(Baonghean) - Năm 2010, Nam Đàn vinh dự là một trong 5 huyện của cả nước được Trung ương chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Ngay từ khi bắt đầu triển khai, lãnh đạo huyện xác định, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, phải làm thế nào để phát huy nội lực trong các tầng lớp nhân dân, nhất là vận động nhân dân hiến đất, góp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng.



Năm 2011, ở Nam Đàn, việc hiến đất, góp tiền xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào khá rộng khắp. Toàn huyện có 14/23 xã thực hiện vận động nhân dân hiến đất với 940 hộ tham gia hiến 48.997m2 đất. Điển hình có xã Hùng Tiến với 433 hộ, hiến 19.800m2; Kim Liên với 93 hộ hiến 8.216m2; Hồng Long với 121 hộ hiến 6.100m2; Xuân Lâm với 60 hộ hiến 4.800m2; Nam Thanh với 61 hộ hiến 3.050m2; Nam Thái với 64 hộ hiến 2.833,48m2; Nam Giang với 25 hộ hiến 1.540m2; Nam Kim với 24 hộ hiến 1.162m2.



Điển hình như gia đình ông Trần Quang Hoá ở Nam Nghĩa hiến 285m2đất vườn và toàn bộ bờ rào, gia đình ông Trần Văn Thắng ở Nam Thái hiến 1.612m2, gia đình ông Nguyễn Sinh Quế ở Kim Liên hiến 500m2 đất ruộng với trị giá hàng trăm triệu đồng. Cùng với việc hiến đất, Nam Đàn còn quan tâm vận động nhân dân đóng góp được hơn 30 tỷ đồng để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, nhà văn hoá xóm và trường học. Điển hình như xã Nam Anh vận động được hơn 2,1 tỷ đồng, Kim Liên và Nam Thanh hơn 1,8 tỷ đồng, Nam Hưng là xã miền núi khó khăn nhưng đã vận động được hơn 1 tỷ đồng,... Toàn huyện đã cứng hoá được hơn 70 km đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng; kiên cố hoá 19,4 km kênh mương; xây mới 7 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 2 trường THCS; nâng cấp 7 trường mầm non, 10 trường tiểu học và 5 trường THCS; xây mới 2 trạm y tế, 2 nhà văn hoá xã, 12 nhà văn hoá xóm, khối, nâng tổng số xóm khối có nhà văn hoá lên 327/330 xóm, khối và nhiều công trình phúc lợi khác.



Để có được niềm tin, sự chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới của người dân, một trong những yếu tố không thể thiếu là thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở gắn với xây dựng mô hình "Dân vận khéo" trong vận động nhân dân hiến đất, góp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng. Trước hết, cấp uỷ và chính quyền huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, các phương tiện thông tin đại chúng, năm 2011. Ban chỉ đạo phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức thi tìm hiểu Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới với 2 hình thức thi viết và sân khấu hóa và được tiếp âm trực tiếp trên hệ thống truyền thanh.



Cùng với công tác tuyên truyền, đối với việc vận động nhân dân hiến đất phải thực hiện dân chủ rộng rãi, thực chất trong tất cả các khâu như: Thông báo chủ trương đầu tư, kế hoạch, dự án xây dựng, những vấn đề người dân được hưởng lợi sau khi công trình được hoàn thành; thành lập ban vận động cấp xã, xóm; tổ chức hội nghị dân chủ tại xã để quán triệt nội dung dự án và triển khai kế hoạch vận động nhân dân. Vận động cán bộ, đảng viên trước, quần chúng nhân dân sau với phương châm "Kiên trì, không nản chí và không bỏ cuộc".

Trần Thị Hiên