Hội nghị bàn tròn sản xuất, kinh doanh và bền vững tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Phúc

Tham dự hội thảo có các ông: Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản; Vũ Văn Diện - Vụ trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp, nhóm hộ sản xuất của các tỉnh hưởng lợi từ dự án.

Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam” được triển khai từ năm 2018 đến năm 2023 tại 5 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh đã góp phần cải thiện thực trạng bằng phương pháp tiếp cận phát triển chuỗi giá trị toàn diện và nâng cao năng lực quản trị chuỗi.

Tham quan gian hàng mây tre đan xuất khẩu của Nghệ An. Ảnh: Thanh Phúc

Qua 5 năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả quan trọng: hơn 34 nghìn người có thu nhập bền vững hơn từ sản xuất nghêu và tre; 125 nhóm sản xuất được tổ chức tốt hơn; 63 doanh nghiệp cải thiện sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng và có chính sách kinh doanh bao trùm; hơn 4.000 việc làm mới được tạo ra.

Ông Vũ Văn Diện - Vụ trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.P

Tại Nghệ An, thông qua dự án đã thành lập được hàng chục tổ nhóm sản xuất tre luồng quy mô nhỏ. Trong đó, có 3 nhóm nòng cốt gồm: Nhóm bản Ăng Đừa xã Thông Thụ, bản Pù Khoóng xã Đồng Văn, huyện Quế Phong và bản Xẹt 2, xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Ngoài ra, các nhóm nông dân sản xuất nhỏ được đào tạo, tăng cường năng lực quản lý và vận hành nhóm.

Thông qua các mô hình tổ nhóm sơ chế này, giá nguyên liệu luồng mà các nhóm thu mua tăng khoảng 40% so với việc bán cho thương lái. Điều này cũng thúc đẩy giá bán nguyên liệu luồng trong vùng được nâng cao trung bình tăng 20 - 30% so với các năm trước. Ngoài ra, 1 doanh nghiệp về ngành tre ở Nghệ An đã ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu mây tre đan.

Rừng luồng ở Quế Phong được trao chứng chỉ FSC. Ảnh: Thanh Phúc

Năm 2022, dự án đã trao chứng chỉ FSC cho nhóm 212 hộ dân trồng và khai thác 938ha rừng lùng (có họ với tre) tại xã Đồng Văn (huyện Quế Phong). Việc được cấp chứng chỉ này không chỉ là “giấy thông hành” cho nguyên liệu tre, luồng Nghệ An tới những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu… mà còn giúp bảo tồn vùng nguyên liệu bền vững.