19829347_2442018.jpgThư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders trao đổi với ký giả trong buổi họp báo thường nhật tại phòng họp báo Brady của Nhà Trắng, Washington hôm 23/4. Ảnh: AP
Bình luận được thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders đưa ra có vẻ như để ngỏ khả năng xoa dịu chiến dịch “gây sức ép tối đa” do Mỹ đứng đầu trước khi Triều Tiên hoàn toàn từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Sanders cho biết Mỹ sẽ không mắc lại sai lầm của các chính quyền trước là tin rằng người Triều Tiên “nói sao làm vậy”. Bà nói: “Chúng ta đã chứng kiến một vài bước đi đúng hướng nhưng vẫn còn cả chặng đường dài phía trước”.

Hôm 21/4, Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ đóng cửa cơ sở thử hạt nhân và đình chỉ các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa - động thái được ông Trump hoan nghênh là “tiến bộ lớn”. Triều Tiên không đề cập rằng họ sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân hay thu hẹp quy mô sản xuất tên lửa cũng như các bộ phận liên quan.

Khi được hỏi liệu việc đình chỉ thử nghiệm có phải tín hiệu tích cực, hôm 23/4 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói: “Hiện nay, tôi nghĩ có nhiều lý do để lạc quan rằng các cuộc đàm phán sẽ đem lại kết quả và chúng ta hãy chờ xem”.

Ngày 27/4 tới, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và ông Kim sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại khu phi quân sự giữa 2 miền Triều Tiên, có thể đặt nền móng cho cuộc gặp của ông Trump với nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Các lãnh đạo Mỹ-Triều chưa từng gặp nhau trong 6 thập kỷ thù địch kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên.

Sanders cho biết mục đích của Mỹ là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Khi được hỏi liệu Tổng thống Trump có chấp nhận thứ gì thấp hơn mục tiêu trên trước khi gỡ bỏ trừng phạt hoặc sẵn sàng gia tăng hay không, bà nói với ký giả: “Chắc chắn là sẽ không có biện pháp trừng phạt nào được gỡ bỏ cho tới khi chúng tôi nhìn thấy những động thái cụ thể của Triều Tiên để phi hạt nhân hóa”.

Hồi năm ngoái, Mỹ thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã chĩa đòn trừng phạt quốc tế cứng rắn nhất nhằm vào Triều Tiên để đáp trả 3 vụ phóng tên lửa tầm xa và vụ nổ thử nghiệm hạt nhân mạnh nhất của nước này. Chính quyền Trump bổ sung vào những hạn chế đó các đòn trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với các công ty tiến hành hoạt động thương mại bất hợp pháp với Triều Tiên.

Năm nay, ông Kim đã xoay trục từ đối đầu sang ngoại giao, và theo Hàn Quốc cùng Trung Quốc, nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng đã bày tỏ cam kết với việc phi hạt nhân hóa. Hiện vẫn chưa rõ điều mà nhà lãnh đạo này muốn đổi lấy là gì.

3 tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ kế nhiệm do đích thân ông Trump chọn là Giám đốc CIA Mike Pompeo đã trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Triều Tiên trong 2 thập niên qua, song nội dung các cuộc thảo luận của ông Pompeo với ông Kim chưa được công bố.

Các cuộc đàm phán hạt nhân gần đây nhất giữa Mỹ và Triều Tiên đã thất bại hồi năm 2012. Hai nước cũng duy trì tình trạng kiểu chiến tranh khi cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng thỏa thuận đình chiến chứ không phải hiệp ước hòa bình./.