, bởi được đón tiếp ân cần, chu đáo, không phải chờ đợi lâu và không phải làm thủ tục phiền hà”.
Ông Nguyễn Xuân Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế đánh giá: “Việc các cơ sở y tế ngoài công lập đồng hành với các cơ sở công lập trong việc khám chữa bệnh BHYT ban đầu là một hoạt động có lợi cho cả đôi bên. Số lượng bệnh nhân khám ban đầu tại các cơ sở ngoài công lập ngày càng tăng sẽ giúp giảm tải bệnh nhân BHYT cho các cơ sở công lập, góp phần tạo điều kiện cho các cơ sở này nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động BHYT. Mặt khác, qua bệnh nhân BHYT, các cơ sở ngoài công lập quảng cáo được thương hiệu của mình, thu hút khách hàng ngày càng nhiều – một cách kinh doanh hiệu quả mà các cơ sở công lập hiện vẫn xem nhẹ”.
Một điều kiện thuận lợi khác là hiện nay, việc thanh toán chi phí BHYT rất đơn giản: phần trong danh mục thì đã được thanh toán trước; phần ngoài danh mục, tùy theo điều kiện của người tham gia mà có quyền chọn lựa dịch vụ, kỹ thuật điều trị. Vì vậy, các cơ sở ngoài công lập không ngại đầu tư trang thiết bị để phục vụ bệnh nhân. Chẳng hạn, ở các bệnh viện đa khoa ngoài công lập như Cửa Đông, Thành An Sài Gòn, mỗi giường bệnh được đầu tư xấp xỉ 1 tỷ đồng. Mức giá này cao hơn so với nhiều bệnh viện công nhưng khá phổ biến với các bệnh viện tư bởi chỉ đầu tư lớn mới trang bị được kỹ thuật tiên tiến để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của bệnh nhân.
Tuy vậy, hoạt động khám chữa bệnh BHYT của các cơ sở y tế ngoài công lập ở tỉnh ta vẫn còn một số bất cập. Vẫn còn nhiều người bệnh tham gia BHYT e ngại vào bệnh viện hay phòng khám ngoài công lập vì phải đóng thêm mức phụ thu chênh lệch cao so với giá viện phí, bởi các cơ sở này phải tự cân đối thu – chi. Hiện nay, nếu khám BHYT tại bệnh viện ngoài công lập, bệnh nhân thường ít nhất phải đóng thêm phụ thu 100.000 đồng gồm cả tiền công, tiền thuốc trong khi phần lớn bệnh nhân chưa có điều kiện. Trong trường hợp điều trị, phần phụ thu chênh lệch ngoài BHYT còn nhiều hơn. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo các bệnh viện ngoài công lập, hiện nay chi phí thanh toán BHYT vẫn chưa tương xứng với chất lượng khám chữa bệnh.
Nguyên nhân là do Bộ Y tế chưa có tiêu chí phân loại bệnh viện ngoài công lập nên các bệnh viện ngoài công lập, dù có trang thiết bị hiện đại, tiến hành một số dịch vụ kỹ thuật cao không kém bệnh viện công lập, nhưng từ ngày 1/4/2013 lại được xếp là bệnh viện hạng 4 (tương đương… trạm y tế phường, xã). Điều này dẫn đến thiệt thòi cho bệnh nhân bảo hiểm y tế khi tiến hành một số dịch vụ y tế chỉ được hỗ trợ 30% thay vì 80% kinh phí. Điều này dẫn đến lượng người đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại một số bệnh viện ngoài công lập bị hạn chế vì nếu tham gia, họ sẽ chấp nhận phần thanh toán chênh lệch cao.
Mặt khác, dễ nhận thấy nhất là hiện nay, năng lực chuyên môn giữa các chuyên khoa ở các bệnh viện đa khoa ngoài công lập không đồng đều (chẳng hạn Bệnh viện 115 mạnh về điều trị chấn thương, Bệnh viện Cửa Đông là nội khoa, Bệnh viện Thành An Sài Gòn là sản khoa...). Điều này gây không ít trở ngại cho nhu cầu đa dạng của bệnh nhân BHYT. Ngoài ra, thời gian qua, đã có một số bệnh viện ngoài công lập bị liên ngành BHXH – Y tế “tuýt còi” vì lạm dụng quỹ BHYT, đặc biệt là lạm dụng xét nghiệm cận lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị, điển hình là Bệnh viện đa khoa Đông Âu, Bệnh viện đa khoa Thái An…
Để thu hút nhiều hơn bệnh nhân BHYT đến các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập, ngành Y tế cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện khung viện phí tại các cơ sở y tế ngoài công lập để bệnh nhân không phải đóng thêm phụ thu chênh lệch lớn; ngành BHXH cần đổi mới, tăng cường công tác giám định để chống lạm dụng quỹ BHYT ở các cơ sở này. Bên cạnh đó cần có kiến nghị để Bộ Y tế điều chỉnh việc phân hạng hợp lý đối với các cơ sở y tế ngoài công lập, đặc biệt là các bệnh viện được đầu tư lớn về trang thiết bị, kỹ thuật khám chữa bệnh, tạo điều kiện tốt hơn cho các bệnh viện cũng như bệnh nhân.
Minh Quân