Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra yêu sách "tối hậu thư" cho các đồng minh châu Âu, đó là các nước này phải thay đổi chính sách quốc phòng nhằm đảm bảo rằng châu Âu vẫn gắn kết chặt chẽ với các nhà sản xuất quốc phòng Mỹ trong lĩnh vực chế tạo vũ khí mới.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích quốc phòng Lajos Szaszdi Leon-Borja, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) xúc tiến mục tiêu thành lập quân đội chung, bắt đầu bằng việc tự phát triển hệ thống vũ khí độc lập với Mỹ, Washington dường như lo ngại về viễn cảnh nước này mất đi vai trò quan trọng trong NATO.
Chuyên gia này nói: "Sự độc lập này dường như khiến Mỹ lo ngại, bởi điều này sẽ khiến Washington giảm khả năng gây tầm ảnh hưởng lên các quyết định chiến lược quan trọng cũng như việc triển khai lực lượng trong khuôn khổ NATO - liên minh quân sự mà Mỹ chi phối, nếu các đồng minh châu Âu được trang bị vũ khí và theo đuổi học thuyết tách biệt với các đòi hỏi quân sự của Mỹ".
Ông Leon-Borja nhấn mạnh, tối hậu thư của Mỹ tương đương với hành động hăm dọa nhằm gây hốt hoảng cho các đồng minh ở châu Âu.
Trong khi đó, chuyên gia Tiberio Graziani - Chủ tịch Vision & Global Trends, Viện Phân tích Toàn cầu, nhận xét những lời hăm dọa và tối hậu thư kiểu này chứng tỏ Mỹ đối xử với các đồng minh châu Âu như "những chư hầu thực sự", trong khi ngăn cản họ hợp tác với Nga và Trung Quốc.
Ông Graziani chia sẻ: "Về cơ bản, Tổng thống (Donald) Trump không tin các đồng minh châu Âu. Từ quan điểm của ông ấy, các nước châu Âu là gánh nặng và là đối tác tiềm năng của Trung Quốc và Nga. Vì lý lẽ đó, chính sách của Mỹ là làm suy yếu hơn nữa các nước châu Âu cũng như chia rẽ họ bằng cách cản trở mọi cơ hội hợp tác ngay bên trong châu Âu".
Chuyên gia Leon-Borja nhận định, Mỹ cũng lo sợ châu Âu có thể trở thành đối thủ nặng ký trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. Theo chuyên gia này, bất chấp mối quan hệ mật thiết với Mỹ trong lịch sử, hiện EU ngày càng phản đối mối đe dọa và tối hậu thư của Washington./.