(Baonghean) - Nhiều năm qua, huyện Nam Đàn là cái nôi đào tạo nhiều đô vật giỏi, vận động viên vật xuất sắc cho thể thao Nghệ An. Mặc dù gặp không ít khó khăn, song được sự quan tâm của ngành thể thao, môn vật ở Nam Đàn đang từng bước được khôi phục theo hướng vừa bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể, vừa phát triển thể thao theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Những ngày này là khoảng thời gian mà nhiều xã của huyện Nam Đàn đang chuẩn bị cho hội vật sẽ diễn ra vào đầu xuân Ất Mùi. Theo giới thiệu của lãnh đạo xã Vân Diên – một địa phương được coi là cái nôi của môn vật ở Nam Đàn, chúng tôi đến gặp cụ Phan Văn Quang, 72 tuổi, người từng là một đô vật nổi tiếng và có “thâm niên” 20 năm làm trọng tài cho các hội vật. Cụ cho biết: “Hội vật của xã Vân Diên có từ thời Vua Mai Hắc Đế và được nhân dân gìn giữ cho đến ngày nay. Đầu Xuân (từ ngày 2 - 6 tháng Giêng), hàng ngàn người lại nô nức kéo nhau về xã Vân Diên để xem các đô vật so tài cao thấp. Hội vật truyền thống của xã Vân Diên có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân nơi đây”.
Không chỉ Vân Diên mà ở một số địa phương khác của Nam Đàn, thông qua các hội vật đầu Xuân, phong trào tập luyện môn vật khá phát triển. Ông Trần Hữu Giáp - Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Nam Đàn, cho biết: Từ năm 1997, sau khi huyện Nam Đàn khôi phục lại Lễ hội Vua Mai, ngoài phần lễ, phần hội không thể thiếu môn vật cổ truyền. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để phong trào tập luyện môn vật cũng như các hội vật phát triển. Ngoài xã Vân Diên, một số địa phương trên địa bàn huyện cũng thường xuyên tổ chức hội vật vào dịp đầu Xuân như Nam Nghĩa, Nam Thanh, Nam Xuân... và được xã hội hóa mạnh mẽ. Giá trị giải thưởng ở mỗi hội vật tùy thuộc vào sự tài trợ, ủng hộ của du khách đến dự hội.
Điểm hấp dẫn nhất trong môn vật cổ truyền là những miếng đánh từ ngàn xưa của cha ông truyền lại vẫn được các đô vật của huyện Nam Đàn gìn giữ và phát huy trong các trận đấu. Với ý nghĩa đề cao tinh thần thượng võ, hội vật truyền thống đầu Xuân đã tồn tại hàng trăm năm nay, trở thành một nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo không thể thiếu trong các ngày lễ, tết, các kỳ hội làng trên địa bàn Nam Đàn. Cho đến tận bây giờ, Hội vật đầu Xuân ở Nam Đàn vẫn giữ được nét bản sắc riêng, là dịp để các xã tuyển chọn đô vật tham gia tại Lễ hội Đền Vua Mai được tổ chức vào Rằm tháng Giêng hàng năm.
Xác định vật là môn thể thao thế mạnh của địa phương nên huyện Nam Đàn và ngành thể thao tỉnh đã quan tâm giúp đỡ để giải vật của tỉnh được tổ chức đều đặn hằng năm tại Nam Đàn. Qua các giải phong trào, Nam Đàn đã đóng góp nhiều VĐV năng khiếu trẻ để xây dựng đội tuyển của tỉnh với nhiều VĐV khoác áo đội tuyển của tỉnh đã thi đấu khá xuất sắc và giành được nhiều huy chương ở các giải vật trẻ toàn quốc như Nguyễn Văn Báo, Bùi Văn Nam… Năm 2012, Nam Đàn được lựa chọn để tổ chức Giải đấu vật tự do toàn quốc, thu hút sự tham gia của 12 tỉnh, thành, ngành với hơn 100 vận động viên. Trong các kỳ Đại hội TDTT gần đây, các VĐV Nam Đàn luôn chứng tỏ sự vượt trội. Tại Đại hội TDTT lần thứ VII năm 2014, trong số 9 nội dung của môn vật tự do, đoàn Nam Đàn giành đến 5 HCV và 4 HCĐ, trong đó có một số VĐV thi đấu đặc biệt xuất sắc như Nguyễn Văn Tùng (Nam Anh), Nguyễn Trọng Công (Vân Diên)…
Tuy nhiên, việc phát triển môn vật ở Nam Đàn, đặc biệt là hướng bộ môn này thành môn thể thao thành tích cao còn gặp nhiều khó khăn. Để một vận động viên có thể thi đấu chuyên nghiệp cần được phát hiện sớm, đào tạo bài bản trong thời gian dài, tuy nhiên, ở Nam Đàn trước các giải đấu của tỉnh Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện mới về các địa phương tuyển chọn vận động viên chuẩn bị thi đấu. Việc làm theo kiểu “ăn đong” chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt, còn về lâu dài sẽ không có vận động viên hoặc sẽ không thể giành giải cao. Bên cạnh đó, công tác tuyển chọn, huấn luyện cũng gặp nhiều khó khăn.
Trước năm 2012, trên địa bàn huyện có 3 lớp huấn luyện môn vật, trong đó có 2 lớp năng khiếu nghiệp dư mở từ kinh phí của tỉnh, 1 lớp do huyện tổ chức. 3 năm trở lại đây, khó khăn về kinh phí nên các lớp trên không còn được duy trì, do đó việc tuyển chọn VĐV vẫn chủ yếu thông qua các hội vật và qua các giáo viên dạy thể dục ở các trường THCS, THPT. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, dụng cụ phục vụ luyện tập môn vật ở Nam Đàn còn thiếu trầm trọng. Trước mỗi giải đấu của tỉnh, các VĐV của huyện đều phải tập luyện trên tấm bạt trải trên một lớp rơm. Ngoài ra, huyện cũng chưa có chính sách đãi ngộ đối với cộng tác viên, những người có nhiều kinh nghiệm trong thi đấu, để thu hút họ tham gia tổ chức lớp và truyền dạy cho thế hệ trẻ…
Để môn vật truyền thống phát triển xứng tầm, tiến tới chuyên nghiệp, tạo thành “thương hiệu” cho thể thao Nam Đàn, rất cần sự đầu tư, hỗ trợ cả về cơ sở vật chất lẫn kỹ, chiến thuật. Ông Trần Hữu Giáp cho biết, được sự đồng ý của UBND huyện, sắp tới, Trung tâm VH-TT sẽ tổ chức lại lớp huấn luyện vật dành cho đối tượng thanh, thiếu niên, từ đó thúc đẩy phong trào, nâng cao chất lượng môn vật trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa đối với môn vật nói riêng và các môn thể thao nói chung để vừa tăng cường cơ sở vật chất, vừa thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, đưa phong trào phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Minh Quân