(Baonghean) - Hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp tỉnh, huyện và xã được cải thiện thông qua xây dựng cơ chế đáp ứng tốt hơn phản hồi của người dân là mục tiêu của Dự án “Nâng cao hiệu quả hành chính công gắn với nhu cầu và phản hồi của người dân” do Chính phủ Bỉ tài trợ và dự kiến sẽ được thực hiện trong 3 năm, từ tháng 6/2016 đến 6/2019 tại Nghệ An.

Thành công bước đầu 

Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ Bỉ, dự án PORIS với mục tiêu “Giảm nghèo thông qua tăng cường năng lực thể chế tại huyện Quỳ Châu và cấp tỉnh Nghệ An” đã được thực hiện 5 năm qua.

Các can thiệp của dự án tập trung vào 3 nội dung: Nâng cao sự tham gia của cộng đồng vào quá trình ra quyết định, thực hiện các hoạt động đầu tư tại cơ sở; tăng cường sự gắn kết giữa các quyết định đầu tư nhà nước từ cấp huyện, xã với nhu cầu của nhân dân; và tăng cường năng lực thể chế của chính quyền các cấp. 

Một góc bản Minh Châu, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu)
Dự án Poris đã góp phần cải thiện đời sống nhiều bản, làng ở Quỳ Châu. Một góc bản Minh Châu, xã Châu Hạnh. (Ảnh: Trần Ngọc Lan)

Dự án đã đóng góp đáng kể vào việc thay đổi cách thức lập kế hoạch từ công việc hành chính đơn thuần sang phương thức có sự tham gia, dựa vào nguồn lực và bám sát thực tế hơn trong công tác lập kế hoạch phát triển KT-XH cấp xã.

Các xã đã được phân cấp tự chủ ngân sách để thực hiện 205 hoạt động phát triển kinh tế địa phương và các công trình hạ tầng nhỏ được xác định trong kế hoạch. Những kết quả trên đã được chính quyền tỉnh Nghệ An ghi nhận bằng Quyết định 811 thể chế hóa quy trình lập kế hoạch phát triển KT- XH cấp xã đã được dự án thực hiện thí điểm tại một số huyện, nay mở rộng áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh. 

Cái được của dự án là đã trao trách nhiệm quản lý đầu tư cho cấp xã cùng với hỗ trợ kỹ thuật phù hợp, quyền được tiếp cận nguồn vốn phân bổ có tính dự báo và xây dựng cơ chế trách nhiệm giải trình. Và kết quả thực tế đã chứng minh rằng, với hỗ trợ kỹ thuật và chính trị phù hợp, cấp xã có đủ năng lực để cung cấp dịch vụ công hiệu quả đáp ứng các nhu cầu của người dân.

Dự án cho thấy, trao quyền cho cấp xã sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, bởi vì nó giúp tăng đóng góp của địa phương và thúc đẩy các sáng kiến phát triển cộng đồng; mở đường cho tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.  

Cải thiện mạnh mẽ hành chính công

Từ thành công của dự án PORIS, Chính phủ Bỉ tiếp tục có sự đầu tư cho Nghệ An trong nâng cao dịch vụ hành chính công.

Tại buổi làm việc ngày 20/10 với Cơ quan hợp tác Bỉ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại khẳng định, mặc dù đã có sự cải thiện về cả 2 chỉ số PAPI và PCI, song quan điểm của tỉnh là tiếp tục phấn đấu cải cách hành chính để ngày càng nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp và người dân đối với dịch vụ hành chính công. Đây cũng là yếu tố giúp tỉnh “hút” các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển KT - XH.

Với hỗ trợ của Chính phủ Bỉ, tỉnh Nghệ An mong muốn cải thiện chất lượng dịch vụ bằng cách quan tâm hơn và đáp ứng tốt hơn phản hồi của người dân đối với công việc của chính quyền. Đó cũng là lý do để 2 bên xây dựng và thực hiện dự án “Nâng cao hiệu quả hành chính công gắn với nhu cầu và phản hồi của người dân”. Trước mắt, tỉnh sẽ cùng các đơn vị liên quan lựa chọn các địa phương, lĩnh vực hợp lý để ưu tiên thực hiện nhằm đem lại hiệu quả của dự án một cách bền vững.

Cơ sở vật chất Trung tâm học tập cộng đồng xã Châu Bình được nâng cấp từ nguồn kinh phí dự án Poris (Ảnh: Nguyên Sơn)

Với 1 triệu Euro tài trợ của Chính phủ Bỉ và 150 nghìn Euro vốn đối ứng của tỉnh, Nghệ An sẽ xây dựng hệ thống cho phép thu thập và xử lý các phản hồi của người dân (đặc biệt tại cấp xã) nhằm cung cấp thông tin tốt hơn cho tiến trình hoạch định chính sách để các phản hồi đó được phản ánh tốt hơn trong các chính sách của tỉnh.

Các hoạt động đề xuất của dự án bao gồm: phân tích điểm số PAPI hàng năm để xây dựng kế hoạch hành động tương ứng, phổ biến rộng rãi điểm số PAPI và xây dựng kế hoạch hành động của tỉnh, lồng ghép điểm số PAPI để cải thiện công tác kế hoạch phát triển KT-XH. Cùng với đó, sẽ nhân rộng công tác lập kế hoạch phát triển KT-XH cấp xã trên phạm vi toàn tỉnh để tăng cường sự tham gia, tăng cường tính minh bạch của tiến trình kế hoạch phát triển KT-XH cấp xã; trong đó, chú trọng minh bạch ngân sách, minh bạch kế hoạch đầu tư công trung hạn, minh bạch đấu thầu, tăng cường hiệu quả Ban giám sát đầu tư cộng đồng và Ban thanh tra nhân dân, Hội đồng nhân dân, tăng cường trách nhiệm giải trình trong công tác kế hoạch phát triển KT-XH; xây dựng cơ chế phản hồi của người dân đối với hệ thống kế hoạch phát triển KT-XH nhằm đánh giá hiệu quả cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương.

Dự án sẽ thực hiện các hoạt động ưu tiên trong kế hoạch hành động xây dựng cơ chế đáp ứng tốt hơn phản hồi của người dân. Xây dựng và thực hiện chiến lược truyền thông về chỉ số PAPI và công tác kế hoạch cấp xã. Tạo mạng lưới trao đổi thông tin, diễn đàn hội thảo và tham quan học tập với các tỉnh có dự án cùng mục tiêu và các tỉnh có chỉ số PAPI dẫn đầu và với cấp trung ương.

Trao đổi về những bước hợp tác của dự án này, ông Jean Christopher - Đại diện Cơ quan phát triển Bỉ cho rằng, với thành công của dự án PORIS, phía Bỉ cam kết sẽ tiếp tục dự án ý nghĩa này tại Nghệ An với mong muốn cải thiện hành chính công. Ông cũng mong muốn với sự quan tâm, vào cuộc của lãnh đạo tỉnh và các đơn vị liên quan, dự án sẽ sớm phát huy được hiệu quả, giúp Nghệ An có những bước tiến trong cải cách hành chính.

Ông Bùi Thanh An - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Đối tượng hưởng lợi của dự án là người dân trong tỉnh, với việc đưa ra những phản hồi về hiệu quả dịch vụ công, nhu cầu của người dân sẽ được đáp ứng tốt hơn với các dịch vụ công có chất lượng và trách nhiệm giải trình của chính quyền được nâng cao. Dự án này hoàn toàn phù hợp với chiến lược chung về cải cách hành chính và tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam; đặc biệt trong việc thắt chặt quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư công với việc Luật Đầu tư công được ban hành và có hiệu lực. Để thực hiện có hiệu quả, dự án sẽ phối hợp cùng với các chương trình khác (như Oxfam) về phản hồi của người dân bao gồm kế hoạch phát triển KT-XH, và với các tỉnh có cùng kế hoạch hành động cải thiện PAPI, để trao đổi các kinh nghiệm thực tế”. 

An Nhân

Năm 2014, chỉ số PAPI của Nghệ An tiến 10 bậc so với năm 2013, các chỉ số tăng bao gồm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân và cung cấp dịch vụ công. Các điểm chính của PAPI cho thấy vẫn còn hạn chế trong bức tranh chung của cải cách hành chính của tỉnh Nghệ An. Đó là Nghệ An nằm mức dưới trung bình về nội dung sự tham gia, dưới mức trung bình về tính minh bạch, đặc biệt là về ngân sách xã; trên mức trung bình về trách nhiệm giải trình với người dân, nhưng thấp về tương tác với chính quyền cơ sở, dưới mức trung bình về chống tham nhũng trong lĩnh vực công, trên mức trung bình về hiệu quả cấp tỉnh về thủ tục hành chính. 
TIN LIÊN QUAN