Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Xuân Đại-Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các ngành, các địa phương, doanh nghiệp trong công tác XKLĐ trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh để tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống, hướng tới mở rộng những thị trường có thu nhập cao, các ngành, các địa phương cần phải tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các chủ trương, chính sách XKLĐ đến với nhân dân và người lao động kịp thời và đầy đủ; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp XKLĐ và các đơn vị giới thiệu cung ứng lao động xuất khẩu có uy tín, tuyển chọn và đưa được nhiều lao động của tỉnh đi xuất khẩu. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức,cá nhân lợi dụng, lừa đảo để chiếm đoạt tiền của người lao động. Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp XKLĐ, các trường đào tạo nghề làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề, ý thức kỷ luật, tác phong làm việc công nghiệp để hình ảnh, chất lượng lao động Nghệ An ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường XKLĐ.
Nâng chất lượng nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu
(Baonghean.vn)- Chiều 15/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác xuất khẩu lao động năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015.
Đồng chí Lê Xuân Đại- Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tới dự có đại diện các ban, ngành cấp tỉnh, phòng LĐTB&XH các huyện, thành, thị, các trường dạy nghề, các doanh nghiệp XKLĐ trên địa bàn.
Năm 2014, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Toàn tỉnh đã đưa được 12.366 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, tập trung ở các nước Đài Loan, Malaixia, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Trung Đông. Bên cạnh đó đã có 2.671 người thuộc đối tượng chính sách tham gia đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, chiếm 21,6% so với cả tỉnh… Số lượng người đi XKLĐ chiếm gần 1/3 số lao động được giải quyết việc làm trong năm 2014 đưa Nghệ An trở thành địa phương đứng đầu cả nước về kết quả XKLĐ. Nguồn thu nhập do XKLĐ chuyển về tỉnh trong năm đạt khoảng 250 triệu USD góp phần quan trọng, tích cực trong thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, tạo sự ổn định về chính trị xã hội trên địa bàn, thúc đẩy quá trình hội nhập và phát triển.
Tuy nhiên trong công tác XKLĐ vẫn còn một số hạn chế nổi lên là tình trạng một số đơn vị, doanh nghiệp không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng vẫn lợi dụng, tổ chức tuyển dụng xuất khẩu lao động trái pháp luật ở một số thị trường như Angola, Austraylia,Canada, Nauy.. gây thiệt hại nhiều mặt đối với người lao động và ảnh hưởng đến công tác xuất khẩu lao động chung của cả tỉnh. Hiện tượng người dân tự ý hoặc thông qua môi giới sang một số nước làm việc không có hợp đồng lao động và cư trú bất hợp pháp bằng hình thức đi du lịch thăm thân hoặc kết hôn giả gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước; tỷ lệ lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, hết hợp đồng không về nước… vẫn ở mức cao ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lao động Việt Nam nói chung, lao động Nghệ An nói riêng; xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị XKLĐ.
Tại hội nghị đại diện một số địa phương, doanh nghiệp có thành tích đã tham gia thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác XKLĐ nhằm thực hiện mục tiêu: phấn đấu trong năm 2015, toàn tỉnh đưa được từ 12-13.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi XKLĐ đạt 45-50%.
Dịp này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 19 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác XKLĐ năm 2014.
Khánh Ly- Mỹ Hà