(Baonghean) - Xác định chi bộ là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở, thời gian qua, Huyện uỷ Nam Đàn đã tập trung thực hiện Chỉ thị số 10- CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tạo những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng…
Nam Đàn hiện có 468 chi bộ trực thuộc, với 8.413 đảng viên. Trước khi có Chỉ thị số 10/CT-TƯ, ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, mặc dù Huyện ủy Nam Đàn đã ban hành các đề án, quy định nhằm mục đích nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chi bộ, song sự chuyển biến trong nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở Nam Đàn còn chậm, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, đảng viên chưa phát huy được tự phê bình và phê bình; nghị quyết chi bộ đưa ra còn qua loa, hình thức… Sau khi có Chỉ thị số 10/CT-TƯ, Huyện ủy Nam Đàn tập trung triển khai thực hiện chỉ thị cùng với thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc. Để giúp các chi bộ sinh hoạt đạt hiệu quả, BTV Huyện uỷ chỉ đạo các cấp uỷ đảng cung cấp tài liệu, báo cáo về tình hình của tỉnh, của huyện tới các chi bộ cơ sở. Nhờ vậy, chất lượng sinh hoạt của các chi bộ ở Nam Đàn, nhất là ở khu vực nông thôn không ngừng được nâng lên.
Chi bộ xóm 6A, xã Nam Thanh có 19 đảng viên, trong đó có 3 đảng viên được miễn sinh hoạt đảng. Bằng sự lãnh đạo của chi bộ thông qua các nghị quyết cụ thể và sát đúng với tình hình thực tế ở địa phương, từ một đơn vị yếu kém về kinh tế; an ninh trật tự phức tạp (trộm cắp, tranh chấp ranh giới, mâu thuẫn gia đình thường xuyên xảy ra), xóm 6A đã từng bước vươn lên, trở thành một trong những đơn vị xuất sắc của xã Nam Thanh. Bí thư chi bộ xóm Bùi Quốc Ấn cho rằng, để có được sự đồng thuận trong đảng viên và người dân như vậy là do chất lượng sinh hoạt chi bộ tốt, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm ở nông thôn để bàn bạc, thảo luận, thống nhất nên các nghị quyết chi bộ ban hành khi đi vào thực tiễn đều đạt hiệu quả cao. Bên cạnh sinh hoạt định kỳ, chi bộ đã triển khai nhiều cuộc sinh hoạt chuyên đề hoặc đột xuất nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề mới phát sinh, các nhiêm vụ chính trị của xóm đặt ra.
Cũng theo ông Bùi Quốc Ấn thì: Gắn với các nghị quyết sát đúng là vai trò gương mẫu của các đảng viên trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết theo phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Ở chi bộ xóm 6A, lĩnh vực nào, vai trò của đảng viên cũng được thể hiện rõ, từ việc đi đầu đưa giống mới vào sản xuất; mở rộng kinh tế trang trại, phát triển chăn nuôi đến việc làm đường giao thông nông thôn; đóng góp xây dựng nhà văn hóa, làm từ thiện... nhờ đó mọi phong trào đều được người dân đồng tình, ủng hộ.
Còn ở Chi bộ xóm Trường Tiến, xã Hùng Tiến với 26 đảng viên (7 đảng viên miễn sinh hoạt). Mỗi kỳ sinh hoạt gần 100% đảng viên tham dự, không khí thảo luận sôi nổi, các đảng viên đều phát huy tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn phát biểu ý kiến đóng góp xây dựng các nghị quyết của chi bộ. Theo đồng chí Trần Xuân Tứ - Bí thư chi bộ xóm thì chất lượng sinh hoạt chi bộ, trước hết phụ thuộc rất lớn vào vai trò của bí thư chi bộ. Bí thư chi bộ cần phải bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Đảng ủy và điều kiện thực tế của xóm để xác định và chuẩn bị nội dung sinh hoạt cho từng tháng; khi định hướng đúng rồi đưa ra cấp ủy quyết định.
Người dân xóm Trường Tiến (Hùng Tiến, Nam Đàn) làm giao thông nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới.
Từ nhận thức như vậy, trên cơ sở nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Đảng ủy cũng như của xóm trong năm 2013 là xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi ruộng đất, từ tháng 3 năm 2013 đến nay, các cuộc họp của Chi bộ Trường Tiến tập trung xoay quanh việc bàn các giải pháp chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ này. Nhờ vậy, đến thời điểm này, hệ thống giao thông nông thôn ở Trường Tiến đã được mở rộng từ 2,5 – 3m lên 6m; 30% kênh mương được bê tông hoá. Xóm cũng đã hoàn chỉnh trục ngang, trục dọc hệ thống đường giao thông nội đồng đảm bảo rộng 5m. Các nghị quyết về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất rau màu cao cấp, lúa lai chất lượng cao..., đã thực sự đưa kinh tế các hộ trong xóm ngày càng phát triển và ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ đói nghèo xuống còn 7,4%. Chi bộ xóm Trường Tiến 10 năm liên tục đạt trong sạch, vững mạnh.
Theo đồng chí Lê Sỹ Kiệt – Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nam Đàn thì “vai trò của cấp ủy chi bộ, nhất là vai trò của bí thư đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Nhận thức được như vậy, từ nhiều năm nay, Huyện ủy Nam Đàn quan tâm đôn đốc các tổ chức cơ sở đảng, định kỳ tiến hành xây dựng, rà soát quy hoạch đội ngũ cấp ủy và bí thư, phó bí thư chi bộ trực thuộc cơ sở để nắm và kịp thời củng cố, kiện toàn và bổ sung đội ngũ cán bộ ở các chi bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức và phương pháp công tác đảng.
Hàng năm, tổ chức tập huấn các chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, trong đó có vị trí, vai trò, nhiệm vụ của chi bộ trong hệ thống chính trị cho BCH Đảng ủy cấp xã và bí thư chi bộ trực thuộc cơ sở trong toàn huyện. Từ đó củng cố, tạo sự thống nhất và nâng cao nhận thức cho đội ngũ làm công tác Đảng, nhất là bí thư chi bộ về vị trí, nền tảng, vai trò hạt nhân chính trị của chi bộ ở cơ sở... Cùng với đó, Huyện ủy cũng đã phân công các UVBCH Đảng bộ huyện, các Đảng bộ trực thuộc phân công BTV, BCH trực tiếp tham dự sinh hoạt chi bộ cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành chế độ sinh hoạt cũng như chất lượng sinh hoạt chi bộ, kịp thời nắm bắt tình hình và tham mưu các giải pháp uốn nắn, chấn chỉnh trong sinh hoạt chi bộ cũng như giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở.
Theo đánh giá chung, hầu hết các chi bộ đã tổ chức sinh hoạt mỗi kỳ/tháng, ngoài ra còn có những kỳ sinh hoạt đột xuất hoặc sinh hoạt theo chuyên đề. Tại mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, ngoài cập nhật tình hình thời sự; đánh giá, kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng trước, các chi bộ tập trung thảo luận phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung lãnh đạo tháng tới. Nội dung xoay quanh những vấn đề cụ thể, thiết thực trong xóm như phát triển kinh tế; xây dựng đời sống văn hóa; công tác tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; công tác đoàn thể chính trị - xã hội; công tác xây dựng đảng, xây dựng chi bộ và phát triển đảng viên; công tác vệ sinh môi trường; công tác trật tự, an ninh nông thôn… Không khí sinh hoạt chi bộ khá sôi nổi, trách nhiệm. Đa số các cấp ủy, người đứng đầu chi bộ đã tôn trọng, phát huy tốt nguyên tắc tập trung dân chủ.
Kết quả xếp loại, trong tổng số 468 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở có 334 chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh, trong đó có 61 chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu và chỉ có 18 chi bộ xếp loại hoàn thành nhiệm vụ, không có chi bộ yếu kém.
Tuy nhiên, qua trao đổi với một số cấp uỷ đảng cơ sở thì sinh hoạt chi bộ, nhất là ở khu vực nông thôn hiện vẫn đang còn bộc lô một số tồn tại, hạn chế. Các chi bộ mặc dù đã duy trì được chế độ định kỳ, song một số chi bộ chất lượng sinh hoạt chưa cao, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt không ổn định, thiếu vắng các đảng viên trẻ do đi làm ăn xa.
Một số chi bộ sinh hoạt không có nhiều ý kiến phát biểu tham gia thảo luận của đảng viên, một số đảng viên không tham gia sản xuất nông nghiệp dẫn đến khi tham gia vào các nội dung liên quan đến cây trồng, vật nuôi, kinh tế của xóm hạn chế. Số chi bộ có số đông đảng viên cao tuổi thì việc chỉ đạo triển khai nghị quyết của chi bộ ở mũi được phân công có hạn chế, không đạt hiệu quả cao khi đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt của chi bộ.
Trong sinh hoạt, các chi bộ chưa chú trọng đến công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình đối với một số đảng viên yếu kém mà mới chỉ tập trung vào dịp kiểm điểm cuối năm. Điều hành sinh hoạt của một số bí thư chi bộ còn yếu, kết luận vấn đề thiếu cụ thể, thiếu sự phân công trách nhiệm, chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện nghị quyết nên hiệu quả lãnh đạo chưa cao. Vẫn còn tình trạng một số cấp ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ năng lực yếu, ảnh hưởng đến việc lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ cũng như nâng cao sinh hoạt chi bộ.
Đồng chí Lê Sỹ Kiệt - Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Nam Đàn cho hay: Để tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, yêu cầu đặt ra đối với các cấp ủy viên chi bộ, nhất là bí thư chi bộ là phải nghiên cứu kỹ các văn bản của Đảng uỷ cấp trên liên quan đến chất lượng sinh hoạt chi bộ trước mỗi kỳ sinh hoạt.
Bởi có nắm bắt tốt mới định hướng và triển khai tốt. Mặt khác, trong sinh hoạt chi bộ, người đứng đầu phải có phương pháp khuyến khích đảng viên thảo luận, tranh luận thẳng thắn để đạt tới sự nhất trí; kịp thời uốn nắn những nhận thức lệch lạc, tạo sự thống nhất về quan điểm; thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Trong thời gian tới, Huyện ủy sẽ tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ chi ủy viên, nhất là bí thư chi bộ các thôn, xóm về nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ sinh hoạt, chú trọng quy trình, nguyên tắc và giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị...
Minh Chi