17 năm đã trôi qua, dù những vết thương và sự ám ảnh mà vụ khủng bố này để lại vẫn chưa thể khép lại, song nước Mỹ vẫn đang từng ngày phát triển và cùng cộng đồng thế giới kiên trì đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố.

203536-1.jpgLá cờ Mỹ giữa đống đổ nát của vụ tấn công ngày 11/9/2001. (Ảnh: Reuters)

Tại Manhattan, quận trung tâm của thành phố New York, buổi lễ tưởng niệm, như thông lệ hàng năm, bắt đầu lúc 8h46 tại Đài tưởng niệm ngày 11/9 tại Trung tâm thương mại thế giới.

Mọi người cùng tập trung mặc niệm đúng thời khắc tòa tháp đôi bị tấn công và sụp đổ. Các nạn nhân của cả hai cuộc tấn công năm 1993 và 2001 sẽ được đọc tên trong buổi lễ này. Bảo tàng Tưởng niệm 11/9 trong khuôn viên này sẽ mở cửa cả ngày để phục vụ người dân.

Các hoạt động cũng được tổ chức tại thủ đô Oa-sinh-tơn và thành phố Xanh-vin (Shanksville), tiểu bang Pennsylvania.

Ngày 11/9/2001, cách đây đúng 17 năm, cả thế giới bàng hoàng chứng kiến cảnh hai tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) sụp đổ trong một loạt khủng bố nhằm vào nước Mỹ.

Vụ khủng bố đã khiến gần 3.000 người thiệt mạng và là vụ khủng bố đẫm máu nhất do thế lực nước ngoài gây ra tại Mỹ. Ngoài ra, còn có hơn 6.000 người khác bị thương, trong khi danh tính của hơn 1.100 nạn nhân vẫn chưa được xác nhận. 

Tại một phòng thí nghiệm tại New York, các chuyên gia vẫn không ngừng làm việc để nhận dạng những phần thi thể các nạn nhân còn sót lại sau vụ khủng bố. Họ lặp đi lặp lại những quy trình kỹ thuật hàng chục lần mỗi ngày, ngày này qua ngày khác với hy vọng sẽ xác nhận thêm danh tính các nạn nhân thiệt mạng.

Theo các chuyên gia, xương là mẫu vật khó nhận định ADN nhất. Nhiều năm trôi qua, có những lúc các chuyên gia không thể xác định thêm danh tính của bất kỳ người nào trong cả một năm dài nhưng họ vẫn kiên trì.

“Chúng tôi đã tạo các profile ADN từ những phần còn lại mà chúng tôi từng không có hy vọng nhận dạng trước đây” - ông Mark Desire, phó giám đốc pháp y tại cơ quan khám nghiệm New York cho biết. “Công việc của chúng tôi không chỉ là tạo ra các profile này mà còn cải thiện quy trình đó. Chúng ta có thể làm gì tốt hơn? Có thể sử dụng những thiết bị mới nào? Đây là công việc mà chúng tôi làm mỗi ngày tại đây và chúng tôi sẽ không dừng lại. Cam kết của chúng tôi vẫn không thay đổi, dù là năm 2001 hay là năm 2018”.

17 năm đã trôi qua, dù cảnh tượng hoảng loạn, những cột lửa và khói đen khổng lồ như muốn thiêu rụi cả thành phố New York ngày ấy, giờ vẫn khắc ghi trong tâm trí của nhiều người, song nước Mỹ vẫn phát triển, coi đây như câu trả lời cho những kẻ khủng bố vẫn luôn nhăm nhe đe dọa cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.

Như một biểu tượng mạnh mẽ cho sự hồi sinh, sau 17 năm phải đóng cửa, ga tàu điện ngầm ở đường Cortlandt, thành phố New York, nơi từng bị chôn vùi trong đống đổ nát của vụ tấn công đã được mở cửa trở lại.

Trạm dừng mới này sẽ được trang bị một hệ thống thông gió, thang máy và một bức tranh bằng đá cẩm thạch trắng của nghệ sĩ Ann Hamilton, trên đó có văn bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc.

Theo chính quyền thành phố, việc mở lại nhà ga Cortlandt chính là một dấu mốc quan trọng trong sự phục hồi và tăng trưởng tại Manhattan. Đây không chỉ là một ga tàu điện ngầm mới, mà còn là "biểu tượng cho sự phục hồi của người dân New York trong việc cải thiện lại Trung tâm thương mại lớn nhất thế giới này.

Trước đó, Đài tưởng niệm mang tên “Tháp Tiếng nói” (Tower of Voices) đã được khai trương tại khu di tích là hiện trường nơi Chuyến bay số hiệu 93 của Hãng hàng không United Airlines đâm xuống cánh đồng của vùng nông thôn Pennsylvania.

Điểm nổi bật của nó là trên đó gắn 40 chiếc chuông gió, mỗi chiếc được điều chỉnh và định vị để phát lên thanh âm riêng biệt, giống như một “một buổi hòa nhạc vĩnh cửu dành cho những người anh hùng”./.