(Baonghean) - Vụ đông năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 42.000 ha, trong đó, ngô 28.000 ha, lạc 1.500 ha, rau màu các loại 12.500 ha và khoảng 8.000 ha cây trồng khác. Nông dân các địa phương đang nỗ lực khép kín diện tích với cơ cấu các loại giống cho năng suất, chất lượng cao.
Tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ
Huyện Diễn Châu được đánh giá là địa phương đạt hiệu quả cao trong sản xuất vụ đông. Ngoài 15 xã có thế mạnh trồng màu thì nông dân ở 23 xã còn lại cũng tích cực cải thiện diện tích đất canh tác để nâng cao giá trị sản xuất. Vụ đông năm nay, toàn huyện triển khai gieo trồng hơn 7.000 ha cây trồng các loại, trong đó, chủ lực là cây ngô với hơn 4.000 ha, rau màu 2.600 ha và 400 ha lạc. Đến thời điểm này bà con đã gieo trỉa xong 400 ha lạc (đạt 100% kế hoạch), gần 3.000 ha ngô (đạt 75% kế hoạch), các diện tích còn lại dự tính sẽ hoàn thành trong 4 đến 6 ngày tới. Còn diện tích vùng màu, hiện tại bà con đã hoàn thành các công đoạn làm đất, chuẩn bị giống, vật tư để gieo trồng trong vài ngày tới.
Trên xứ đồng Cồn Trung, bà Nguyễn Thị Lộc ở xóm 11A, xã Diễn Thịnh, cho biết: “Lạc ở đây được trồng gối vụ và cho năng suất cao, vụ vừa qua có những gia đình thu hoạch tới 1,4 tạ/sào. Nếu lạc vụ đông có chất lượng tốt để lại bán lạc giống cho vụ xuân với mức giá 40.000 đồng/kg nên mỗi sào có thể thu tiền lãi trên dưới 3 triệu đồng. Để lạc vụ đông phát triển tốt, gia đình tiến hành gieo trỉa sớm để khi mùa mưa bão tới cây lạc đã phát triển được 4, 5 lá sẽ giảm bớt thiệt hại”. Vụ đông ở Diễn Thịnh lâu nay được xem là vụ sản xuất chính bởi giá trị kinh tế mang lại khá cao. Bà con đã khéo léo né tránh thiên tai để triển khai mùa vụ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa trồng trọt và chăn nuôi. Hằng năm, toàn xã duy trì từ 2,5 - 2,7 ngàn con bò và 700 - 800 con lợn.
Tính bình quân mỗi gia đình chăn nuôi từ 2 - 3 con gia súc, và nhiều gia cầm. Do vậy phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng triệt để và nguồn phân hữu cơ cho sản xuất cũng khá dồi dào. Mặt khác, công tác dồn điền, đổi thửa được hoàn thành vào cuối năm 2014 nên bà con có thể hình thành những vùng chuyên canh lớn trong sản xuất vụ đông. Năm nay toàn xã Diễn Thịnh canh tác 490 ha cây trồng các loại, trong đó có 78 ha lạc, 240 ha ngô và 170 ha rau màu. Các công đoạn sản xuất được địa phương chủ động, phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức tập huấn kiến thức cần thiết cho bà con trước khi bước vào vụ sản xuất, nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Hiện tại, bà con đã hoàn tất 100% diện tích gieo trồng vụ đông.
Theo ông Lê Thế Hiếu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu, để vụ đông năm nay được diễn ra thuận lợi, huyện đã chủ động tiến hành nạo vét hơn 100 km kênh tiêu, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật cho bà con đắp luống cao hơn để đảm bảo không bị ngập úng. Việc chuẩn bị giống cây trồng trong vụ đông cũng được huyện chỉ đạo, hướng dẫn đến các hộ nông dân rất sát thực. Theo đó, huyện khuyến cáo nông dân nên đưa vào gieo trồng những giống ngô có khả năng chịu úng, chịu rét tốt nhưng vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng như DK6919, PAC999, P4199, 30Y87… Đối với diện tích gần 2.700 ha ngô trồng trên đất hai lúa sẽ được huyện hỗ trợ 30% giá giống. Đồng thời, huyện sẽ cho vay 5 triệu đồng đối với những hộ có nhu cầu mua máy làm đất trong vụ đông này. Hiện trên một số diện tích đất canh tác đã có hiện tượng chuột và châu chấu non phát triển, đây được xem là một trở ngại lớn đối với sự phát triển của cây vụ đông. Do vậy, huyện đã chỉ đạo bà con triển khai kế hoạch diệt chuột và châu chấu để đảm bảo cho sự phát triển của cây trồng.
Đối với Yên Thành, mặc dù thường gặp khó khăn do thiên tai lũ lụt, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng, nhưng địa phương quyết tâm nâng cao hiệu quả canh tác vụ đông. Ngay từ đầu vụ, huyện có kế hoạch, phương án chỉ đạo nông dân tranh thủ thời gian, chuẩn bị tốt mọi điều kiện để sản xuất có hiệu quả. Vụ đông năm nay toàn huyện triển khai 3.450 ha, trong đó cây ngô được xem là cây chủ lực với 1.760 ha, rau màu 900 ha, lạc 60 ha, cá - lúa 300 ha… Riêng với cây ngô được gieo trỉa trên diện tích màu, đất đồi vệ và trên đất 2 lúa, chủ lực là các giống LVN10, LVN14, NK66, NK6654, CP888… Ngoài ra, địa phương còn liên doanh, liên kết với Công ty sữa TH để trồng khoảng 300 ha ngô làm thức ăn chăn nuôi, đây được xem là một hướng đi mới đảm bảo đầu ra cho sản xuất vụ đông cũng như bước đầu hình thành mối liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, diện tích cá vụ 3 và gieo trồng ngô đã được bà con tiến hành được hơn 50%, còn rau màu các loại đã hoàn thành các khâu chuẩn bị để tiến hành gieo trồng.
Phát huy thế mạnh từng vùng
Trong sản xuất nông nghiệp, mỗi vùng có một điều kiện tự nhiên và tập quán riêng, do vậy mỗi địa phương khác nhau đang có những giải pháp tích cực khai thác thế mạnh trong sản xuất vụ đông. Tại huyện Thanh Chương, bên cạnh những thế mạnh về vùng màu, vùng cây nguyên liệu, bà con còn triển khai 700 ha cá vụ 3. Trong 2 năm gần đây, phong trào sản xuất cá - lúa của huyện phát triển mạnh sau khi thực hiện xong công tác chuyển đổi ruộng đất với hệ thống bờ bao, kênh mương được cải tạo, nâng cấp tương đối hoàn chỉnh. Năm 2014, toàn huyện tiến hành 584 ha với tổng sản lượng đạt 396 tấn, năng suất trung bình trên mỗi ha đạt gần 7 tạ cá.
Tận dụng các diện tích bàu nước, vùng trũng, người dân ở đây thường canh tác xen kẽ, tăng thu nhập trên cùng một thửa ruộng. Anh Phan Đình Hy ở xóm 2, xã Thanh Hưng, chia sẻ: “Nuôi cá ruộng lúa có nhiều điểm lợi, bởi cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại; đồng thời, khi thu hoạch, cá ăn thóc rơi vãi và rơm rạ mục. Cá nuôi từ ruộng lúa do sử dụng thức ăn tự nhiên nên chất lượng thơm ngon, bán được giá”. Những xã có thế mạnh khai thác theo hướng đi này là Thanh Liên, Thanh Tiên, Thanh Xuân, Thanh Lâm… Ông Nguyễn Cảnh Hạnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng chia sẻ: “Theo tính toán, trồng lúa kết hợp nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2,5 lần. Hằng năm, bà con trong xã chủ yếu triển khai nuôi cá vụ đông để tránh thời kỳ nắng nóng và có nguồn thực phẩm cung cho thị trường thời điểm trước Tết”.
Còn đối với huyện Yên Thành, trong những năm gần đây phát triển mạnh về cây nấm, đây được xem là một trong những hướng thoát nghèo của huyện. Do vậy, nấm vụ đông năm nay cũng đang được chính quyền huyện cũng như bà con quan tâm. Anh Nguyễn Văn Huệ, cán bộ khuyến nông huyện Yên Thành cho biết: “Nhằm cung cấp nguồn giống nấm cho nông dân sản xuất trong vụ đông, hiện nay trạm giống nấm của huyện đang tập trung sản xuất các loại giống nấm sò, nấm mỡ, nấm mộc nhĩ, nấm rơm. Nhờ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, vật tư chuyên dùng phục vụ công tác nuôi cấy mô tế bào và nhân giống nấm đảm bảo khoa học, nên sản phẩm giống nấm đạt chất lượng tốt. Đến thời điểm này, trạm đã xuất 1 tấn giống nấm sò, gần 10 vạn que giống nấm mộc nhĩ và trên 6 vạn que giống nấm linh chi cho các hộ sản xuất nấm ở xã Xuân Thành, Nam Thành, Sơn Thành. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, trạm sẽ tiếp tục sản xuất khoảng 10 tấn giống nấm sò, nấm mỡ; 650 nghìn que giống nấm mộc nhĩ và linh chi phục vụ nông dân sản xuất, đảm bảo đạt tổng sản lượng trên 500 tấn nấm tươi các loại”.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền cũng như ý thức không ngừng sáng tạo, đổi mới để nâng cao giá trị sản xuất của người dân, sản xuất vụ đông ngày càng khẳng định vai trò nâng cao thu nhập cho nông dân. Điều đó có thể thấy rõ qua sản xuất vụ đông năm 2014, toàn tỉnh thu được gần 115 nghìn tấn ngô, gần 2.600 tấn lạc, hơn 2.800 tấn cá - lúa vụ 3. Đây được xem là một thành quả đáng ghi nhận của nông nghiệp tỉnh nhà. Vụ đông 2015 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi thời tiết diễn biến bất thường, tuy nhiên, trước những nỗ lực thực hiện đúng lịch mùa vụ để né tránh thiên tai cũng như áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ trong khâu chăm sóc, đang hứa hẹn một vụ đông thắng lợi.
Thanh Quỳnh