(Baonghean.vn) - Ba nước láng giềng Bắc Mỹ là Mỹ, Mexico và Canada đang có vòng đàm phán thứ 2 để xem xét lại các điều khoản của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tuy vậy, thành công của đàm phán bị chi phối nhiều bởi các yếu tố chính trị hơn là thực tế trên bàn làm việc.

Lộ trình gấp rút

"NAFTA 2.0" đang được gấp rút đàm phán để có thể sửa đổi vào cuối năm nay, hoặc ít nhất đầu năm 2018, nhằm tránh vướng vào những rắc rối chính trị có thể xuất phát từ cuộc bầu cử tổng thống tại Mexico cũng như bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào năm sau. Đây được cho là kế hoạch đầy tham vọng đối với việc đàm phán một hiệp định mang tầm khu vực.

1504424333448.jpgViệc đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sẽ kiếm chứng lại quan hệ của 3 nước láng giềng: Mỹ, Canada và Mexico (The Economist).

Còn rất nhiều việc phải làm trong 4 tháng cuối năm khi ba quốc gia chưa tìm thấy điểm chung trong lập trường và mục tiêu cứng rắn. Giờ đây là lúc tìm kiếm thỏa hiệp về lợi ích. Với Mỹ, việc ‘làm lại’ NAFTA có vẻ là ưu tiên chính sách thương mại số một trong năm nay. Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt nhiều kỳ vọng với các vòng đàm phán lại NAFTA.

Nó được xem là "phép thử" đánh giá những cam kết và chính sách mà ông Trump theo đuổi từ trước khi nhậm chức, trong đó có việc tái định hình quan hệ thương mại với các nước theo hướng bảo hộ, tăng thêm các rào cản thương mại nhằm thực hiện mục tiêu "Nước Mỹ trên hết". 

NAFTA trở thành mục tiêu chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump (MacLean.ca).

Phía bên kia, kết quả đàm phán NAFTA cũng là lợi ích cốt lõi với hai nước láng giềng của Mỹ. NAFTA 2.0 sẽ phải tiếp tục bảo vệ nền kinh tế và thị trường việc làm của Canada và Mexico. Đồng thời, quyết định vị thế của 2 nước này trước đối tác khổng lồ và cũng là láng giềng quan trọng Mỹ.

Ở khía cạnh chính trị và chiến lược, cuộc đàm phán lại NAFTA còn được coi là "thước đo" về bản chất mối quan hệ giữa 3 quốc gia láng giềng Bắc Mỹ, vốn vẫn được xem là khá "xuôi chèo, mát mái" dưới thời các chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Trump.

Ai thắng, ai thiệt

Ngay trước phiên họp thứ hai này, 2 nước láng giềng của Mỹ bỗng hoang mang trước lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump ngày 28/8 rằng Mỹ sẽ sớm khởi động tiến trình rút khỏi NAFTA, đồng thời nhấn mạnh Mexico sẽ phải thanh toán chi phí xây dựng bức tường trên lãnh thổ của Mỹ dọc biên giới với Mexico.

Theo ông Trump, Mexico hiện đang gặp khó trong các cuộc đàm phán về việc điều chỉnh lại NAFTA - một trong những thỏa thuận thương mại "tồi tệ nhất" được ký kết cho đến nay. Theo ông, cần phải khởi động tiến trình dỡ bỏ thỏa thuận này trước khi có thể đạt được một thỏa thuận công bằng.

Đây không phải là lần đầu ông Trump nói tới chuyện rút lui khỏi NAFTA, nhưng sự việc lần này chẳng khác nào lời đe dọa thực sự nếu hai nước láng giềng không chịu ‘nhún nhường’ trước yêu sách của Mỹ. Mexico cũng không mất nhiều thời gian để ‘phản pháo’. Ngoại trưởng nước này Luis Videgaray tuyên bố sẽ rời khỏi bàn đàm phán nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump kích hoạt điều khoản rút khỏi NAFTA.

Nhưng việc Mỹ rút ra khỏi NAFTA chắc chắn không chỉ phụ thuộc vào ý chí của Tổng thống Trump. Ông Trump sẽ phải lấy ý kiến của Quốc hội nếu muốn đưa nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận 3 bên này. Điều này rõ ràng không hề dễ dàng với một Quốc hội đang bất hợp tác với Nhà Trắng suốt từ đầu nhiệm kỳ tới nay.

Đại diện 3 nước tại bàn đàm phán (San Diego Union Tribune)

Đó là chưa kể việc rút khỏi NAFTA sẽ gây thiệt hại đáng kể với nền kinh tế Mỹ. Theo đánh giá của hãng xếp hạng tín nhiệm tín dụng Fitch Ratings, trong trường hợp quá trình đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đổ vỡ, Mexico không phải là quốc gia duy nhất bị ảnh hưởng, mà cả 2 nước còn lại là Canada và Mỹ, trong đó có tới 15 bang của Mỹ, sẽ chịu thiệt hại nặng.

Fitch cho rằng, trong quan hệ thương mại với Mexico, những bang của Mỹ như New Mexico, Texas hay Arizona sẽ chịu tổn thất lớn nhất do xuất khẩu sang Mexico chiếm tỉ trọng lớn tương ứng 43%, 40% và 38% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của các bang này.

Trong khi đó, South Dakota, Nebraska, Iowa, Kansas và Missouri đều có tỷ lệ xuất khẩu sang Mexico dao động từ 15-25%. Bên cạnh đó, 11 bang của Mỹ, như Maine, Montana, Michigan, Vermont, Ohio, Missouri, South Dakota, North Dakota và Indiana, lại phụ thuộc nhiều vào quan hệ thương mại với Canada, với hơn 30% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Về phía Mexico, nước này cần cân nhắc vị thế của mình để có một kết quả hợp lý. Trên thực tế, NAFTA có hiệu lực từ năm 1994 đã khiến Mexico ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung lương thực từ Mỹ cũng như mức giá cao đối với người tiêu dùng. Hiện Mexico phải nhập khẩu tới 45% nhu cầu lương thực. Điều này đã đặt Mexico vào tình thế phụ thuộc nguồn cung, nhất là đối với nhập khẩu từ Mỹ, nhà cung cấp tới 50% tổng lượng nhập khẩu.

Nếu tiếp tục xu hướng này thì 80% nhập khẩu lương thực của Mexico vào năm 2030 sẽ đến từ Mỹ. Các mặt hàng lương thực Mexico nhập chủ yếu từ Mỹ gồm ngô, thịt lợn, lúa mỳ, sữa bột và thịt gà. Do được trợ cấp nên giá lương thực của Mỹ xuất sang Mexico có giá thấp hơn chi phí sản xuất trong nước của Mexico và điều này là không công bằng trong thương mại. Và việc đàm phán lại NAFTA sẽ tiếp tục đe dọa đến các vùng nông thôn của Mexico vì hiệp định này sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn cho các công ty đa quốc gia chứ không phải đối với các nhà sản xuất vừa và nhỏ ở Mexico.

Thực tế này cho thấy bản chất của NAFTA sau 23 năm tồn tại là sự phụ thuộc quá lớn về kinh tế của ba đối tác Bắc Mỹ này. Không ai được hưởng lợi hoàn toàn, và không ai ‘đánh mất tất cả’. Lựa chọn giải pháp nào cho NAFTA 2.0 cũng cần cân nhắc trên các lợi ích có đi có lại. Thỏa thuận vì thế sẽ không thể đạt được với những sức ép chính trị đầy tình dân túy./.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN