(Baonghean) - “9 tháng 10 ngày” mang nặng đẻ đau, người mẹ nào cũng mong cho con mình ngày ra đời được khỏe mạnh. Nhưng, không phải ai cũng toại nguyện nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, không được chăm sóc đầy đủ…
Sáng thứ 2 (22/9), Thành phố Vinh mưa như trút nước. Vậy mà phòng khám của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) vẫn rất đông các ông bố bà mẹ tương lại đứng xếp hàng chờ được tư vấn. Vào thứ 2, thứ 5 hàng tuần, Trung tâm CSSKSS tổ chức lớp học làm bố, làm mẹ miễn phí. Chị Hoàng Thị Thịnh, xóm 9, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, dù mưa gió nhưng vẫn cố gắng nhắc nhở chồng dậy sớm để kịp giờ tham gia lớp học. Năm nay chị đã 36 tuổi, lần thứ hai làm mẹ, lần này lại là thai đôi. Lo lắng vì đã cao tuổi mới mang thai, nên được sự tư vấn của nhân viên y tế ở trạm xá xã, tháng nào chị cũng bảo chồng đưa vào Vinh để khám và kiểm tra sức khỏe. 6 tháng bền bỉ, giờ chị có thể tạm yên tâm vì cái thai phát triển bình thường. Cùng với đó, chị còn được tư vấn uống thêm viên sắt, ăn uống điều độ đủ bốn nhóm thực phẩm như đạm, rau xanh, sữa, ngũ cốc để đảm bảo cho thai nhi phát triển bình thường. Chị cho biết: Giờ được tư vấn thường xuyên mới thấy ngày trước mình mang thai “liều” em ạ, vì chẳng đi siêu âm, chẳng đi khám sức khỏe, chẳng ăn uống, tẩm bổ gì cả. Nên chị sinh cháu đầu chỉ nặng 2 kg.
Từng trải qua những tháng ngày nuôi con vất vả, đếm từng ngày mong cho con lớn và xót xa khi thấy con mình thấp bé hơn bạn bè cùng trang lứa, chị Thịnh thấm thía được việc chăm sóc một đứa trẻ từ trong bào thai quan trọng như thế nào. Nhưng số thai phụ biết và hiểu được cách chăm sóc thai nhi khỏe mạnh còn rất ít. Nhiều người vẫn có quan niệm “ăn ít để thai nhỏ, dễ sinh”, nuôi con ở ngoài quan trọng hơn nuôi trong bào thai. Nhưng thực tế thì khác hẳn, bởi việc thăm khám thai thường xuyên, ăn uống đảm bảo chất dinh dưỡng là hết sức quan trọng và nếu lơ là sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của trẻ. Đặc biệt, khám thai và kiểm tra thai thường xuyên, ngoài việc theo dõi trẻ có phát triển bình thường, cân nặng có tăng đều, có bị dị tật hay không còn có ý nghĩa đối với sức khỏe của người mẹ.
Về điều này, chị Nguyễn Thị Lương ở phường Hưng Phúc, Thành phố Vinh là người cảm nhận rõ hơn ai hết, bởi chị vừa trải qua những ngày chăm con hết sức khổ cực khi phải mổ cấp cứu và sinh non khi bé mới 35 tuần tuổi. Bản thân chị, cũng là nhân viên y tế, thế nên sau khi sinh đứa con đầu khỏe mạnh, sang đứa thứ 2 chị có phần chủ quan. Đến khi thai phát triển đến tháng thứ 7, khi kiểm tra sức khỏe chị mới hoảng hốt khi biết mình bị huyết áp cao, dẫn đến tình trạng máu nuôi kém, bào thai bị suy dinh dưỡng nặng. Trước kết luận này, chị được chỉ định mổ ngay để tránh ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và tính mạng của con. Vì trường hợp của chị, thai còn quá nhỏ nên phải chuyển ra Bệnh viện Phụ sản Trung ương để mổ. Con chị chỉ nặng 1,2 kg, nên phải nằm lồng kính hơn 1 tháng, phải tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị cũng như chế độ dinh dưỡng cho trẻ sinh non...
Chia sẻ về cách chăm sóc một thai phụ khỏe mạnh, bác sỹ Quế Thị Trâm Anh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản nói thêm: 9 tháng mang thai là giai đoạn hết sức quan trọng, mọi người phải được khám, theo dõi và phải có chế độ dinh dưỡng riêng theo từng giai đoạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng. Trong đó, ngoài siêu âm để theo dõi trẻ có phát triển bình thường hay không, các mẹ còn phải uống thêm viên sắt để bổ sung vi sắt cho trẻ, phải được xét nghiệm nước tiểu, máu, phải được đo huyết áp thường xuyên để kiểm tra sức khỏe, tránh những sự cố bất thường khi sinh như sản giật, sinh non, sinh con bị suy dinh dưỡng…
Mới đây, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi cũng vừa cấp cứu một trường hợp bệnh nhi 15 ngày tuổi trong tình trạng nguy kịch vì bị xác định là nhiễm trùng uốn ván rốn. Mẹ của bé là chị Xồng Y Ca, 18 tuổi, nhà ở bản Huồi Khỉ, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn kể: Suốt thời kỳ mang thai, chị chỉ 2 lần đi khám ở trạm y tế xã, không đi tiêm phòng định kỳ. Đến ngày sinh, chị cũng không đến trạm y tế xã mà tự sinh ở nhà, dùng que nứa tự cắt rốn theo cách truyền thống. Được hơn 1 ngày thì bé có những triệu chứng như khóc ngặt nghẽo, không bú mẹ, co giật, tím tái. Phải hết sức cố gắng và sau gần 1 tuần điều trị bé mới qua được cơn nguy kịch. Bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết: Đây là trường hợp hết sức may mắn, vì đa phần trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn thì không thể cứu chữa được, hết sức nguy hiểm.
Theo dõi vấn đề sức khỏe bà mẹ trẻ em nhiều năm nay, chị Vi Thị Hiền, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cho rằng: Trình độ dân trí kém, nhận thức hạn chế, thiếu hiểu biết và những hủ tục lạc hậu đang là cản trở khiến cho việc tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Trường hợp có thai mà không tiêm phòng uốn ván theo như định kỳ của chị Xồng Y Ca là một ví dụ. Hơn nữa, do địa bàn huyện Kỳ Sơn rộng, điều kiện đi lại khó khăn, nên chị em mang thai không có điều kiện kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Sau khi sinh con, người dân ở đây lại có những thói quen hết sức lạc hậu như cho con ăn cơm sớm (chỉ 1, 2 tháng sau khi sinh), bỏ bú trước sáu tháng, nên trẻ bị suy dinh dưỡng nhiều. Kết quả điều tra năm 2013, toàn huyện có gần 8.000 trẻ dưới 5 tuổi, nhưng có gần 1.800 trẻ bị suy dinh dưỡng, trong đó, suy dinh dưỡng thể cân nặng chiếm 23%, suy dinh dưỡng thể chiều cao “thấp bé, còi xương” chiếm 35%.
Còn tại các huyện đồng bằng, đặc biệt là vùng biển, vùng đông đồng bào công giáo, sinh con nhiều, không có điều kiện chăm sóc con là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao. Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể chiều cao ở Quỳnh Lưu là 24%, Diễn Châu là 22%, Yên Thành 29%, Quế Phong là 44%, Tương Dương 30%, Quỳ Hợp 34,4%.
Để phần nào giải quyết tình trạng này, chương trình phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ và công tác chăm sóc bà mẹ đã được triển khai ở hầu hết 20 huyện, thành, thị trong cả tỉnh. Nhờ đó, đã mở được nhiều lớp học làm bố, làm mẹ, các lớp học thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và bà mẹ có con dưới 2 tuổi. Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông, phát tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu… Chương trình này cũng đã hỗ trợ một phần các sản phẩm dinh dưỡng, viên sắt cho phụ nữ mang thai ở các vùng đặc thù khó khăn, nhờ đó giúp phụ nữ có được những kiến thức nhất định trong quá trình mang thai và nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, do đặc thù tỉnh ta địa bàn rộng, điều kiện đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, kinh phí theo chương trình mục tiêu quốc gia ngày càng giảm, nên việc thực hiện chưa được thường xuyên.
Cán bộ y tế, không có trợ cấp, kinh phí chủ yếu dựa vào nguồn của Trung ương và tỉnh, chưa huy động được nguồn kinh phí từ huyện và xã, nên cũng hạn chế trong việc tuyên truyền, vận động. Từ thực tế này, thiết nghĩ để nâng cao chất lượng dân số, để giảm nhanh tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, để hạn chế các tai biến cho sản phụ khi sinh, thì công tác chăm sóc bà mẹ, trẻ em ngoài sự vào cuộc của ngành Y tế, Dân số cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và các ban, ngành khác. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, ưu tiên các hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ ở các địa bàn miền núi, vùng khó khăn. Đẩy mạnh việc tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, vận động các gia đình sinh ít con để có điều kiện chăm sóc con cái…
Bài, ảnh: Song Hoàng