(Baonghean) -Thực hiện Chương trình Chống Lao quốc gia, những năm gần đây, với sự quan tâm, đầu  tư mạnh mẽ của các cấp ngành, trên bình diện cả nước bệnh lao đã có xu hướng giảm dần và ở Nghệ An cũng vậy... Ở tỉnh ta, việc phát hiện lao sớm, khám cấp cứu và điều trị đã thu được nhiều kết quả nhất định; Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều ca nhiễm lao nặng, đòi hỏi ngành không ngừng nỗ lực đặc biệt trong việc nâng cao nhận thức về bệnh cho người dân.

ĂM 2012, cùng với việc được “an cư” ở cơ sở mới khang trang thì nhiều trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh đã được cấp, mua sắm thêm trang thiết bị mới. Tính riêng trên “mặt trận” phòng chống lao, đã có 5 bệnh viện được Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An trang cấp thêm kính hiển vi, đó là Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ, Nghi Lộc, Thanh Chương, Kỳ Sơn và Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nâng tổng số đơn vị có thể  phát hiện bệnh lao ở tỉnh lên con số 27.  Nhiều dụng cụ xét nghiệm, kỹ thuật mới cũng đã được Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An chuyển giao về các cơ sở này, qua đó đã nâng cao số ca xét nghiêm đờm cũng như hiệu quả việc phát hiện lao phổi sớm – tìm thấy vi khuẩn trong đờm. Kết quả năm qua đã phát hiện thêm gần 1.000 người mắc bệnh để kịp thời đưa vào danh sách quản lý và điều trị tại bệnh viện tỉnh, huyện và tại gia đình...

791810_small_92981.jpg

Khám và điều trị bệnh nhân ở Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi.    Ảnh: Từ Thành

So sánh với các năm trước, số ca xét nghiệm nhiều hơn song tỷ lệ người mắc mới và tổng số người bệnh đang điều trị đều giảm. Bác sỹ Đậu Minh Quang, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An lý giải: Sở dĩ có điều này là do tổ chức mạng lưới y tế cơ sở được củng cố; công tác điều trị ngay tại gia đình, cơ sở và bệnh viện tỉnh đạt hiệu quả tốt. Quá trình điều trị cho bệnh nhân lao tại các tuyến đã được thực hiện đúng quy định: Điều trị cấp cứu, nặng được thực hiện ở bệnh viện tỉnh; sau khi đỡ hơn thì chuyển về huyện, xã, gia đình và các nhân viên y tế đã thăm khám hàng ngày, cấp thuốc uống, xét nghiệm kiểm soát. Tỷ lệ  bệnh nhân điều trị khỏi ở tuyến cơ sở đã đạt 90%/chỉ tiêu của chương trình chống lao là 85%; Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do lao các loại ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An đã giảm xuống dưới 1,5%. Đặc biệt, bệnh viện đã kịp thời cấp cứu, cứu sống nhiều bệnh nhân mắc lao, phổi rất nặng. Đơn cử là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Đăng Chung, 34 tuổi ở Thành phố Vinh. Anh Chung bị lao phổi, nhập viên vào ngày 22/2/2013, trong tình trạng ho ra máu rất nhiều, ước tính từ khi nhập viện đến khi điều trị đỡ hơn, anh Chung mất trên 1.000ml máu. Nhờ sự cứu chữa kịp thời đến nay, sức khỏe anh Chung đã dần ổn định.

Bác sỹ Nguyễn Xuân Thức, Trưởng khoa Nội 3, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An cho hay: Tuy sự gia tăng của bệnh lao đã được hạn chế đáng kể nhưng cơ cấu mô hình bệnh vẫn phức tạp, số người mắc bệnh nặng mới tìm đến bệnh viện còn rất lớn. Rất nhiều các bệnh nhân khi đến đây nhập viện nội trú đều trong tình trạng tổn thương ở mức độ rộng do phát hiện muộn, số lượng vi khuẩn nhiều khiến việc chữa trị khó khăn. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân mắc lao nhưng không tuân thủ đúng phác đồ điều trị khiến bệnh lao tái phát và xuất hiện lao kháng thuốc.

Ông Trần Văn Hiền, ở Diễn Châu đang điều trị tại khoa Nội 3 là một ví dụ điển hình. Bệnh lao của ông được phát hiện và chữa trị từ sớm nhưng do tâm lý giấu bệnh cộng thêm điều kiện kinh tế gia đình khó khăn khiến ông không tuân thủ đúng việc uống thuốc theo phác đồ điều trị, dẫn đến bệnh không khỏi mà còn nặng hơn. Ông Hiền cho biết: “Mới đầu đến viện điều trị tấn công 2 tháng thì thấy khỏe nên xin xuất viện về nhưng ngại đi lấy thuốc điều trị, lại có khi quên uống, làm việc nặng nên đầu năm bệnh phát trở lại, ho ra máu nên quay lại đây điều trị tiếp nhưng vẫn chưa thấy khỏi”.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống lao hiện vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn thường trực, như: mạng lưới y tế, hoạt động chống lao ở cơ sở vẫn mỏng, số bác sỹ tuyến tỉnh chỉ có 23 người nhưng phải làm công tác điều trị, chỉ đạo cho 20 huyện, thành, thị và cả 2 trại giam của Bộ Công an. Ở tuyến huyện, cán bộ phụ trách chương trình thường có sự thay đổi nên thiếu kinh nghiệm và chuyên chú, chỉ có 20 – 30% cán bộ làm công tác phòng, chống lao là bác sỹ, tuyến xã không có bác sỹ...

Để công tác phòng, chống lao đạt hiệu quả, giảm về số lượng người bệnh lẫn mức độ bệnh, tỉnh ta nói chung và ngành Y tế nói riêng đang tích cực khắc phục các hạn chế nói trên. Bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Từ 2013 – 2015, tỉnh và ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chống lao trong tình hình mới. Theo đó, sẽ tăng cường hoạt động truyền thông và huy động xã hội cho hoạt động phòng, chống lao, đặc biệt là lao kháng thuốc; nâng cao năng lực cho phòng xét nghiệm ở các huyện; tăng cường chế độ báo cáo, phản hồi từ tuyến xã, phường đến tỉnh, Trung ương; phối hợp phát hiện lao sớm ở các trại giam và trung tâm giáo dưỡng; tăng cường phối hợp chương trình lao quốc gia và chương trình phòng chống AIDS; mở rộng hoạt động phối hợp y tế công tư trong phát hiện và điều trị chống lao; củng cố chiến lược điều trị bệnh phổi; triển khai công thức điều trị 6 tháng, tiếp tục duy trì hệ thống điều trị đốt; tăng cường hơn nữa công tác truyền thông bởi nhận thức của mọi người về bệnh vẫn đóng vai trò tiên quyết.


Thành Chung