(Baonghean) - Những năm gần đây, Nghệ An đã đạt được những bước tiến quan trọng trong giải quyết nhu cầu về nguồn giống thủy sản trên địa bàn, nhất là nguồn giống tôm thẻ chân trắng.

Mỗi năm cần 2 tỷ con tôm giống

Quỳnh Lưu hiện có 450 ha đất nuôi tôm, tập trung ở các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương... Với diện tích đó, mỗi năm nhu cầu về giống tôm thẻ chân trắng của Quỳnh Lưu lên tới gần 600 triệu con giống. Trên địa bàn, ngoài Công ty Việt Úc đã bắt đầu sản xuất con giống từ năm 2015, còn có 5 cơ sở sản xuất giống tư nhân khác vừa sản xuất vừa ương gièo. Theo ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, với chừng đó cơ sở giống, nếu tính về số lượng thì đáp ứng thoải mái cho nhu cầu về giống tôm trên địa bàn. Tuy nhiên, do các trại giống này còn cung cấp con giống cho cả các tỉnh phía Bắc và khu vực Bắc Trung bộ nên rất nhiều thời điểm xảy ra hiện tượng “khan” giống. 

1
Lãnh đạo Sở NN&PTNT, huyện Diễn Châu kiểm tra tôm tại Diễn Trung, Diễn Châu

Năm 2015, Nghệ An đạt tổng sản lượng nuôi thủy sản 45.546 tấn, trong đó nuôi nước ngọt trên 36.000 tấn và nuôi mặn lợ đạt 9.500 tấn. Các cơ sở sản xuất giống đã sản xuất 647 triệu con cá bột, 20 triệu con cá rô phi và đặc biệt là 1,250 triệu con tôm giống, 20 triệu con cua giống và 600 triệu con ngao giống. Trong nuôi trồng mặn lợ, nhu cầu lớn nhất hiện nay là giống tôm thẻ chân trắng. Với trên 2.210 ha nuôi tôm mỗi năm, Nghệ An cần khoảng 2 tỷ con giống.

Ông Trần Xuân Học - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho biết: Những năm trước đây người nuôi tôm phải lấy giống từ các tỉnh miền Nam và Nam Trung bộ là chủ yếu. Nhưng do vận chuyển đường dài với mật độ cao làm con tôm bị yếu, tỷ lệ hao hụt lớn, khó kiểm soát mầm bệnh. Nhận thấy tiềm năng, thuận lợi của Nghệ An cả về điều kiện khí hậu, thời tiết cũng như sự quan tâm của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp đã “vào cuộc”, đầu tiên chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng, tiến hành ương gieo rồi dần tiến tới sản xuất giống tại chỗ, bắt đầu là các “ông lớn” về sản xuất giống tôm như Công ty cổ phần CP Việt Nam “vào” từ năm 2010, sau đó là Công ty giống Việt Úc, Công ty Thông Thuận, Nam miền Trung... 

Tỉnh đã quyết định phê duyệt đồng ý cho Công ty giống Việt Úc đầu tư xây dựng trại sản xuất tôm giống tại xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) với tổng vốn đầu tư 1,5 triệu USD, quy mô 4 ha và công suất thiết kế 3 tỷ con/năm; Công ty TNHH Hải Tuấn, xã Quỳnh Liên (TX. Hoàng Mai) là cơ sở đầu tiên trên địa bàn tỉnh đã cho sinh sản thành công tôm thẻ chân trắng giống. Các doanh nghiệp khác trên địa bàn như Công ty Hải Tuấn năm 2015 đầu tư xây dựng trại sản xuất giống công suất 500 triệu con/năm và trong năm đã nhập tôm bố mẹ, sản xuất được 60 triệu con giống. Đến nay số trại sản xuất, ương gièo tôm giống từ 55 trại lên 64 trại. Từ đó, sản lượng sản xuất, ương gièo tôm giống ngày càng tăng, năm 2015 hiện đã đạt 1 tỷ 250 triệu con. Các doanh nghiệp lớn “vào” Nghệ An đã giúp đảm bảo được khoảng 60% nhu cầu về con giống tôm. 

Ngoài sản xuất và ương gièo giống tôm thẻ chân trắng, các hộ dân vẫn tiếp tục sản xuất giống tôm sú để bán cho các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh. Trong năm 2015, với 50 cơ sở sản xuất tôm sú ở Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu đã sản xuất được 250 triệu con tôm giống P15 từ nguồn tôm bố mẹ được bắt tự nhiên ở các tỉnh Cà Mau, Phú Yên, Đà Nẵng. Bên cạnh đó, sau vụ tôm sú, một số trại tập trung sản xuất cua giống. Ông Trần Xuân Học cho biết: Về sản xuất cua giống, những năm gần đây Nghệ An đã có rất nhiều đề tài nghiên cứu, đặc biệt là Dự án nhập công nghệ chuyển giao từ Viện nghiên cứu thủy sản 3. Bắt đầu từ năm 2011, có 6 trại đưa vào sản xuất đạt 5 triệu con, thì đến năm 2015 có 15 cơ sở, sản xuất đạt 20 triệu con. Đồng thời, với sự định hướng của ngành nông nghiệp, người dân đã chủ động ứng dụng các tiến bộ KHKT và học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh khác, năm 2013 đã có 1 cơ sở tại xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) đưa vào thử nghiệm cho sinh sản nhân tạo giống ngao Bến Tre thành công, hiện nay đã làm chủ quy trình công nghệ sản xuất giống, năm 2015 sản xuất được 600 triệu con giống. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giống thủy sản trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn một số bất cập. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Dinh, ngoài vấn đề “khan” nguồn giống vào dịp cao điểm thả, vấn đề quản lý nguồn giống nhập từ các tỉnh khác hiện còn khó khăn. Bên cạnh đó, tuy đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống, nhưng vẫn chỉ mới đáp ứng hơn một nửa nhu cầu về nguồn giống trên địa bàn. 

Tăng thu hút đầu tư

Để khắc phục các bất cập trên, thời gian tới Nghệ An chủ trương tiếp tục nâng cao chất lượng con giống. Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp và mở rộng các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản mặn, lợ trên địa bàn toàn tỉnh, ngoài cung cấp cho vùng nuôi Nghệ An còn cung cấp cho các tỉnh phía Bắc, mục tiêu là xây dựng Nghệ An thành Trung tâm giống thủy sản của khu vực Bắc miền Trung và các tỉnh phía Bắc.

Năm 2015, Nghệ An đạt tổng sản lượng nuôi thủy sản 45.546 tấn, trong đó nuôi nước ngọt trên 36.000 tấn và nuôi mặn lợ đạt 9.500 tấn

Ông Trần Xuân Học cho biết: Trong các tỉnh từ Bắc Trung bộ ra phía Bắc, Nghệ An có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý cũng như các điều kiện tự nhiên về nguồn nước, khí hậu để sản xuất giống. Tuy nhiên, để có thể thu hút doanh nghiệp, tỉnh và các địa phương cần có các biện pháp hợp lý để tạo được nguồn quỹ đất cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý chất lượng đầu vào của nguồn giống. Bên cạnh đó, người dân cũng cần phải tuân thủ nghiêm túc quy trình kỹ thuật và sự quản lý của tỉnh trong vấn đề giống, nuôi trồng, không mua giống không rõ nguồn gốc, không qua ương gièo, hậu kiểm về thả đầm. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải thực sự có trách nhiệm, chia sẻ với người dân trong vấn đề cung ứng giống.

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN