(Baonghean) - Hiện nay, loãng xương đang trở thành căn bệnh phổ biến ở người từ 40 tuổi trở lên; gây nguy cơ gãy xương, giảm khả năng lao động của người bệnh và ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Bởi vậy, cần nâng cao nhận thức và kiến thức phòng tránh loãng xương ở người dân hiệu quả và kịp thời.

Theo số liệu thống kê, trên thế giới hiện có khoảng 200 triệu người bị loãng xương; cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị loãng xương, tỷ lệ loãng xương nam giới là 1/5. Tại Việt Nam, bệnh loãng xương ảnh hưởng tới 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông ở độ tuổi trên 50 tuổi. Tính đến năm 2010, số người gãy cổ xương đùi do loãng xương ở Việt Nam là 26.000, ước tính đến năm 2030 sẽ là 41.000 người. 

1514381211475.jpgHệ thống máy móc hiện đại tại Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Vinh. Ảnh: L.M

Hiện nay, vấn đề tuyên truyền, nâng cao kiến thức dự phòng loãng xương cho người dân chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ người dân biết về dự phòng và điều trị loãng xương trong cộng đồng chưa nhiều, dẫn đến gia tăng tình trạng biến chứng gãy xương. Nhằm nâng cao nhận thức về phòng tránh và điều trị căn bệnh này ở người cao tuổi, Phòng khám Đa khoa - Trường Đại học Y khoa Vinh thực hiện đề tài đánh giá hiệu quả một số giải pháp can thiệp dự phòng loãng xương ở người từ 40 tuổi trở lên tại thành phố Vinh. Đối tượng là 1.560 người, tuổi từ 40 trở lên được đo mật độ xương tại vị trí xương gót bằng máy Osteosys 3000- EXA (X quang năng lượng kép). Kết quả, 743 người được phát hiện giảm mật độ xương và 757 người loãng xương.

Các giải pháp can thiệp và đánh giá hiệu quả được nhóm tác giả đề tài triển khai thành 2 nhóm. Nhóm 1, gồm người giảm mật độ xương (743 người) được áp dụng giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi nâng cao chất lượng sinh hoạt. Đối tượng có giảm mật độ xương và không có bệnh kèm theo được tuyên truyền bằng tài liệu,  nâng cao nhận thức về hậu quả của bệnh loãng xương; thay đổi hành vi (như ăn uống thực phẩm giàu can xi, vận động thể lực, tập thể dục và thể thao, đi bộ, không hút thuốc lá, giảm rượu bia, thận trọng khi dùng cocticoid). Đồng thời, được tư vấn, bổ sung can xi bằng cách uống 2 cốc sữa có can xi/ ngày và tư vấn dùng viên canxi bổ sung trong 9 tháng. 

Nhóm 2 là nhóm người bị loãng xương gồm 817 người. Đối tượng bị loãng xương và không có bệnh kèm theo được tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi, thói quen sinh hoạt, ăn uống, vận động và bổ sung can xi bằng cách uống 2 cốc sữa có can xi/ngày và kê đơn dùng viên can xi bổ sung trong 9 tháng. Đối tượng bị loãng xương và có bệnh kèm theo, được hướng dẫn bổ sung can xi bằng cách uống 2 cốc sữa có can xi/ngày và kê đơn dùng viên can xi bổ sung trong 9 tháng; Tập huấn, hướng dẫn thực hiện chế độ đi bộ theo từng nhóm dựa vào chỉ số BMI; hướng dẫn chế độ ăn đối với bệnh nhân loãng xương; Đánh giá hiệu quả sau 9 tháng can thiệp, bằng đo mật độ xương tại vị trí xương gót với máy Ostesys 3000-EXA của Hàn Quốc.

Sau quá trình can thiệp các giải pháp dự phòng, cho thấy hiệu quả rất khả quan. Nhóm đối tượng có 150 người có mật độ xương bình thường, 23,4% bệnh nhân ở nhóm loãng xương chuyển thành giảm mật độ xương và tỷ lệ mắc mới loãng xương từ nhóm giảm mật độ xương là 3,1%. Tỷ lệ người tập luyện thể dục thể thao sau can thiệp cao hơn trước can thiệp. Tỷ lệ thực hiện chế độ ăn bổ sung can xi cao hơn so với trước can thiệp. Hơn 1/3 số đối tượng có giảm mật độ xương và loãng xương uống bổ sung 2 cốc sữa giàu can xi/ngày, sau can thiệp tỷ lệ này tăng cao rõ rệt.

Báy sỹ, y tá tại phòng khám đa khoa - Trường ĐH Y khoa Vinh được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Ảnh: Lương Mai

Thành công của đề tài khẳng định hiệu quả thực tế của các giải pháp tuyên truyền và cách phòng tránh loãng xương cho người dân mà đề tài đưa ra. Tuy nhiên, để việc ứng dụng và triển khai nhân rộng đề tài, đạt hiệu quả khả quan, rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ các ban, ngành các cấp có liên quan. Đối với trạm y tế ở thành phố Vinh, tuyến y tế cơ sở cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh loãng xương. Điều chỉnh lối sống để tối ưu hóa mật độ xương từ tuổi trẻ và làm giảm bớt mức độ mất xương liên quan đến tuổi tác; nhằm làm giảm tỷ lệ mắc cũng như biến chứng của bệnh loãng xương về sau. Kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện thay đổi lối sống, thực hiện bổ sung can xi và điều trị bằng thuốc cho những bệnh nhân bị loãng xương. 

Sở Y tế cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò chỉ đạo trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe, phối hợp với nhóm nghiên cứu để đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về bệnh loãng xương. Tổ chức các khóa đào tạo để cán bộ y tế cơ sở có kiến thức kỹ năng phát hiện, tư vấn, chăm sóc, điều trị bệnh loãng xương và các biến chứng. Đồng thời, trang bị cho các trạm phương tiện tầm soát loãng xương, phương tiện hỗ trợ chăm sóc và điều trị bệnh lý loãng xương, quản lý và điều trị gãy xương, phục hồi chức năng.

PGS. TS Cao Trường Sinh

Giám đốc Phòng khám đa khoa - Trường Đại học Y khoa Vinh

TIN LIÊN QUAN