(Baonghean.vn) - Sét là một hiện tượng thiên nhiên, thường xuất hiện trước, trong, thậm chí cả sau cơn mưa. Nó có thể đánh vào bất kỳ đâu, bất kỳ đối tượng nào khi có sự tích tụ điện và phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và mặt đất hay giữa các đám mây mang điện tích trái dấu. Hiện đang vào mùa mưa giông, vì vậy, bất cứ ai cũng cần nắm rõ những nguyên tắc phòng tránh để có thể giảm đáng kể khả năng bị sét đánh.

resize_images1856553_chong_set_2.jpgSét xuất hiện ngay cả trước, trong và thậm chí sau cơn mưa. Ảnh: Internet

Những trường hợp nào dễ bị sét đánh nhất

1. Lang thang ở nơi rộng rãi, quang đãng khi trời đổ mưa

Sét xuất hiện ngay cả trước, trong và thậm chí sau cơn mưa. Những nơi có đất rộng rãi, quang đãng như cánh đồng, sân golf, hay bãi đỗ xe đều là địa điểm yêu thích của những tia sét. Bởi lúc này, bạn sẽ vô tình là "vật thể" cao nhất ở khu vực đó.

Khi mặt đất nhận được cảm ứng phát sinh dòng điện từ đám mây dông, trên những vật thể cao chót vót sẽ tập trung tương đối nhiều điện tích cảm ứng, có khả năng hút sóng điện mạnh, vì thế nó hút tia điện một cách dễ dàng.

Bên cạnh đó, đứng trú dưới bóng cây to cũng không phải là lựa chọn tốt. Bởi theo nguyên lý như trên, chiếc cây cao có thể hút tia điện và gây hại cho bạn.

2. Cầm ô hay đứng gần các vật liệu kim loại

Sét là một dòng điện cực mạnh và kim loại lại dẫn điện rất tốt. Dòng điện này có cường độ từ vài chục nghìn tới hơn một trăm triệu vol. Khi phóng tia lửa điện, nhiệt độ tia lửa điện do sét gây ra có thể lên tới hàng nghìn độ C. Tốt nhất, bạn hãy tránh xa những vật dụng như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt, cuốc, liềm... vì chúng dẫn điện rất tốt.

Ô có chứa kim loại nên cầm ô đi giữa trời giông dễ bị sét đánh. Ảnh: Internet

Ngoài ra, cầm ô cũng được coi là một "cột thu sét" do chứa kim loại. Do đó, khi trời mưa có sấm sét, bạn đừng dại cầm ô ra đường.

3. Đi bơi ở sông, suối, hay bể bơi

Giống như kim loại, nước cũng là chất dẫn điện cực tốt. Nếu không muốn mình cháy đen thui thì bạn đừng nên đi bơi thời điểm mưa giông, sấm sét.

4. Đứng gần cửa sổ, cửa ra vào hay nằm trên mặt đất

Bạn nghĩ mình hoàn toàn an toàn khi ở trong nhà, nên thỏa sức ra cửa sổ ngắm? Nhưng sự thật là, việc đứng gần cửa sổ, cửa ra vào cũng không thật an toàn.

Chưa hết, bạn tuyệt đối không được nằm duỗi thẳng trên mặt đất, vì bạn phải hạn chế tối đa sự tiếp xúc với mặt đất để giảm lượng điện tích truyền xuống đất qua cơ thể.

5. Đi tắm, xem TV, sử dụng điện thoại

Khi trời giông sét sử dụng điện thoại cố định có dây sẽ rất nguy hiểm. Sét có thể thâm nhập vào đường điện, cáp điện thoại và lan truyền khoảng cách xa. Tốt nhất, hãy ngắt nguồn điện và rút dây cắm, dây sạc của các thiết bị điện để tránh bị sét đánh theo con đường này.

Do đường ống nước có thể là nhựa nhưng cũng có địa điểm là đồng, bởi vậy, việc đi tắm ở thời điểm sấm sét đùng đùng không phải là ý kiến hay. Bởi rất có thể, bạn vô tình tự biến mình thành mồi ngon cho "thần sét".

Bốn nguyên tắc phòng tránh bị sét đánh

1. Lên kế hoạch trước

Nghe dự báo thời tiết và lên kế hoạch làm việc để đề phòng. Khi làm ở khu vực nào đó, để ý trước các nơi có thể trú mưa và tránh sét an toàn. Phải tính được thời gian từ chỗ làm việc đến nơi an toàn. Thường thì cơn giông kéo đến rất nhanh trong vòng 15 phút và di chuyển với vận tốc 40km/giờ. Nói chung khi đang ở nơi không an toàn thì cần phải để ý đến các dấu hiệu của giông như mây đen, không khí lạnh, gió.

Dấu hiệu báo giông (mây đen, gió lạnh...). Ảnh: Internet

2. Thực hiện quy tắc nhìn-nghe

Khi sét xảy ra, thoạt tiên ta thấy tia chớp loé lên và sau đó là có tiếng sấm kèm theo. Nếu bạn tính khoảng thời gian từ lúc tia chớp loé lên và lúc nghe thấy tiếng sấm thì có thể xác định được khoảng cách tới nơi sét xảy ra.

Chia số giây cho 3 ta được khoảng cách đến tia sét. Ví dụ đếm được 3 giây thì sét cách vị trí đứng là 3/3 = 1km. Nên nhớ rằng nếu như khoảng thời gian bạn đếm được từ khi thấy chớp và nghe tiếng sấm nhỏ hơn 30 giây, thì bạn đã nằm trong tầm ngắm của tia sét rồi và phải cẩn thận.

Nếu thời gian này nhỏ hơn 20 giây thì phải di chuyển đến nơi an toàn hơn. Khi nghe thấy tiếng sấm đầu tiên bất kể là gì cũng cần phải thấy nguy hiểm đã đến. Sét có thể đánh cách xa nơi có mưa tới 15-20km.

3. Tránh sét trong nhà

Khi trời sắp xảy ra giông, thì biện pháp tránh sét tốt nhất là nên về nhà. Chỗ an toàn để tránh sét là toà nhà, hay công sở có lắp đặt hệ thống chống sét (đơn giản nhất là cột thu lôi Franklin). Khi ở trong nhà thì nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết.

Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có giông gần xảy ra. Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m. Vô tuyến nối với dây anten để ngoài trời cũng rất cần rút ra khi có giông.

4. Tránh sét đánh ngoài trời

Trong trường hợp không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, máy, hàng rào sắt...

Tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp, tìm vị trí cây thấp.

Người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ. Phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất. Nhón chân, không được nằm xuống đất.

Đứng xa các vật cao, ra ngay khỏi những nơi chứa nước như bãi biển, ao, hồ, mương. Các vùng đỉnh núi hay sườn núi nhô cao cũng rất nguy hiểm. Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh.

Không đứng thành nhóm người gần nhau. Nếu như bạn cảm thấy tóc bị dựng lên (như cảm giác điện khi sờ tay trước mặt tivi) thì điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Lập tức cúi người, ngồi xuống. 

Tư thế ngồi để tránh bị sét đánh. Ảnh: Internet

Đối với các vật có bề mặt kim loại như xe buýt, tàu hoả, ô tô, ...nếu không thò người ra ngoài và không chạm đến vỏ bọc thì ở những chỗ này là an toàn. Ngược lại đối với các ô tô, tàu thuỷ để hở hay không có vỏ bọc kim loại thì lại nguy hiểm.

Sau khi nghe thấy tiếng sét 30 phút thì có thể trở lại làm việc bình thường.

Cách cấp cứu người bị sét đánh

Ngoài làm cháy, bỏng, sét gây tác hại hệ thần kinh, gãy xương, mất thính giác, thị giác, hay trí nhớ. Người bị sét đánh cần được cứu trợ ngay lập tức.

Người sơ cứu cần phải can đảm và tiến hành động tác nhanh, gọn để đảm bảo an toàn không chỉ cho nạn nhân mà còn cho chính mình.

Nếu nạn nhân bị sét đánh ngất, có dấu hiệu tim ngừng đập, ngừng thở, phải thực hiện khẩn cấp các động tác hô hấp, trợ tim nhân tạo. Tìm những nơi bị gãy để cố định chắc chắn xương trước khi di chuyển nhằm tránh sốc cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cần đặc biệt cẩn thận, không di dời nạn nhân nếu nghi ngờ bị gãy cột sống.

Để yên những vị trí bỏng khô, không sờ mó, bôi các loại lá, mỡ theo kinh nghiệm dân gian lên vết bỏng và tìm cách nhanh nhất đưa nhân viên y tế đến. Nếu nạn nhân có mảnh quần áo, giày cháy sém do sét đánh thì nhanh chóng tách vải ra khỏi vết thương để hạ nhiệt, tháo đồng hồ, trang sức, vật cứng tì vào vết thương để tránh phù nề. Lưu ý: Không nên cho uống hay ăn nếu nạn nhân bị nôn hoặc trong tình trạng không tỉnh táo, có chấn thương.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN