Học bổng "Trái tim Sư tử" là chương trình học bổng được xây dựng với mục tiêu khuyến khích và tạo động lực cho những học sinh có bất lợi về thể chất, sức khỏe, hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn biết nuôi dưỡng ý chí kiên cường, trái tim dũng cảm và sức “chiến đấu” phi thường để vượt qua rào cản cá nhân, phấn đấu đạt được thành tích xuất sắc và truyền cảm hứng tích cực đến những người xung quanh.

Năm 2023, chương trình trao tặng 2 suất học bổng danh giá với trị giá hơn 1 tỷ đồng cho ứng viên xuất sắc nhất đến từ các trường trung học phổ thông trên toàn quốc.

Tìm tương lai cho bản thân

Thông báo của Trường Đại học Anh quốc Việt Nam gửi đến cho Vi Thanh Nhật chỉ cách đây 1 ngày. Khi đó, Nhật đang ở ký túc xá của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh và đang nỗ lực ôn thi cho kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2023. Nhận được học bổng, Nhật thực sự bất ngờ và trong một phút em như lặng đi, không tin vào kết quả.

Nhật năm nay đang bước sang tuổi 18 nhưng từ năm 4 tuổi em đã phải chung sống và chiến đấu với bệnh Thalasemia - căn bệnh tan máu bẩm sinh khá nguy hiểm. Cũng từ khi phát hiện bệnh đến nay, gần một nửa thời gian của Nhật phải sống ở bệnh viện vì tháng nào em cũng phải xuống Viện Huyết học và Truyền máu tỉnh để truyền máu và điều trị thải sắt. Đây cũng là căn bệnh hiếm gặp, nếu không được điều trị kịp thời có thể bị biến dạng xương, suy tim, rối loạn nhịp tim, đái tháo đường, xơ gan...Vì Nhật bị Thalasemia nên bố mẹ Nhật cũng chỉ sinh duy nhất mình em bởi lo sợ sẽ bị di truyền.

Từ năm 4 tuổi, Vi Thanh Nhật đã phải chung sống và chiến đấu với bệnh Thalasemia. Ảnh: Mỹ Hà

Nhà Nhật ở bản Tân Sáng, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương - một bản nghèo với phần lớn là bà con người dân tộc Thái di dời về từ huyện Tương Dương theo chủ trương xây dựng Thủy điện Bản Vẽ. Hoàn cảnh khó khăn, lại mắc căn bệnh mãn tính, hiếm gặp, Nhật nghĩ rằng, em sẽ không có cơ hội để vào đại học. Con đường duy nhất để Nhật thực hiện ước mơ của mình đó là “săn” học bổng toàn phần và em đã kiên trì để thực hiện giấc mơ của mình.

Kể về quá trình tìm kiếm học bổng, Nhật thú nhận từ lớp 10 em đã bắt đầu tìm hiểu các trường đại học có chính sách học bổng dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Khi biết Đại học Anh quốc Việt Nam có học bổng "Trái tim Sư tử" được xây dựng với mục tiêu khuyến khích và tạo động lực cho những học sinh có bất lợi về thể chất, sức khỏe, hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn, em đã ấp ủ và bắt đầu tìm kiếm cơ hội.

Trong quá trình đó, ngoài học tốt việc học tập ở trường, thực hiện nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ, Nhật cũng hào hứng tham gia các hoạt động, các phong trào Đoàn của nhà trường. 3 năm theo học tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, với sự nhiệt tình, xông xáo, cố gắng không ngừng nghỉ, Nhật liên tục là học sinh giỏi toàn diện, giành giải Nhất cuộc thi Tin học cấp trường và giải Nhì cuộc thi Khoa học, kỹ thuật do nhà trường tổ chức.

Nhật là một đoàn viên tích cực, tham gia nhiều hoạt động tình nguyện như chương trình “Tình nguyện viên tổ chức hiến máu Hành trình Đỏ”. Ảnh: NVCC

Nam sinh này cũng tin vào triết lý “Mỗi người đến với thế giới này đều mang một sứ mệnh riêng làm cho thế giới này ngày càng tốt đẹp hơn bằng những cống hiến của mình”. Vì lẽ đó, dù sức khỏe không ủng hộ nhưng Nhật vẫn luôn cố gắng tham gia các hoạt động xã hội như chương trình “Tình nguyện tiếp sức mùa thi”, “Tình nguyện viên tổ chức hiến máu Hành trình Đỏ”.


Biết chấp nhận hiện thực và tự thay đổi chính mình

"Bức thư này được gửi từ một cậu bé người dân tộc thiểu số, mang bệnh hiểm nghèo đang luôn cố gắng nỗ lực vượt qua nghịch cảnh về sức khỏe và thiệt thòi giáo dục để theo đuổi ước mơ tìm kiếm tri thức, khẳng định giá trị bản thân".

Đó là những dòng đầu tiên mà Nhật gửi đến Trường Đại học Anh quốc Việt Nam khi em nộp hồ sơ để xin học bổng "Trái tim Sư tử". Ở phần sau bài viết của mình, nam sinh người dân tộc Thái cũng đã chia sẻ những câu chuyện của bản thân, từ một cậu học trò ốm yếu, mắc bệnh hiểm nghèo đến khát khao được đi học.

Nhật cũng viết rằng, ở nơi em ở - nơi mà việc học tập và giáo dục chưa được chú trọng, học sinh trong bản vẫn đi theo lối mòn cũ là chỉ học đến cấp trung học cơ sở sau đó đi làm công nhân và tiếp diễn từ thế hệ này qua thế hệ khác. Sự khó khăn, vất vả và nghèo đói buộc Nhật đưa ra quyết tâm, không có con đường nào khác ngoài con đường giáo dục để thay đổi suy nghĩ, thay đổi cuộc sống của chính bản thân, của các thế hệ trẻ trong bản làng và của quê hương mình.

Nhật khát khao được đi học, được vào đại học để thay đổi cuộc đời mình. Ảnh: Mỹ Hà

Hồ sơ gửi đi một thời gian, Nhật nhận được thông báo phỏng vấn của nhà trường khi em đang nằm điều trị tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tại Hà Nội. Lúc bấy giờ bệnh của Nhật có chuyển biến xấu hơn khi em xuất hiện các triệu chứng của rối loạn đông máu. Khi vội bắt chuyến xe sang Trường Đại học Anh quốc Việt Nam, sức khỏe của Nhật vẫn chưa ổn định. Ngoài nước da vàng vọt, dáng người nhỏ bé vì cơ thể phát triển chậm, những khi bệnh trở nặng, Nhật thường rơi vào tình trạng mệt mỏi, chóng mặt và khó thở.

Kể về quá trình phỏng vấn, Nhật chia sẻ em được trò chuyện với cả giáo viên nước ngoài và giáo viên Việt Nam. Tuy vậy, với khả năng tiếng Anh chưa thực sự lưu loát, Nhật khá căng thẳng khi trả lời các câu hỏi từ các giáo viên. Riêng những câu trả lời cần phải bày tỏ về suy nghĩ của bản thân, Nhật sử dụng tiếng Việt để có thể tự tin trong diễn đạt.

Trong các câu hỏi do các giáo viên đưa ra, Nhật cũng thú nhận có nhiều câu hỏi khá “vĩ mô” đến nỗi “em không biết trả lời như thế nào”. Đó là các câu hỏi như: "Nếu như em làm chủ tịch nước một ngày, em sẽ làm hoạt động gì để phát triển cộng đồng mà bản thân đang hướng tới"; "Bức tranh tổng thể 5 năm tới của bản thân là gì?". Để tìm đáp án cho những câu hỏi này, Nhật đã lựa chọn câu trả lời từ chính thực tế của bản thân và những vấn đề mà em và những học trò vùng cao đang phải đối diện hàng ngày.

Khó khăn không làm Vi Thanh Nhật chùn bước. Ảnh: Mỹ Hà

Vi Thanh Nhật chia sẻ: Cộng đồng mà em muốn hướng tới và muốn giúp đỡ đó là cộng đồng những người có vấn đề về sức khỏe, những người bị bệnh mãn tính. Bởi lẽ, những người mắc các căn bệnh này, họ thường có suy nghĩ là gánh nặng của xã hội và phải chịu sự giúp đỡ.

Cộng đồng thứ hai mà em muốn quan tâm đó là các học sinh ở các huyện miền núi, ở những vùng sâu, vùng xa khó khăn và cố gắng làm sao để tạo ra sự thay đổi về mặt suy nghĩ, về nhận thức của các bạn. Bởi lẽ, lâu nay, học sinh là người dân tộc thiểu số sau khi học xong cấp II thường bỏ học để đi làm hoặc lập gia đình.


Trong câu trả lời của mình, Nhật cũng chia sẻ ước mơ trong 5 năm nữa sẽ làm được làm việc về ngành tài chính trong một công ty đa quốc gia và có thể có nhiều hoạt động có ích cho cộng đồng.

Riêng câu hỏi “nếu như có siêu năng lực để biến tất cả mọi ước mơ thành sự thực thì em sẽ làm gì để thay đổi thế giới”, Nhật chia sẻ, em ước mọi người sẽ cảm thấy tự tin về bản thân, tự tin về giá trị và không ai bị thất thế trong xã hội. Đặt câu hỏi với Nhật "vì sao, em lại không ước mơ cho mình, ví dụ như sức khỏe?", Nhật nói thêm rằng: Em là người khá thực tế và em biết rằng, có những điều ước không thể thực hiện được. Vì thế, không nên ước những điều mà không thể thay đổi mà thay vào đó hãy chấp nhận hiện thực và tự thay đổi bản thân…

Sống tốt để không phụ công ơn cô, thầy và gia đình

3 năm trước khi trúng tuyển vào Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, Vi Thanh Nhật là một trong những học sinh có điểm trúng tuyển cao nhất trường. Trong ngày khai giảng, với kết quả thi khá xuất sắc, Nhật được nhận học bổng 2 triệu đồng.

Với xuất phát điểm khá tốt, nên các thầy, cô chưa từng nghĩ rằng, Nhật lại có ý định bỏ học chỉ sau 2 tuần nhập học. Thậm chí, dù sau này được thầy cô khuyên nhủ, động viên, Nhật vẫn nghĩ rằng, em sẽ rời Trường Dân tộc nội trú tỉnh, sẽ về nhà hoặc có thể xin vào học ở một trường THPT gần nhà. Cuối học kỳ I lớp 10, cuối cùng Nhật cũng đưa ra quyết định của mình. Hôm tiễn Nhật về quê ăn Tết, bạn bè ở lớp 10A1 và các thầy cô đưa Nhật ra tận xe ô tô. Khi đó, ai cũng nghĩ Nhật sẽ không trở lại trường.

Trong quá trình học ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nhật nhận được sự quan tâm, giúp đỡ thường xuyên của các thầy, cô giáo. Ảnh: Mỹ Hà

Tại sao thời điểm đó, Nhật lại đưa ra quyết định này, Nhật có một lý do rất đặc biệt “đó là bởi thầy cô tốt với em quá, thầy cô quan tâm tới em quá. Trong khi đó, em bệnh tật, em nghĩ rằng, mình sẽ không thể học tập tốt và không muốn phụ lòng thầy, cô”.

Ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, cô giáo Nguyễn Kiều Hoa - Hiệu trưởng nhà trường là người đồng hành với Nhật trong những ngày đầu tiên khi mới chập chững vào nhập học ở trường. Biết được bệnh tình của Nhật, chị đã cùng với mẹ con Nhật đến trực tiếp gặp bác sĩ tại Trung tâm Huyết học và Truyền máu tỉnh để xin giúp đỡ Nhật trong quá trình em học tập ở trường. Cô giáo cũng gặp nhà bếp và yêu cầu các cô quan tâm Nhật, có chế độ riêng, dinh dưỡng riêng cho em.

Ngay trong học kỳ I năm lớp 10, thông qua sự giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường cũng dành cho Nhật suất học bổng 20 triệu đồng để em trang trải học tập và điều trị bệnh.

Kể thêm về Nhật, cô giáo Kiều Hoa nói thêm: Nhật là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt nên trong quá trình Nhật học tập tại trường, Nhật luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ. Khi biết Nhật quyết định nghỉ học, tôi rất buồn nhưng luôn động viên em và nói với Nhật rằng “trường nội trú luôn giang rộng vòng tay đón Nhật trở về”.


Kỷ niệm bỏ học cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất của Nhật trong 3 năm học tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, Nhật chỉ nghỉ học 1 tuần và đã nhập học ở một trường THPT khác ở huyện nhà 2 buổi là em lại quyết định quay trở lại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Sau này, hiểu được tấm lòng của cô giáo hiệu trưởng, cô giáo chủ nhiệm và các thầy, cô bộ môn, bạn bè, Nhật luôn tự nhủ phải cố gắng học tốt, phải chăm chỉ để không phụ lòng của tất cả mọi người.

Thành công của Nhật đã đem đến nguồn cảm hứng mới cho các học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà

Đó cũng là lý do vì sao, trong những năm THPT, dù tháng nào Nhật cũng mất khoảng 10 ngày điều trị tại bệnh viện nhưng Nhật luôn rèn cho mình ý thức tự học, bài nào không hiểu em nhờ bạn chép bài, nhờ thầy, cô giảng lại và tự bổ sung kiến thức. Nhật tham gia các cuộc thi học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật, tham gia nhiệt tình các phong trào Đoàn, các hoạt động tình nguyện cũng là bởi không muốn mình là một học sinh đặc biệt mà muốn được sống như một người bình thường - có trách nhiệm.

Tháng 5 này, cùng với học bổng "Trái tim Sư tử", Nhật cũng là một học sinh xuất sắc, là một “hạt giống đỏ” của nhà trường đang được bồi dưỡng để trở thành một đảng viên trẻ. Chúc mừng em Vi Thanh Nhật và mong lắm những ước mơ cháy bỏng của chàng trai bé nhỏ sẽ trở thành hiện thực./.