Bên cạnh những bước chân hối hả của các y bác sĩ, tiếng còi xe cấp cứu khi có người bệnh được đưa tới, ánh mắt lo lắng, tiếng nấc nghẹn của những gia đình có người thân đang cấp cứu... chỉ có duy nhất một cây đào được bày ngay ngắn bên cạnh quầy tiếp dân để biết Tết đang hiện hữu.
Đau lòng đón năm mới trong phòng cấp cứu
Mắt đỏ hoe đứng trước cửa phòng mổ cấp cứu Khoa nội của Bệnh viện Việt Đức là chị Đỗ Thị Minh Hòa (34 tuổi, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng). Trên bàn mổ trong phòng là chồng chị, anh Trần Đăng Quang.
Sáng mùng 1 Tết, anh Quang cùng các anh em họ ăn bữa cơm đầu năm. Sau khi uống vài chén rượu, hai vợ chồng lên xe đi tới nhà ngoại chúc Tết. Mặc lời khuyên can của vợ, người đàn ông 36 tuổi nhất quyết muốn tự mình đi xe máy.
Vừa đèo 2 con, vừa phải đuổi theo xe của chồng, chị Hòa lặng người khi nhìn thấy chồng đâm thẳng vào một chiếc taxi trên đường Trương Định.
Bác sĩ thông báo nạn nhân bị vỡ thận, gan, tụy, ruột non bị dập nát toàn bộ phải mổ cắt. Vừa khóc rấm rứt, vừa dựa người vào chị gái, chị Hòa phóng ánh mắt trách cứ tới những người họ hàng đã liên tục ép chồng mình "uống thêm chén nữa" vào sáng nay trong mâm cơm cúng đầu năm. Những người đàn ông vẫn còn phảng phất hơi rượu và thuốc lá, cúi gằm mặt. Tất cả đều hy vọng em trai mình còn giữ được mạng sống khi ra khỏi cánh cửa lạnh lẽo kia.
Không may mắn như gia đình chị Hòa vì dù chồng tai nạn nhưng bác sĩ vẫn có thể cứu chữa, bà Trần Thị Minh (53 tuổi, thị trấn Bần, Hưng Yên) khóc ngất tại cửa phòng Hồi sức cấp cứu khi được các bác sĩ khuyên đưa con về nhà vì tình trạng đã quá nặng.
Duy, 17 tuổi, con trai út của bà, sau bữa ăn tất niên cùng bạn bè, trên đường đi hát karaoke, đã tự đâm vào dải phân cách trên đường. Tai nạn khiến nam thanh niên chấn thương sọ não. Khi được đưa đi cấp cứu, Duy vẫn nồng nặc mùi rượu.
Sau khi sinh được 3 người con gái, đến tuổi 36 bà Minh sinh được Duy. Không muốn tin lời nói của các y bác sĩ, mẹ của bệnh nhân vẫn nức nở van xin những người công tác trong ngành y cố cứu chữa cho con mình.
Lúc đó, đám bạn tầm 17-18 tuổi của chàng trai đang nằm hôn mê người đứng, người ngồi, có đứa mắt còn đỏ ngầu, chưa tỉnh sau bữa rượu đêm 30 Tết.
Ngày đầu tiên của năm Mậu Tuất chưa kịp kết thúc, niềm vui háo hức hy vọng vào năm mới của bà Minh chưa kịp bắt đầu đã vội kết thúc theo những chén rượu của cậu con trai.
Y, bác sĩ làm việc xuyên Tết
Những ngày đầu và cuối năm, khi mọi người được hưởng kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm, quây quần sum họp cùng gia đình thì anh Nguyễn Hoàng Tú (sinh năm 1983, trú tại Tân Ấp, Ba Đình) lại bước vào giai đoạn làm việc cao điểm.
Anh Tú đã có 5 năm làm việc trong kíp vận chuyển của khoa Cấp cứu bệnh viện Việt Đức, với công việc chính là lái xe cứu thương, vận chuyển bệnh nhân cấp cứu, trực tiếp tham gia ứng cứu, hỗ trợ bác sĩ điều dưỡng trong trường hợp khẩn cấp. Đối với mọi người, việc đón Tết cùng người thân là bình thường thì mâm cơm đêm giáo thừa, hay bữa ăn đầu năm cúng gia tiên lại là điều xa xỉ với những người làm việc trong bệnh viện vì số lượng người tai nạn phải cấp cứu trong những ngày này luôn cao hơn hẳn so với ngày thường.
Ngày thường, số lượng cấp cứu khoảng 100, nhưng hôm 28 Tết là 150 người, ngày 29 gần hơn 500 ca, 30 Tết có khoảng 450 ca
Số liệu tại Bệnh viện Việt Đức
"Không chỉ riêng tôi mà các bác sĩ, điều dưỡng, hậu cần, đường dây nóng... của viện Việt Đức đều trực 24/24h, sẵn sàng đón tiếp người bệnh như ngày thường", anh Tú cho hay năm nay, ca trực của anh liên tục từ chiều 30 đến hết sáng mùng 1.
Có cùng chia sẻ như người tài xế xe cứu thương, bác sĩ Bùi Trung Nghĩa (phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức) cho biết số ca cấp cứu vì tai nạn giao thông trong những ngày nghỉ Tết tăng đột biến khiến máy thở không còn đủ để phục vụ người bệnh. Phòng mổ cấp cứu những ngày này phải mổ trung bình từ 30-40 ca.
"Ngoài 7 bàn mổ cố định, chúng tôi tổ chức thêm bàn mổ thay phiên để đáp ứng việc cấp cứu điều trị bệnh nhân. Bệnh viện cũng kết nối với các viện lớn khác trong thành phố như Bệnh viện E, Saint Paul, Thanh Nhàn để trong trường hợp khẩn cấp có thể chuyển bớt bệnh nhân sang", bác sĩ Nghĩa cho biết từ ngày 28 Tết, Bệnh viện Việt Đức đã huy động tối đa nhân lực trực cấp cứu, bảo đảm không bệnh nhân nào thiếu trang thiết bị trong những ngày đầu năm mới.
Cũng làm việc xuyên Tết, bác sĩ Lê Hồng Nhân, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, lại chia sẻ về những trường hợp bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia khi lái xe ngày khi năm mới Mậu Tuất vừa trải qua được vài tiếng đồng hồ.
Ngày thường, số lượng cấp cứu khoảng 100, nhưng hôm 28 Tết là 150 người, ngày 29 gần hơn 500 ca, hôm qua (30 Tết) có khoảng 450 ca. Phần lớn tới đây do tai nạn giao thông, chủ yếu chấn thương sọ não. Những người bị giữ lại đều rất nặng.
Bác sĩ Nhân vừa thở dài, vừa kể về trường hợp một bệnh nhân vào viện cấp cứu trong tình trạng tim bị tổn thương nặng. Lý do người này uống rượu say, bạn bè khích bác nên đã dùng dao đâm thẳng vào tim mình.
"Chúng tôi phải thêm phòng mổ, thêm bác sĩ. Riêng 30 Tết có gần 400 người trực. Ai cũng căng hết cả mình ra để trực ngày trực đêm", bác sĩ Nhân nói.
Bác sĩ Trần Đình Giang, Giám đốc bệnh viện Việt Đức, thông báo đến hết sáng mùng 1 Tết, nơi đây đã tiếp nhận gần 130 ca cấp cứu. Trong số đó, khoảng 60 trường hợp tai nạn giao thông, với 80% trong số đó chấn thương sọ não. 12 trường hợp tiên lượng không thể cứu chữa, gia đình đã xin về.