(Baonghean) - Nằm giữa đại ngàn Pù Huống, cách trung tâm xã Nga My, bản Na Ngân (xã Nga My, huyện Tương Dương) gần như tách biệt với bên ngoài, nhất là những ngày mưa lũ. Với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, sự nỗ lực vươn lên của bà con, bản làng nơi thâm sơn này đang thay đổi từng ngày...

Đến bản Na Ngân phải mất hơn 30 lần vượt khe suối. Ảnh Hồ Phương
Đến bản Na Ngân phải mất hơn 30 lần vượt khe suối. Ảnh Hồ Phương

Ngày xưa, mỗi khi có việc vào Nga My, người dân vùng trung tâm huyện Tương Dương thường nói tếu là “đi Nga” (nước Nga) để diễn tả về sự xa xôi, cách trở. Bởi xã cách thị trấn Hòa Bình khoảng 70 km, tiếp giáp với địa bàn các huyện Con Cuông, Quỳ Hợp và Quỳ Châu, đường đi gập ghềnh, trắc trở... Ngày đó, dòng Nậm Ngân men theo con đường trắc trở luôn bị nhuộm bởi một màu đỏ quạch, bờ bãi bị khoét nham nhở và tan hoang, đời sống dân bản lao đao, bất ổn vì nạn khai thác vàng đầu nguồn...

Bây giờ thì đã khác, tuyến quốc lộ 48C được nâng cấp, việc đi lại đã dễ dàng, mỗi ngày có mấy chuyến xe khách vào – ra, Nga My không còn gợi lên cảm giác xa xôi nữa. Dòng Nậm Ngân đã xanh trong, cảnh nham nhở và tan hoang do khai thác vàng giờ chỉ còn trong dĩ vãng. Thế nhưng, để vào được bản Na Ngân – bản của người Thái giữa rừng già Pù Huống, vẫn phải qua hơn 30 lần vượt suối Nậm Ngân cùng con đường cheo leo, hiểm trở, một bên vách núi, một bên vực sâu, rồi những quãng lầy lội và trơn trượt...

Bản Na Ngân, xã Nga My (Tương Dương) vẫn còn giữ được những nét đẹp cổ. Ảnh: Công Khang

Nga Ngân mùa này, bản làng hiện ra trong cảnh thanh bình, những ngôi nhà sàn lợp mái gỗ và mái tôn đan xen, xung quanh là những cây dừa, cây cau cao vút.  Cách xa một đoạn là những thửa ruộng bậc thang đang mùa đổ ải, chờ ngày gieo cấy vụ lúa xuân. Nét kiến trúc nhà ở và phong cảnh bản làng gợi lên một không gian cổ kính, là nơi cư trú lâu đời của cộng đồng người Thái. Đường xa cách trở, nằm tách biệt giữa núi rừng với Na Ngân là một thiệt thòi nhưng ở khía cạnh khác lại cũng là một ưu thế, nhờ vậy mà những nét bản sắc văn hóa vẫn còn được lưu giữ đậm nét, từ cách ăn ở, phong tục tập quán đến tiếng nói, trang phục còn giữ được nét nguyên sơ của cộng đồng người Thái. 

Người dân Na Ngân vẫn lưu giữ được truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bảo Thái, từ ăn ở, phong tục tập quán đến tiếng nói, trang phục. Ảnh: Công Kiên

Trưởng bản Lương Văn Tiến đón khách bằng tất cả sự niềm nở và thân tình, ông nói: “Bất cứ ai vào Na Ngân bà con đều xem là khách quý. Vì ở chốn xa xôi, heo hút này chỉ có những người yêu mến và có trách nhiệm mới vào đến Na Ngân. Nếu không vì công việc, chắc chắn không có ai đặt chân đến nơi này”. Như một hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về một điểm đến lý tưởng, ông Tiến say sưa nói về Na Ngân, lời nói của ông chứa chan niềm tự hào về nơi mình đã sinh ra và lớn lên, về nơi được gọi là “ruộng tiền”. Rằng, cộng đồng người Thái Thanh di cư từ miền Tây Bắc Việt Nam về đây đã lâu lắm, có thể đã hơn 10 đời. Ngày xưa, tổ tiên men theo dòng Nậm Ngân lên thượng nguồn, nhận thấy vùng đất này màu mỡ, có mặt bằng để khai hoang ruộng nước, có đất cao để dựng nhà cửa nên quyết định dừng chân lập bản. Cái tên Na Ngân cũng ra đời từ đó, với nghĩa “ruộng bên dòng Nậm Ngân”, cũng có nghĩa là “ruộng tiền”. Bao đời nay, người Thái ở Na Ngân sinh sống bằng nghề trồng lúa nước, hơn 5ha ruộng được dòng Nậm Ngân tưới tắm nên cây lúa trĩu bông. Lên rừng có rau, măng; xuống suối có tôm, cá, nhịp sống tự túc tự cấp đến ngày nay vẫn còn được duy trì. 

Điện lưới đã về bản từ hơn một năm nay, điện về thắp sáng bản làng, mang theo những đổi thay của cuộc sống. Bà con thi nhau mua sắm ti vi để được mở rộng tầm nhìn, trình độ và nhận thức cũng bắt đầu chuyển biến theo hướng tích cực. Điểm trường tiểu học và mầm non của bản cũng vừa được xây dựng mới khang trang, hơn 100 em nhỏ ở Na Ngân không còn mối lo đi học đường xa vất vả. Tính đến thời điểm hiện nay, điểm trường là ngôi nhà xây duy nhất ở Na Ngân được xây dựng bằng chất liệu gạch và bê tông. Cũng vì đường xa, lại gập ghềnh và trắc trở nên việc vận chuyển nguyên vật liệu vô cùng gian nan, bà con Na Ngân chỉ có thể làm công trình nhà ở bằng gỗ và mái lợp bằng tôn. 

Những người phụ nữ Na Ngân. Ảnh: Hồ Phương

Hiện tại, bản có gần 150 hộ với khoảng 750 nhân khẩu, nguồn thu nhập chính vẫn là sản xuất lúa nước và chăn nuôi trâu, bò. So với các bản vùng trung tâm, đời sống ở Na Ngân còn nhiều khó khăn, bản đang có tới 99 hộ nghèo. Nguyên do cơ bản vẫn là giao thông cách trở đã hạn chế sự giao thương, khiến người dân chưa có tư duy phát triển hàng hóa, những tiến bộ về khoa học – kỹ thuật vẫn chưa được ứng dụng. Đặc biệt, những năm gần đây, cây lúa thường hay bị nhiễm bệnh khiến năng suất thấp, thậm chí bị mất mùa, bà con vẫn chưa có đủ kiến thức để chăm sóc, phòng ngừa kịp thời. 

Dạo khắp một vòng quanh bản, chúng tôi nhận thấy ở Na Ngân có rất nhiều người sống thọ. Người già ở đây hàng ngày vẫn lên rừng lấy củi về sưởi, hái rau về ăn, vẫn xuống suối xúc cá và ngồi bên khung cửi miệt mài với con thoi. Trưởng bản Tiến cho hay, Na Ngân hiện có khoảng 50 người trên tuổi 80 vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, có thể giúp đỡ con cháu việc nhà. Đặc biệt, có cụ đã hơn 100 tuổi hàng ngày vẫn nhóm lửa nấu cơm và băm rau cho đàn gà, đàn lợn. Có lẽ, cuộc sống giữa đại ngàn Pù Huống với không khí trong lành, được uống nước dòng Nậm Ngân trong mát, hòa mình với cỏ cây, rừng núi nên người Thái ở Na Ngân có sức khỏe dẻo dai, sống thọ và ít bị các loại bệnh tật.

Trẻ em bản Na Ngân, xã Nga My (Tương Dương) trên đường đến lớp. Ảnh: Hồ Phương

Vào Na Ngân, ngoài Trưởng bản Lương Văn Tiến, chúng tôi còn được gặp nhiều người khác, mỗi người một câu chuyện, để lại một ấn tượng khác nhau. Đó là Phó bản Vi Văn Nết – người được xem là giàu nhất bản. Nhà Nết hiện có 10 con trâu, lại đang thuê máy mở rộng diện tích ao cá. Vợ Nết mở quán tạp hóa bán tại nhà, gần như cả bản nhà nào cũng đến mua, thành ra gia đình Nết có khá nhiều nguồn thu nhập. Là Lương Văn Ủn – cậu thanh niên khá cao lớn và điển trai, là một tay “lái lụa” của bản. Chặng đường gập ghềnh 20 km từ bản ra xã Ủn xem rất đỗi bình thường, khi xem cậu phi xe máy lội suối mới thấy hết được tài nghệ. Thêm một điều đặc biệt, mới 27 tuổi nhưng Lương Văn Ủn được xem là người có nhiều “chức vụ” nhất bản, hiện cậu là Hội trưởng Hội phụ huynh, Kế toán bản, Ban điện lực, lại còn làm Tổ trưởng tổ vay vốn. Chúng tôi cũng gặp thầy giáo Lô Văn Bắc, người có nhiều năm gắn bó với sự học của con trẻ ở Na Ngân, được dân bản xem như người nhà... 

Thầy Lô Văn Bắc kể lại, gần 20 năm trước, khi lần đầu tiên đặt chân đến Na Ngân – một giáo viên trẻ như thầy không dấu được nỗi ái ngại. Bởi cuộc sống quá đỗi khó khăn và vất vả, phần lớn mọi người chưa biết tiếng phổ thông. Nhưng nay không còn cảnh thiếu đói, cái nghèo cũng đang được đẩy lùi, điện lưới được đưa về bản, ánh sáng văn minh đã xua tan cảnh bóng đêm bao phủ đại ngàn. Có điện, nhà nhà mua sắm ti vi để mở mang tầm nhìn, nâng cao kiến thức, từng bước thoát khỏi cảnh sống lạc hậu từ bao đời nay. Đặc biệt, Nhà nước vừa đầu tư xây dựng ngôi trường mới cho các em bậc mầm non và tiểu học đã góp phần thay đổi bộ mặt của bản làng. Được học trong ngôi trường mới, con em Na Ngân thực sự vui mừng và đến lớp đều đặn hơn, các bậc phụ huynh cũng phấn khởi tạo điều kiện cho con em được học hành, có thêm nhiều chữ nghĩa để mở mang tầm nhìn. Mong ước lớn nhất hiện nay là con đường từ Na Ngân ra trung tâm xã được Nhà nước đầu tư nâng cấp để việc đi lại được thuận tiện, đẩy mạnh sự giao thương hàng hóa, phá vỡ cung cách làm ăn tự cung tự cấp. Có đường, chắc chắn cuộc sống ở Na Ngân sẽ đổi thay, đó là khát vọng cháy bỏng nhất nơi đầu nguồn Nậm Ngân xa xôi này... 

Chia tay Na Ngân, chúng tôi lại cưỡi “ngựa chiến” xuôi dòng Nậm Ngân về phía trung tâm xã Nga My. Trưởng bản Lương Văn Tiến, Phó bản Vi Văn Nết, cậu thanh niên Lương Văn Ủn, thầy giáo Lô Văn Bắc và dân bản ra tiễn chân một đoạn xa. Mọi người ghé tai tâm sự: “Dù xa xôi, cách trở nhưng với khát vọng vươn lên, Nga Ngân chắc chắn sẽ còn đổi mới...”.

Hồ Phương - Công Khang

TIN LIÊN QUAN