Ông Lê Hải Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An cho biết: Phần lớn lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp là lao động phổ thông, từng làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử… Trong bối cảnh phải chịu áp lực chi phí sản xuất do giá xăng dầu biến động, thiếu đơn hàng do tình hình châu Âu bất ổn..., các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, dẫn đến nhiều lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Lao động làm thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Đáng chú ý, trong số này, lao động làm việc ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 10.910 người, tăng 37,9% so với năm 2022 (7.910 người). Điều đó cho thấy các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Trong năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Nghệ An làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng cho 22.499 người, với tổng số tiền là hơn 403 tỷ 890 triệu đồng. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là gần 3,3 triệu đồng/tháng; số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là 5,15 tháng.

Ông Lê Hải Dương cũng cho biết thêm, phần lớn lao động sau khi nghỉ việc, mất việc đều muốn quay lại thị trường sớm hơn thay vì nhận quyết định hỗ trợ học nghề theo Quyết định 17/2021/QĐ-TTg “Quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp”. Trong năm 2023, chỉ có 78 lao động có quyết định nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An nhận quyết định hỗ trợ học nghề./.