Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình quốc gia nhằm hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho cộng đồng các dân tộc thiểu số như: Chương trình 134, 135, 30a... Nhưng cho đến nay, các chương trình vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân là còn ít có sự tham gia của chính đồng bào trong việc đưa ra các quyết định và sự giám sát, đánh giá. Dự án "Tăng cường tiếng nói và sự tham gia của người DTTS trong xóa đói giảm nghèo" được triển khai sẽ khắc phục những hạn chế đó...

 

Mục tiêu của dự án là nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nâng cao vai trò của đồng bào DTTS trong việc đưa ra các quyết định có ảnh hưởng đến sinh kế của họ; nâng cao năng lực cho các cơ quan đại diện quyền lợi của đồng bào. Đối tượng trực tiếp của dự án là 500 cán bộ và đại biểu HĐND cấp xã, huyện, tỉnh và 45.000 người DTTS tại 12 xã (4 xã thí điểm trong vòng 1 năm và 8 xã nhân rộng trong năm thứ 2) tại 2 huyện được thụ hưởng dự án là Nghĩa Đàn và Quế Phong. Và 410.000 đối tượng gián tiếp khác trên địa bàn tỉnh. Nguồn ngân sách hỗ trợ là 151.325 EUR (tương đương 199.749 USD).

Nâng cao vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong xóa đói giảm nghèo ảnh 1Được sự hỗ trợ vốn, gia đình ông Biên ở xã Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn) mở trang trại chăn nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao.

Dự án sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận để giúp đồng bào DTTS được tham gia vào quá trình đưa ra các quyết định về xóa đói giảm nghèo. Thông qua các lớp tập huấn tạo sự tự tin cho chính đồng bào, giúp họ phân tích và sắp xếp theo thứ tự các vấn đề mà họ quan tâm và đưa ra các chính kiến, quan điểm, quyết định liên quan tới Chương trình 135, 30a tại địa phương. Đồng thời, hỗ trợ thiết lập mạng lưới các tổ chức cộng đồng và các nhóm sở thích khác để đồng bào DTTS có thể chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế dựa trên mối quan tâm và lựa chọn của họ.

"Trước đây, chỉ biết về Chương trình 30a, 135 là hỗ trợ xóa đói giảm nghèo về nhà ở, cây trồng, vật nuôi, đào tạo nghề... Và ban quản lý dự án khảo sát rồi cấp hỗ trợ còn chúng tôi là đối tượng "thụ hưởng". Vì hiểu biết ít, không biết cách diễn đạt nên chúng tôi không đóng góp ý kiến, trình bày mong muốn, đề xuất những cái mình cần với cấp trên... Sau khi tham gia lớp tập huấn của Dự án CARE, chúng tôi hiểu, để chương trình, dự án đạt hiệu quả thì chính chúng tôi phải đưa ra những ý kiến liên quan đến cuộc sống của mình...", ông Sầm Văn Nga, bản Na Ngá (xã Mường Nọc, huyện Quế Phong) cho biết.

Ngoài ra, dự án sẽ có chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ và Đại biểu HĐND vùng dự án, để những đại diện này giám sát có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, khảo sát về các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm của Chương trình 135, 30a. Phấn đấu cuối năm thứ 2 thực hiện dự án sẽ có ít nhất 80% hộ người DTTS nhận được sự hỗ trợ của Chương trình 135, 30a tại 2 huyện được cung cấp các dịch vụ khuyến nông theo nhu cầu.

Mặt khác, dự án sẽ giúp đồng bào bầu ra người đại diện của mình để tham gia các cuộc họp tham vấn địa phương, tập huấn cho đội ngũ này về kỹ năng thuyết trình, tham gia ý kiến. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2012, có ít nhất 120 đại diện người DTTS, trong đó có 60% là nữ đến từ 12 xã thuộc 2 huyện Nghĩa Đàn và Quế Phong chủ động tham gia các cuộc họp, trình bày các mối quan tâm, mong muốn của cộng đồng đối với Chương trình 135 và 30a. Trong đó, có 3 ý kiến được HĐND tỉnh tiếp thu, xem xét.

Phúc Thanh