LỰA CHỌN VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM
Triển khai Luật giám sát của Quốc hội và HĐND tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 5 phiên giải trình với UBND tỉnh và các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan về các nội dung khá “gai góc”, được Thường trực, các đại biểu HĐND tỉnh và cử tri, nhân dân quan tâm. Bao gồm, công tác phòng chống cháy nổ; công tác cấp, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh; thực hiện chính sách tái định cư dự án thủy điện Hủa Na; giải trình kết quả thực hiện kết luận tại phiên chất vấn của HĐND tỉnh và phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh liên quan đến giải quyết các tồn tại từ các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Tại các phiên giải trình, các bên liên quan đã trả lời một cách công khai, minh bạch, đúng bản chất các vấn đề mà Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu; gắn với việc nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành và cơ quan liên quan, từ đó đề ra giải pháp khắc phục cụ thể.
“Trên cơ sở kết quả từng phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đều ban hành thông báo kết luận phiên giải trình, theo đó, UBND tỉnh đã vào cuộc chỉ đạo các ngành, cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý và có giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập vướng mắc đang đặt ra; đồng thời Thường trực HĐND tỉnh cũng giao trách nhiệm cụ thể cho từng Ban HĐND chuyên trách theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nội dung kết luận tại phiên giải trình để đảm bảo các vấn đề nêu ra tại phiên giải trình được giải quyết” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường cho biết.
Ghi nhận tại nhiều địa phương, đến thời điểm này, tình hình khai thác cát sỏi trái phép đã giảm, đặc biệt là xóa được nhiều “điểm nóng”, bức xúc trước đây trên sông Lam, sông Hiếu, sông Con. Hay thông qua giải trình về công tác cấp, cấp đổi GCNQSD, tiến độ cấp GCNQSD đất ở lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân tại một số huyện miền núi cao và cấp đổi GCNQSD đất ở tại một số huyện; cấp đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất trang trại; cấp đổi GCNQSD đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa từng bước được Sở Tài nguyên - Môi trường, chính quyền cấp huyện, xã tháo gỡ, kể cả trách nhiệm phối hợp của người dân cũng được nâng lên. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu UBND tỉnh thay thế 10 đơn vị tư vấn đo đạc bản đồ địa chính yếu kém trong 6 tháng đầu năm 2019 nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSD đất tại một số địa phương. Công tác phòng chống cháy, nổ, nhất là tại các khu chung cư, trung tâm thương mại, chợ truyền thống được tăng cường công tác quản lý; việc giải quyết các vấn đề “hậu” các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh cũng đang được các cấp, các ngành vào cuộc giải quyết tích cực.
Ở cấp huyện, hoạt động giải trình cũng được thường trực HĐND các huyện triển khai thực hiện từ 1- 4 phiên. Đối với huyện Nghĩa Đàn, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND huyện đã tổ chức 4 phiên giải trình liên quan đến công tác quản lý đất đai, nhất là giải quyết tồn đọng do giao đất trái thẩm quyền, làm nhà trái phép; hạ tầng lưới điện và chất lượng điện sinh hoạt; tình trạng sai sót trong cấp thẻ BHYT; xây dựng, thu hút đầu tư và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện.
Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn Lại Thị Bích Liên, sau các cuộc giải trình, UBND huyện và các phòng, cơ quan chuyên môn cấp huyện và các xã, thị trấn có trách nhiệm hơn trong giải quyết các bất cập, hạn chế. Ví dụ, như sau phiên giải trình liên quan đến đất đai, UBND huyện đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại giải quyết tình trạng làm nhà trái phép trên đất nông lâm nghiệp; đồng thời luân chuyển 26 công chức địa chính và xử lý 2 công chức địa chính xã do sai phạm.
HĐND thị xã Hoàng Mai cũng đã tổ chức được 3 cuộc giải trình về công tác quản lý đô thị nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các tiêu chí đô thị loại III; chậm trong triển khai dự án đưa nước sinh hoạt về cho người dân; công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Duy Thao - Phó Chủ tịch HĐND thị xã, đây cũng là diễn đàn để Thường trực HĐND nắm bắt sâu hơn vấn đề được lựa chọn giải trình, vừa để chia sẻ với những khó khăn của chính quyền và các đơn vị liên quan; vừa có thêm thông tin để cung cấp đến với cử tri cùng chia sẻ đối với những khó khăn ngoài thẩm quyền của thị xã hoặc vượt quá khả năng đáp ứng về ngân sách của thị xã.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC PHIÊN GIẢI TRÌNH
Rõ ràng, hiệu quả hoạt động phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh và ở một số địa phương thời gian qua có những tác động tích cực. Tuy nhiên, đến nay, ở một số địa phương vẫn chưa tổ chức được hoạt động này. Phó Chủ tịch HĐND huyện Nam Đàn Trần Thị Hiên cũng thừa nhận, Nam Đàn chưa tổ chức hoạt động giải trình theo chuyên đề mà mới chỉ dừng lại ở các cuộc họp giữa Thường trực HĐND và UBND huyện, các phòng, ban liên quan để nghe giải trình việc giải quyết các kiến nghị của cử tri trên địa bàn.
Tương tự ở huyện Quế Phong cũng chưa tổ chức và chỉ thông qua hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND huyện với thường trực HĐND cấp xã có mời lãnh đạo UBND huyện và các ngành tham gia để trực tiếp giải trình các vấn đề đặt ra tại cơ sở.
Bên cạnh một số địa phương chưa tổ chức được hoạt động giải trình tại phiên họp thường trực HĐND theo quy định, thì chất lượng giải trình ở một số địa phương chưa cao và hiệu quả tác động sau giải trình chưa rõ nét.
"Thành phần mời tham dự phiên giải trình phải phù hợp, tránh bên này đổ lỗi bên kia, cấp trên đổ lỗi cho cấp dưới và ngược lại".
Từ thực tiễn đặt ra, theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường, để đảm bảo các phiên giải trình có tác động thực sự, trước hết phải quan tâm lựa chọn nội dung phiên giải trình phải là vấn đề bức xúc, nổi cộm mà UBND và các ngành chuyên môn chưa giải quyết được hoặc giải quyết chưa tốt để yêu cầu giải trình, làm rõ trách nhiệm. Trước khi tổ chức giải trình phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiên cứu các văn bản, quy định và tiến hành giám sát hoặc khảo sát nắm bắt những bất cập, khó khăn để có căn cứ trao đổi, chất vấn lại tại phiên họp, tránh “nói sao nghe vậy”.
Một thành phần quan trọng là thành phần mời tham dự phiên giải trình phải phù hợp, tránh bên này đổ lỗi bên kia, cấp trên đổ lỗi cho cấp dưới và ngược lại. Kết luận phiên giải trình phải chỉ rõ tồn tại, hạn chế, giao trách nhiệm cụ thể và thời hạn báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị sau giải trình, trên cơ sở đó theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, để đảm bảo các vấn đề đưa ra giải trình có tác dụng thực sự.