(Baonghean) - Trao đổi của bà Nguyễn Thị Thanh - Phó trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ; ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV.
P.V:Đây là lần đầu tiên đồng chí được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; suy nghĩ, cảm xúc của đồng chí như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh:Nhiệm kỳ qua, tôi được bầu vào HĐND huyện Tân Kỳ khóa XVII. Với cương vị là đại biểu HĐND huyện, tôi đã luôn ý thức rõ vai trò và hoàn thành trách nhiệm là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri, phản ánh đầy đủ và có các ý kiến đề xuất nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho nhân dân. Giờ đây được giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH khóa XIV, bên cạnh niềm vinh dự lớn, tôi nhận thức đồng thời là một trách nhiệm lớn lao của bản thân. Nếu trúng cử, tôi sẽ cùng Quốc hội giải quyết các vấn đề bức xúc, những khó khăn của đất nước và địa phương đang đặt ra, nên tôi càng phải trau dồi kiến thức, đạo đức, nhân cách của mình, phát huy trí tuệ và tâm huyết để cống hiến nhiều hơn nữa.
P.V:Đồng chí có thể chia sẻ những ưu tiên hàng đầu trong chương trình hành động của mình nếu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh:Nếu nhận được sự tín nhiệm từ phía cử tri, khi trở thành đại biểu Quốc hội khóa XIV, là ứng cử viên của ngành Y tế, tôi sẽ tích cực nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến vào vấn đề y đức, tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng về công tác y tế; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chất lượng đội ngũ, vận động xã hội hóa, giải quyết vấn đề quá tải ở bệnh viện, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh mới nổi cộm, bảo hiểm y tế, vấn đề đạt chuẩn quốc gia về y tế,… Giảm dần khoảng cách thụ hưởng các dịch vụ y tế giữa các vùng miền, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đồng thời là một ứng cử viên nữ, tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề phụ nữ và trẻ em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, phụ nữ người dân tộc thiểu số về vấn đề sức khỏe và sinh sản, vấn đề việc làm, hạnh phúc gia đình. Thúc đẩy thực hiện có hiệu quả luật bình đẳng giới, luật phòng chống bạo lực gia đình, chính sách đối với cán bộ cơ sở, người có công, gia đình chính sách.
P.V:Theo đồng chí, cần phải làm gì để hoàn thành xuất sắc vai trò cầu nối giữa cử tri với cơ quan chức năng của một đại biểu Quốc hội?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Theo tôi, người đại biểu Quốc hội phải giữ mối liên hệ gắn bó mật thiết với cử tri, lắng nghe, thu thập ý kiến của cử tri, phân tích thông tin và phản ánh trung thực, kịp thời đến Quốc hội, cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét, giải quyết sát đúng với tình hình, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và thực tế.
Người đại biểu Quốc hội phải tham dự các buổi tiếp công dân theo kế hoạch; chủ động, nghiên cứu các vấn đề nổi cộm, bức xúc để kiến nghị đến các cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền giải quyết đảm bảo quyền và lợi ích của công dân theo quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định về tham gia xây dựng pháp luật; tham gia các hoạt động giám sát; tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
P.V:Xin cảm ơn đồng chí!
Phương Thảo
(Thực hiện)
_________________
(*) Đầu đề do báo Nghệ An đặt.