(Baonghean) - Thực hiện Quyết định số 289-QĐ/TW ngày 8/2/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Quy chế cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, cấp ủy đảng các cấp đã quan tâm bố trí công tác cho các trường hợp bí thư đoàn quá tuổi. Tuy nhiên, đến tháng 12/2016, Nghệ An vẫn còn hơn 60 cán bộ đoàn cấp cơ sở đã quá tuổi quy định nhưng vẫn chưa được bố trí công tác.

Tạo điều kiện trưởng thành

Nghệ An hiện có 694 đoàn cơ sở và 565 chi đoàn cơ sở; trong đó có 480 đoàn xã, phường, thị trấn. Nhiều năm qua, các cấp ủy đảng và Ban Thường vụ đoàn các cấp đã thực hiện quyết liệt việc luân chuyển cũng như tìm giải pháp gỡ bí “đầu ra” cho cán bộ đoàn khi hết tuổi công tác theo quy định. 5 năm qua toàn tỉnh có 178 cán bộ đoàn quá tuổi được bố trí nhiệm vụ mới. Trong đó có nhiều địa phương làm tốt công tác này như Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, TX. Hoàng Mai, TP. Vinh, Hưng Nguyên... 

Tại các địa phương này, Ban thường vụ các huyện, thị đều rất quan tâm đến hoạt động đoàn và việc bố trí công tác cho cán bộ đoàn quá tuổi. Theo đó, lãnh đạo huyện hàng năm đã có các cuộc làm việc với huyện đoàn và đảng ủy các xã để rà soát các vị trí nhằm giải quyết kịp thời “đầu ra” cho các bí thư đoàn xã đến tuổi trưởng thành đoàn.

Ví như tại huyện miền núi Kỳ Sơn, theo đồng chí Lữ Quang Hưng - Phó ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: “Nhiều năm qua, các cấp ủy đảng đã luôn sát sao trong nắm bắt, theo dõi và bố trí công tác cho các cán bộ đoàn quá tuổi. Vì thế, trước Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2010 - 2015 và bầu cử HĐND các cấp có 4 trường hợp chưa được chuyển công tác thì đến nay, Kỳ Sơn chỉ còn duy nhất 1 trường hợp là anh Lầu Bá Xà - Bí thư Đoàn xã Mường Típ, sinh năm 1976, chưa được bố trí công tác”.

Đồng chí Lữ Quang Hưng cho hay: “Qua làm việc với đảng ủy cơ sở, dựa trên rà soát lộ trình công tác cán bộ của xã Mường Típ, chúng tôi đã nhất trí phương án sẽ có hướng bố trí cho đồng chí Xà vị trí phù hợp khi đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã về hưu”. 

images1793173_bna_586e6b7f60f78.jpgBí thư Đoàn xã Bắc Thành (Yên Thành) Đặng Trọng Trung (trái) sinh năm 1979 đang chờ bố trí công tác mới.

Với quan điểm và cách làm tương tự, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Kỳ cũng là đơn vị làm tốt công tác rà soát, bố trí công tác cho cán bộ đoàn đến tuổi trưởng thành. Đồng chí Bùi Thanh Bảo - Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ cho biết: “5 năm qua, huyện đã nhiều lần làm việc với các địa phương và BTV Huyện đoàn để triển khai mô hình bí thư chi đoàn kiêm đội trưởng thôn, vừa để tạo điều kiện rèn luyện vừa dễ bề bố trí công tác sau này. Bên cạnh đó, Huyện ủy cũng có nhiều cuộc làm việc với Huyện đoàn và các cá nhân cụ thể để đánh giá, tìm phương án thích hợp nhất trong giải quyết đầu ra. Nếu không còn vị trí để chuyển thì yêu cầu đảng ủy xã cam kết lộ trình bố trí công tác cho cán bộ đoàn xã”. Vì vậy, trên địa bàn huyện Tân Kỳ hiện chỉ còn 5 trường hợp bí thư đoàn xã quá tuổi chưa chuyển công tác. 

“Thấp thỏm” khi quá tuổi

Tuy nhiên, bên cạnh đó tại một số địa phương vẫn còn nhiều trường hợp cán bộ đoàn cơ sở đã quá tuổi nhưng chưa được bố trí công tác khác vì nhiều lý do khác nhau. Điều này đã phần nào làm ảnh hưởng đến không chỉ tâm tư của mỗi cá nhân mà còn gây thế bí cho công tác trẻ hóa đội ngũ cán bộ đoàn. Sinh năm 1978, tham gia công tác đoàn từ năm 1998 với xuất phát điểm là bí thư chi đoàn thôn xóm, từ năm 2005 đến nay anh Trần Quốc Toàn giữ chức vụ Bí thư Đoàn xã Đà Sơn (Đô Lương).

Theo như anh Toàn chia sẻ thì “ngót nghét 20 năm tham gia hoạt động và là thủ lĩnh đoàn cơ sở chưa bao giờ hết nhiệt huyết, đam mê với công tác đoàn. Tuy nhiên, hiện nay sự khác nhau về tâm lý lứa tuổi đến hàng chục năm so với các thế hệ đoàn viên 8x, 9x cũng khiến thế hệ bí thư chi đoàn 7x như anh Trần Quốc Toàn không khỏi suy nghĩ, trăn trở và có chút thấp thỏm, ái ngại khi mình vô tình khiến các thế hệ kế cận bị chậm cơ hội phát triển chỉ vì chưa có vị trí để chuyển công tác. Và cũng chưa biết tương lai công việc của bản thân sẽ như thế nào bởi “hướng đi” còn chưa được định hình chắc chắn.

Chung suy nghĩ đó, anh Nguyễn Tất Văn, sinh năm 1979 - Bí thư Đoàn xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành cho biết thêm: “Các cấp ủy đảng của huyện Yên Thành rất quan tâm đến việc bố trí đầu ra cho đối tượng là cán bộ đoàn quá tuổi như tôi, tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thực tế hiện nay “lực bất tòng tâm” vì chưa có vị trí nào “trống” để chuyển nên tôi cũng đành... chờ vậy”.

Từ năm 2010 - 2016 có 18 cán bộ đoàn cấp tỉnh, 45 bí thư, phó bí thư đoàn cấp huyện và hơn 200 cán bộ chuyên trách cấp xã được trưởng thành, chuyển công tác. Có 178 cán bộ đoàn quá tuổi đã được chuyển công tác.

Đồng chí Lê Minh Phúc - Phó ban Tổ chức Huyện ủy Đô Lương cho biết: Toàn huyện Đô Lương hiện có 16 cán bộ đoàn quá tuổi, chủ yếu sinh năm từ 1976 đến 1982. Cuối năm 2016 đã bố trí chuyển công tác cho 2 trường hợp và đang xem xét bố trí công tác cho 4 trường hợp khác. Còn lại 12 bí thư đoàn xã đều đang phải đợi đến cuối năm 2017 hoặc 2018, thậm chí năm 2020 mới hy vọng có vị trí phù hợp để sắp xếp công tác. Tương tự, đồng chí Phạm Thị Huyền Trang - Bí thư Huyện đoàn Yên Thành cho hay: Huyện hiện có 6 bí thư đoàn xã quá tuổi và chỉ mới có 1 đồng chí Bí thư đoàn xã Vĩnh Thành được chuyển công tác trong tháng 11/2016. Còn các trường hợp khác đều đang phải chờ. 

Những khó khăn và giải pháp

Qua thực tế rà soát và qua các cuộc làm việc giữa Ban Thường vụ Huyện ủy với Huyện đoàn, đồng chí Lê Minh Phúc - Phó ban Tổ chức Huyện ủy Đô Lương cho biết, có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến một số cán bộ đoàn quá tuổi chưa được bố trí công tác kịp thời theo quy định, đó là chưa có vị trí để sắp xếp hoặc cán bộ đoàn chưa đủ các điều kiện để chuyển công tác, chủ yếu là về yêu cầu bằng cấp, một số ít là do năng lực không đảm bảo yêu cầu.

Đồng chí Lê Minh Phúc cũng cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy Đô Lương đã có nhiều cuộc làm việc với đảng ủy cơ sở để tìm giải pháp tháo gỡ “đầu ra” cho các thủ lĩnh đoàn, tạo cơ hội cho lớp trẻ vươn lên. Dựa trên đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương và các cá nhân để đưa ra phương án hợp lý nhất.

Cuối tháng 12/2016, thường trực Huyện ủy Đô Lương đã có cuộc làm việc với Huyện đoàn về công tác nhân sự, trong đó chú trọng việc bố trí công tác cho các bí thư đoàn xã đã quá tuổi quy định hoạt động đoàn. Theo đó, một số phương án đã được đưa ra, dự kiến sẽ chuyển công tác cho 4 cán bộ là bí thư đoàn các xã Thái Sơn, Giang Sơn Đông, Hồng Sơn và Minh Sơn. Một số khác đã có vị trí sắp xếp nhưng phải chờ đến thời điểm các năm 2018 - 2020 khi có cán bộ đảng ủy hoặc các đoàn thể về hưu như ở xã Tây Sơn, Thịnh Sơn, Lưu Sơn, Giang Sơn Tây...

Cán bộ huyện đoàn Kỳ Sơn trao quà cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn. Ảnh tư liệu

Qua tìm hiểu được biết, việc tinh giản biên chế đối với chức danh phó chủ tịch xã theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng khiến công tác bố trí đầu ra cho cán bộ đoàn gặp khó khăn. Bởi việc bố trí công tác cho các phó chủ tịch xã sau khi tinh giản đã “lấp” các vị trí có thể bố trí công tác cho cán bộ đoàn quá tuổi ở địa phương.

Đồng chí Bùi Thanh Bảo - Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ cho biết: “Huyện Tân Kỳ có 13 người là phó chủ tịch UBND xã chuyển công tác theo chủ trương tinh giản biên chế. Ngoài ra, đối với địa bàn huyện Tân Kỳ sau Đại hội Đảng năm 2015, một số bí thư đảng ủy xã tuy chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng không trúng cử nên phải chuyển họ sang công chức cấp xã. Điều này cũng là nguyên nhân gây khó khăn, nếu không nói là ách tắc cho việc gỡ “đầu ra” cho cán bộ đoàn khi đã đến thời điểm chuyển công tác hoặc trưởng thành đoàn. Vì thế, hiện nay Tân Kỳ còn 5 trường hợp bí thư đoàn xã đang chờ chuyển công tác mới, các trường hợp này đều sinh năm 1981”. 

Nghệ An hiện có 64 cán bộ đoàn quá tuổi chưa được bố trí công tác. Một số huyện còn nhiều cán bộ đoàn cơ sở quá tuổi chưa được chuyển công tác như huyện Đô Lương (14 người), Diễn Châu (10 người); một số huyện vẫn còn nhiều trường hợp phải chờ sắp xếp như Yên Thành (6 người), Thanh Chương (6 người), Tân Kỳ (6 người). 

Nói về các giải pháp trong bố trí công việc cho đội ngũ cán bộ đoàn quá tuổi, đồng chí Phan Huy Hải - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Yên Thành cho hay: “Sắp tới Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Huyện đoàn và các xã có bí thư đoàn cần chuyển công tác. Theo đó, nếu xã còn vị trí công chức huyện sẽ đề nghị xã không xây dựng phương án tuyển dụng mới để làm quy trình đề nghị ưu tiên cho cán bộ đoàn nếu đáp ứng được các yếu tố quy định. Một hướng nữa là chuyển sang làm các chức danh khác hoặc bố trí làm nhân viên không chuyên trách...”.

Thực tế cho thấy, có nhiều cán bộ chủ chốt của đảng ủy các xã, huyện đã trưởng thành từ cán bộ đoàn cơ sở. Vì thế, việc giải quyết bài toán “đầu ra” cho cán bộ đoàn quá tuổi không chỉ là giải pháp trẻ hóa đội ngũ cán bộ đoàn mà còn là kênh thúc đẩy nguồn cán bộ cho các cấp ủy đảng. Bởi thế, ngoài chú trọng chất lượng ở khâu tuyển dụng thì trong quá trình công tác mỗi cán bộ đoàn cũng cần vươn lên tự học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và tự khẳng định mình trong quá trình công tác để có thể đáp ứng tốt bất kỳ vị trí nào khi được điều động, luân chuyển.

Hoài Thu

TIN LIÊN QUAN