(Baonghean) - LTS: Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2015 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế” vừa được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội tuần qua, lần thứ ba liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ đã tham dự, đối thoại trực tiếp với cộng đồng DN trong và ngoài nước. Nhắc lại cam kết với cộng đồng DN, Thủ tướng khẳng định: Việt Nam quyết tâm đạt được các mục tiêu cụ thể để đến cuối năm nay, môi trường kinh doanh (MTKD) của Việt Nam sẽ ngang bằng với các nước ASEAN-6 và đến hết năm 2016 nhiều mặt sẽ đạt mức trung bình của ASEAN-4. Vấn đề đặt ra là cần phải làm gì, làm như thế nào để biến cam kết chính phủ thành hiện thực?
Chủ động hội nhập ở tầm cao mới
Là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các DN trong nước và quốc tế, VBF có mục tiêu nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối DN tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. Trải qua gần hai thập kỷ, VBF đã trở thành hoạt động thường niên và được coi là kênh đối thoại đem lại hiệu quả giữa Chính phủ và cộng đồng DN, luôn đồng hành với quá trình đổi mới thể chế và quản lý kinh tế của đất nước. Chính sự đổi mới này đã cùng sự tự điều chỉnh vươn lên của DN, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của DN đã từng bước được nâng cao, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng trở nên có hiệu quả hơn.
Phát biểu khai mạc VBF 2015, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng DN, đến nay Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy vậy, nền kinh tế của Việt Nam vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Để nền kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc, năng động và hiệu quả hơn, bên cạnh sự nỗ lực của mình, Việt Nam rất cần sự chung tay góp sức, sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và cộng đồng DN trong nước và quốc tế.
Chương trình nghị sự của VBF giữa kỳ 2015 lần này, vấn đề trọng tâm được các đại biểu quan tâm nhất chính là quá trình chủ động hội nhập quốc tế ở tầm cao mới, với triển vọng hoàn tất 14 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong thời gian ngắn tới đây, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20. Đồng thời, Chính phủ vẫn đang nỗ lực, quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng… là nền tảng cơ bản để Việt Nam hội nhập quốc tế ở tầm cao mới, mở ra không gian hợp tác phát triển rộng lớn trong tương lai.
Không có chuyện truy thu thuế
Theo Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam Sherry Boger, việc người dân và DN được đối thoại bằng nhiều hình thức với Nhà nước, cán bộ, công chức là để chủ trương, chính sách, pháp luật sát với thực tiễn hơn, gần gũi người dân trong xã hội hơn. Chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN không thể chỉ đơn thuần bằng ý chí hay quyết tâm, mà phải bằng việc sửa đổi từng chính sách, từng quy định cụ thể. Tại diễn đàn lần này, cộng đồng DN một lần nữa đã nhận được những cam kết cụ thể từ người đứng đầu Chính phủ và các bộ trưởng - các “tư lệnh ngành” trong hàng loạt vấn đề mà DN quan tâm. Điển hình như giải đáp những vấn đề DN quan tâm về thông tư nhập khẩu máy móc cũ, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân khẳng định: Dự thảo thông tư mới nhất về vấn đề này chắc chắn sẽ giải quyết được các vấn đề quan ngại của các nhà đầu tư.
Theo đó, nếu Dự án FDI đã được phê duyệt thì việc nhập khẩu máy móc phục vụ dự án sẽ không cần bước thẩm định nữa. Còn sau đó, nếu nhập các máy móc nằm ngoài dự án thì nhà đầu tư được lựa chọn chỉ cần đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí: hoặc là máy có tuổi thọ dưới 10 năm hoặc máy có chất lượng bằng ít nhất 70% so với ban đầu. Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: Nếu nhà đầu tư cam kết bảo đảm chất lượng máy móc cũ thì sẽ cho thông quan ngay, lắp đặt xong mới giám định. Chỉ khi không đúng như cam kết thì nhà đầu tư phải chịu mọi phí tổn. Mặt khác, với từng lĩnh vực chuyên ngành thì các bộ, ngành có thể đưa ra các quy định đặc thù chứ không cứng nhắc áp một tiêu chuẩn cho mọi loại máy móc.
Trước lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về việc phải thực hiện 2 thủ tục riêng biệt là chứng nhận đầu tư và đăng ký DN, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định: Theo quy định của Việt Nam, khi đầu tư vào Việt Nam thì ít nhất phải có dự án đầu tư mới được thành lập DN, và đây là thông lệ nhiều nước trên thế giới đều áp dụng. Để khắc phục tình trạng chờ đợi lâu thì dự thảo Nghị định mới của Chính phủ về vấn đề này sẽ rút ngắn thời hạn cấp giấy chứng nhận đầu tư, từ 45 ngày như trước đây xuống còn 15 ngày, và trong vòng 2 ngày sau thì sẽ phải làm xong thủ tục đăng ký DN cho nhà đầu tư. Trong lĩnh vực tài chính, bên cạnh các giải đáp về các vấn đề quản lý tài chính, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định rõ với các nhà đầu tư rằng không có chuyện truy thu thuế với các mặt hàng trước kia được miễn thuế nay phải chịu thuế do thay đổi biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi... và ngành Tài chính sẽ làm hết sức mình để góp phần tạo dựng MTKD thông thoáng hơn, hiệu quả hơn.
Cần quyết tâm chính trị, sự nỗ lực đồng bộ
Với các kiến nghị của cộng đồng DN tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ KH&ĐT tổng hợp và yêu cầu các bộ trưởng - các tư lệnh ngành tùy theo lĩnh vực quản lý của mình để có những xử lý, giải quyết cụ thể. Thủ tướng nhấn mạnh: Từ Quốc hội, Chính phủ tới các bộ, ngành đều hành động đồng thuận để có MTKD tốt hơn, thuận lợi hơn cũng như để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, của sản phẩm, của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ Việt Nam quyết tâm đạt được các mục tiêu cụ thể để đến cuối năm nay, MTKD của Việt Nam sẽ ngang bằng với các nước ASEAN-6 và đến hết 2016 nhiều mặt sẽ đạt mức trung bình của 4 nước tốt nhất ASEAN - Thủ tướng cam kết.
Thủ tướng cho biết: Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực phát huy những kết quả đạt được; ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém; tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế thành công. Để phát triển nhanh, bền vững, Việt Nam cần tập trung quản lý, điều hành bảo đảm tăng cường tính ổn định của kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát không quá 5% không chỉ cho năm 2015 mà còn cho những năm sau.
Bên cạnh đó, công tác điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tín hiệu thị trường, tăng dự trữ ngoại tệ, bảo đảm ít nhất 12 tuần nhập khẩu; bảo đảm bội chi năm 2015 là 5% và 5 năm tới (2016 - 2020) sẽ thấp hơn mức 5%. Cùng với đó là bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn, gắn với tái cơ cấu đầu tư công, bảo đảm hiệu quả của đầu tư công cũng như bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu bình quân mỗi năm khoảng 10 - 15%; nhập siêu không quá 5%. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện cho cộng đồng DN trong và ngoài nước có thêm thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đạt được tăng trưởng kinh tế ở cả 3 khu vực là nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.
Cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng cường khả năng cạnh tranh của DN trong hội nhập quốc tế là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài. Cùng với nỗ lực của mình, Chính phủ Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay, hợp tác hiệu quả của các quốc gia, các đối tác phát triển, của cả cộng đồng DN vì lợi ích và sự phát triển chung. Hiện tại, Việt Nam đang tiếp tục tập trung mạnh vào thực hiện 3 đột phá chiến lược, đó là: Cải cách thể chế, huy động các nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng các nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, quá trình tái cơ cấu kinh tế đã đặt mục tiêu phải đạt bằng được mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó thực hiện quyết liệt tái cơ cấu đầu tư công để đạt hiệu quả cao hơn. Chính vì vậy, việc chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế sẽ tạo không gian phát triển rộng lớn hơn cho DN, người dân Việt Nam cũng như các nhà đầu tư, DN nước ngoài tại Việt Nam.
Sông Hồng
Đại diện cho cộng đồng DN tại Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết: Lần đầu tiên trong nhiều năm, năm 2015 đã có hơn 70% DN cho biết họ hài lòng với công tác CCHC của ngành Thuế. Đó là một tiến bộ vượt bậc, cho thấy nếu thực hiện quyết liệt các mục tiêu của Nghị quyết 19 có thể mở ra triển vọng đột phá bất ngờ ở nhiều lĩnh vực trong một thời gian ngắn. Vấn đề là cần có quyết tâm chính trị và sự nỗ lực đồng bộ của tất cả các bộ, ngành, từ tư duy, quan điểm đến hành động - Chủ tịch Vũ Tiến Lộc nói. |