(Baonghean) - Bác sỹ Nguyễn Văn Hoàn - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Nghệ An trả lời phỏng vấn báo Nghệ An nhân "Ngày Quốc tế phòng chống bệnh đái tháo đường".

Phóng viên:Thưa ông, xin ông cho biết thực trạng và diễn biến của bệnh đái tháo đường hiện nay?

Bác sỹ Nguyễn Văn Hoàn: Đái tháo đường (ĐTĐ) týp 2 là vấn đề sức khỏe toàn cầu nghiêm trọng với tỷ lệ bệnh tật và tử vong cao. Đây là một trong những bệnh không lây nhiễm, có nguy cơ cao và tốc độ phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, tốc độ tăng tỷ lệ bệnh ở các nước đang phát triển tăng 170% (gấp 4 lần so với các nước phát triển), trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam kết quả điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương (năm 2012) tỷ lệ 5,7% dân số (với hơn 5 triệu người mắc). Tỷ lệ này tăng hơn 2 lần so với năm 2002 (2,7%)

Tại Nghệ An, kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, TL ĐTĐ và tiền ĐTĐ toàn tỉnh hàng năm đều tăng lên; từ 3% (năm 2005), 5,36% (năm 2010), đến năm 2015: có 7,13% ĐTĐ và 19,1% tiền ĐTĐ. Trong số đó, còn 60% chưa được chẩn đoán và điều trị, đặc biệt tỷ lệ ĐTĐ thai nghén và trẻ em cũng tăng hơn so với trước.

1510359544204.jpgBệnh viện Nội tiết tỉnh đẩy mạnh các hoạt động dự phòng, nâng cao hiệu quả điều trị nhằm phòng, chống bệnh ĐTĐ cho người bệnh và cộng đồng. Ảnh: Đinh Nguyệt

Phóng viên:Theo ông, vì sao tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng?

Bác sỹ Nguyễn Văn Hoàn:Chế độ ăn uống, sinh hoạt, lối sống, ít vận động, bên cạnh đó, một số người còn chủ quan về tình trạng sức khỏe của mình và thiếu kiến thức y học về bệnh tật...; dẫn đến số người mắc bệnh đái tháo đường gia tăng nhanh những năm gần đây.

Phóng viên: Bệnh đái tháo đường gây ra những nguy cơ, biến chứng nào thưa ông?

Bác sỹ Nguyễn Văn Hoàn:WHO khuyến cáo, bệnh đái tháo đường là “kẻ giết người” thầm lặng, do gây ra những biến chứng nặng nề như: mù lòa, cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não, bệnh lý mạch vành... Theo thống kê của IDF, năm 2015, toàn cầu có trên 5 triệu người tử vong do bệnh ĐTĐ và các bệnh liên quan đến ĐTĐ. Như vậy, số ca tử vong do đái tháo đường cao hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm từ trước đến nay vẫn được coi là nguy hiểm như: HIV/AIDS, Lao, Sốt rét. 

Phóng viên: Vậy thời gian qua, Bệnh viện triển khai thực hiện công tác phòng, chống bệnh ĐTĐ cho người bệnh và cộng đồng như thế nào, thưa ông? 

Bác sỹ Nguyễn Văn Hoàn: Nhằm giúp cho người dân có kiến thức phòng bệnh và phát hiện bệnh kịp thời, Bệnh viện Nội tiết tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động dự phòng. Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, xây dựng mạng lưới chương trình tại các tuyến y tế cơ sở trong toàn tỉnh để phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, áp phích, tranh cổ động, tư vấn đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho người dân hiểu và biết cách phòng, sống chung an toàn với căn bệnh này. 

Về công tác điều trị, Bệnh viện Nội tiết đã tham mưu, phân cấp điều trị về các bệnh viện tuyến huyện, phòng khám khu vực, một số trạm y tế. Bệnh viện Nội tiết chỉ tiếp nhận điều trị những ca bệnh nặng có nhiều biến chứng, vượt khả năng điều trị của tuyến cơ sở. Ngoài ra tập trung tư vấn, sàng lọc tại cộng đồng để phát hiện sớm ca bệnh để có kế hoạch quản lý điều trị kịp thời.

Bệnh viện Nội Tiết đầu tư hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh. Ảnh: Đinh Nguyệt

Phóng viên:Bệnh viện Nội tiết Nghệ An có định hướng như thế nào về công tác phòng, chống bệnh Đái tháo đường trong cộng đồng vào thời gian tới? 

Bác sỹ Nguyễn Văn Hoàn: Là đơn vị thực hiện  nhiệm vụ tuyến cuối cùng của tỉnh về công tác khám và điều trị chuyên sâu các bệnh chuyên khoa nội tiết và rối loạn chuyển hóa, vừa là đơn vị thường trực của Dự án phòng chống ĐTĐ của tỉnh, bệnh viện triển khai các hoạt động  thường xuyên trong năm như trên. Trong tháng 11 này, chúng tôi tập trung các hoạt động cho tháng truyền thông nhân "Ngày Quốc tế phòng chống ĐTĐ 14/11". 

Chủ đề phát động và hưởng ứng ngày Quốc tế Phòng chống ĐTĐ với chủ đề mà Tổ chức Y tế thế gới (WHO) và Liên đoàn ĐTĐ Quốc tế (IDF) lựa chọn là: "Phụ nữ và đái tháo đường - Chúng ta có quyền có tương lai khỏe mạnh". Là đơn vị thường trực của dự án, Bệnh viện Nội tiết sẽ tham mưu cho Giám đốc Sở Y tế, đồng thời trực tiếp triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn, sàng lọc, điều trị... một cách toàn diện. 

Buổi lễ phát động sẽ diễn ra vào ngày 12/11, TS.BS Dương Đình Chỉnh - quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An triển khai và phát động, các đơn vị y tế, các tổ chức chính trị và cả xã hội trong toàn tỉnh cùng tham gia và hưởng ứng. Trong khuôn khổ chương trình, sẽ diễn ra Hội nghị khoa học về Bệnh đái tháo đường, với sự tham gia của GS.TS Thái Hồng Quang Chủ tịch Hội Nội tiết - ĐTĐ Việt Nam; GS.TS Nguyễn Hải Thủy - PCT Hội Nội tiết ĐTĐ VN; GS.TS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam cùng một số chuyên gia đầu ngành các bệnh Nội tiết - Tim mạch của VN.

Phóng viên:Xin ông cho biết vì sao năm nay WHO và IDF lại chọn chủ đề  cho "Ngày Quốc tế phòng chống Đái tháo đường” là "Phụ nữ và đái tháo đường - Chúng ta có quyền có tương lai khỏe mạnh"?

Bác sỹ Nguyễn Văn Hoàn:Theo IDF, đến năm 2015 toàn thế giới có hơn 199 triệu phụ nữ mắc đái tháo đường, dự kiến sẽ tăng lên 313 triệu vào năm 2040. Trong đó 2/5 năm phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường ở độ tuổi sinh đẻ, chiếm hơn 60 triệu phụ nữ trên toàn thế giới. Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 9 ở phụ nữ trên toàn cầu, gây ra 2,1 triệu ca tử vong mỗi năm. Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao gần gấp 10 lần so với phụ nữ không có tình trạng này. Phụ nữ mắc ĐTĐ týp 1 có nguy cơ sẩy thai sớm hoặc có con sinh ra dễ bị dị tật nếu quá trình mang thai không được quản lý điều trị tốt.

Cứ 7 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ. Khoảng một nửa (50%) số phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ sẽ phát triển thành bệnh đái tháo đường týp 2 trong vòng 5 - 10 năm sau khi sinh.

Vì vậy, những người mang thai cần định kỳ đi khám sức khỏe và xét nghiệm đường huyết tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn phòng bệnh, đặc biệt trong thời gian mang thai ở tuần 24-28 cần phải được làm nghiệm pháp tăng đường huyết để chẩn đoán xác định.

Phóng viên: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Đinh Nguyệt(Thực hiện) 

TIN LIÊN QUAN