(Baonghean) - Một số quan chức quốc phòng Mỹ vừa xác nhận, Mỹ đã bắt đầu gửi vũ khí và các trang thiết bị quân sự cho lực lượng người Kurd tại Syria. Đây được coi là quyết định bước ngoặt của Mỹ sau thời gian dài cân nhắc.

Động thái này nhằm giúp lực lượng người Kurd đánh bật tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi thành trì Raqqa. Nhưng quyết định này cũng có nguy cơ khoét sâu bất đồng giữa Mỹ với đối tác chiến lược tại khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ.

resize_images1916379_my_vu_trang_nguoi_kurd_1___afp.jpgLực lượng bảo vệ nhân dân người Kurd xuất hiện cùng một chiếc xe bọc thép của Mỹ tại làng Darbasiyah phía Bắc Syria. Ảnh: AFP

Quyết tâm chiếm “thủ đô” của IS

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Adrian Rankine-Galloway, lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria đã nhận được các vũ khí, đạn dược, súng máy hạng nặng và các phương tiện chiến đấu khác từ hôm 30/5.

Việc chuyển vũ khí được thực hiện với sự cho phép của Tổng thống Donald Trump theo một kế hoạch đã được đưa ra từ hồi đầu tháng 5. Phía Mỹ xác nhận đây là bước đi đầu tiên để chuẩn bị cho mục tiêu giải phóng hoàn toàn Raqqa - thành phố mà IS từng tuyên bố là “thủ đô” của mình.

Ngay sau khi nhận được vũ khí, YPG đã lên tiếng gọi đây là quyết định “lịch sử” dù có hơi chậm trễ, đồng thời cam kết sẽ đóng vai trò tích cực hơn, hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống IS.

Việc vũ trang cho lực lượng YPG tại Syria thực ra nằm trong tính toán từ lâu của Mỹ nhằm tăng cường cuộc chiến chống IS. Trước đây, Trung tâm quốc gia chống khủng bố Mỹ từng xếp YPG vào danh sách các tổ chức khủng bố, nhưng năm 2014 đã rút YPG ra khỏi danh sách này khi quân đội Mỹ bắt đầu hợp tác với lực lượng này tại Syria.

Cho đến nay, YPG vẫn được Mỹ coi là lực lượng đáng tin cậy nhất để chiến đấu trên thực địa chống lại IS, với sự hỗ trợ của các đợt không kích do liên minh Mỹ dẫn đầu tiến hành cũng như sự chỉ đạo chiến thuật của đặc nhiệm Mỹ.

Dù vậy, việc vũ trang cho YPG vẫn được Mỹ cân nhắc khá kỹ lưỡng khi tính đến lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh thân thiết của Mỹ tại Trung Đông và cũng là thành viên trong NATO tham gia liên minh chống IS của Mỹ.

Một tay súng của YPG khi vừa chiếm được cứ điểm quan trọng tại thành phố Tabka, bàn đạp quan trọng để tiến đánh Raqqa. Ảnh: AP

Nhưng xét tình hình hiện tại, khi YPG đã bao vây thành phố Raqqa từ hồi tháng 3/2017 nhưng vẫn giao tranh dằng dai với IS, chính quyền của Tổng thống Donald Trump buộc phải có một bước đi quyết định nhằm đánh bật IS ra khỏi thành phố này, chặn đứng tham vọng của tổ chức khủng bố về việc biến Raqqa thành thủ đô của “Nhà nước Hồi giáo” trong tương lai.

Để trấn an đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Mỹ đã khẳng định không để việc cung cấp vũ khí cho YPG làm gia tăng các “rủi ro an ninh” với Thổ Nhĩ Kỳ. Những vũ khí này sẽ được căn chỉnh các tính năng kỹ thuật để thực hiện mục tiêu duy nhất là giành lại Raqqa, không có thêm bất kỳ biện pháp bổ sung nào nhằm thay đổi mục đích sử dụng. Bất cứ hành vi lạm dụng hay sử dụng vũ khí mà Mỹ cấp sai mục đích sẽ được nghiêm túc xem xét và rút hỗ trợ.

Thổ Nhĩ Kỳ lại “đứng ngồi không yên”

Những đảm bảo từ phía Mỹ không thể làm Thổ Nhĩ Kỳ yên lòng. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn coi YPG tại Syria là cánh tay vũ trang nối dài của Đảng Công nhân người Kurd - vốn bị coi là một một tổ chức khủng bố trong nước.

Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại việc YPG theo đuổi mục tiêu thành lập khu vực tự trị của người Kurd tại Syria sẽ kích động cộng đồng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sự tái hình thành nhà nước độc lập của người Kurd ở khu vực tiếp nối Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Syria luôn là cơn ác mộng đối với chính quyền Ankara.

Đó chính là lý do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi mục tiêu khác nhau dù cùng nằm trong liên minh chống IS: Nếu Mỹ muốn tiêu diệt IS và lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad nếu có thể, thì Thổ Nhĩ Kỳ lại hướng đến xóa sổ YPG để PKK mất chỗ dựa.

Điều này cũng lý giải cho việc can thiệp quân sự vào Syria của Thổ Nhĩ Kỳ từ hồi mùa hè năm ngoái, khi vừa đánh bật IS khỏi một số cứ điểm quan trọng ở khu vực biên giới, vừa giữ không cho lực lượng người Kurd thâm nhập vào khu vực này.

Sự liên kết của các lực lượng người Kurd tại nơi giáp ranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq và Iran luôn khiến Thổ Nhĩ Kỳ bất an. Ảnh: Foreign Policy

Bởi vậy, quyết định vũ trang cho YPG của Mỹ được Thổ Nhĩ Kỳ coi là “nối giáo cho giặc”, gia tăng mối đe đọa trực tiếp với an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Binali Yildirim tỏ ra cực kỳ thất vọng khi nói rằng “Thổ Nhĩ Kỳ không thể tin Mỹ lại đưa ra lựa chọn như vậy giữa một bên là đối tác chiến lược, một bên là các tổ chức khủng bố”!

Thực ra, ngay từ khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdorgan tới Mỹ hồi giữa tháng 5 và đưa ra yêu cầu Mỹ rút lại quyết định vũ trang cho lực lượng người Kurd, dư luận đã nhận thấy ông Donald Trump không hào hứng với đề nghị này. Một khi việc “kêu ca” không có tác dụng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải tìm đối sách hợp lý sau quyết định của Mỹ.

Theo giới phân tích, nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triển khai một chiến dịch mới tương tự chiến dịch “Lá chắn sông Euphrates” hồi cuối năm ngoái nhằm tạo vùng đệm an toàn trước khi lực lượng người Kurd ở Syria có thể áp sát biên giới và liên kết với lực lượng người Kurd ở trong nước. Trước đó, khi tuyên bố kết thúc chiến dịch “Lá chắn sông Euphrates”, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã để mở cho kịch bản này khi nói rằng “sẽ tiến hành các chiến dịch quân sự khác nếu cần thiết”.

Khi đó, một lần nữa thế giới sẽ lại chứng kiến một khía cạnh phức tạp khác trong cuộc chiến chống IS tại Syria bởi có quá nhiều phong trào, lực lượng cả trong và ngoài nước với những tính toán khác nhau cùng tham gia trên chiến trường.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN