Ukraine phủ nhận đang trao đổi tù nhân với Nga

thuy-thu-ukraine-3869-1567138921.jpgThủy thủ Ukraine (phải) bị áp giải tới tòa án thành phố Simferopol, Crimea, Nga hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.

Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 30/8 phủ nhận việc đang tiến hành trao đổi tù nhân với Nga và quá trình thảo luận vẫn đang diễn ra. Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng chưởng lý Ukraine đăng tải bình luận trên Facebook nói rằng việc trao đổi tù nhân với Nga đã hoàn tất và rằng các thủy thủ và nhà làm phim Sentsov đang trên đường trở về. 

Ukraine hy vọng có thể đảm bảo việc trả tự do cho hàng chục tù nhân, trong đó có 24 thủy thủ bị Nga bắt giữ ở eo biển Kerch hồi năm ngoái cũng như nhà làm phim Oleg Sentsov. “Quá trình thảo luận về việc trao đổi tù nhân vẫn đang diễn ra. Thông tin nói rằng việc trao đổi đã hoàn tất là không đúng sự thật”, tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết. Hãng thông tấn Interfax của Nga cũng dẫn lời một nguồn tin ở Moscow phủ nhận việc trao đổi tù nhân với Kiev đã diễn ra.

Mỹ - Trung hạ nhiệt thương chiến

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Osaka hồi tháng 6. Ảnh: AFP.

Vài ngày sau khi tung ra các đòn thuế khiến chiến tranh thương mại sục sôi, Mỹ - Trung thể hiện họ muốn xuống thang căng thẳng. "Trung Quốc có nhiều biện pháp trả đũa, nhưng chúng tôi nghĩ vấn đề nên được thảo luận là loại bỏ thuế với 550 tỷ USD hàng hóa để ngăn leo thang chiến tranh thương mại. Điều quan trọng nhất là tạo ra các điều kiện cần thiết để tiếp tục đàm phán", phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong ngày 29/8 nói.

Giọng điệu của Trung Quốc tương đồng với điều Trump thể hiện trong Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp hồi đầu tuần. Ông nói rằng Mỹ có hai cuộc điện đàm rất tốt với Trung Quốc sau khi các nhà đàm phán bày tỏ quan tâm đến việc đạt được thỏa thuận. Trump hôm 29/8 cho biết, hai bên có một cuộc thảo luận "ở cấp độ khác" vào cùng ngày nhưng không cung cấp chi tiết cụ thể.

Siêu tàu chở dầu của Iran lại chuyển hướng tới Thổ Nhĩ Kỳ

Tàu chở dầu Adrian Darya của Iran ở ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh ngày 18/8/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang theo dõi hàng hải Marine Traffic cho biết, siêu tàu chở dầu của Iran vốn là tâm điểm của cuộc đối đầu giữa Washington và Tehran đã đổi hướng một lần nữa ngày 30/8 và hướng trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Tàu Adrian Darya, trước đó có tên là Grace 1, giờ đây hướng tới cảng Iskenderun phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. 

Đây là lần thứ ba, con tàu này thay đổi điểm đến trong 10 ngày qua. Iskenderun cách nhà máy lọc dầu Baniyas của Syria 200 km về phía Bắc, được cho là điểm đến ban đầu của con tàu chở dầu của Iran. Tàu Adrian Darya được trả tự do sau khi bị bắt giữ ngoài khơi Gibraltar hồi giữa tháng Tám. Vụ bắt giữ này gây ra tranh cãi kéo dài 5 tuần liên quan đến việc con tàu này được cho là đến Syria và vi phạm các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

Quốc hội Ukraine phê duyệt các chức danh bộ trưởng nội các mới

Ảnh: TASS

Quốc hội Ukraine (Vekhrovna Rada) đã phê duyệt các thành viên chính phủ mới bao gồm 15 bộ trưởng và 2 phó thủ tướng. Tổng cộng có 281 nghị sĩ Ukraine đã bỏ phiếu ủng hộ chính phủ mới, vốn chỉ cần 226 phiếu để thông qua. Theo hãng thông tấn TASS của Nga, nhiều bộ của Ukraine đã sáp nhập làm một, trong đó có Bộ Năng lượng và Sinh thái, Bộ Kinh tế và Chính sách Nông nghiệp, Bộ Thanh niên và Thể thao, Văn hóa; Bộ Cựu chiến binh và Các vùng lãnh thổ không kiểm soát. Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avkov giữ nguyên chức vụ, tương tự là Bộ trưởng Tài chính Oxana Makarova. Các bộ trưởng còn lại đều được bổ nhiệm mới. Ông Dmitry Kuleba được bầu làm Phó Thủ tướng phụ trách liên kết châu Âu và châu Âu - Đại Tây Dương. Ông Mikhail Fedorov là Phó Thủ tướng về Thông tin số.

Trước đó, Quốc hội Ukraine ngày 29/8 đã bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo, thông qua đề cử của Tổng thống Volodymyr Zelensky đối với vị trí thủ tướng. Theo đó, luật sư Oleksiy Goncharuk - người đang là Phó Chánh Văn phòng Tổng thống - đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng mới của Ukraine. 

Bộ Quốc phòng Nhật đề nghị khoản ngân sách kỷ lục nâng cấp khí tài

Máy báy chiến đấu F35-B. Ảnh: military

Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 30/8 đã đề nghị được cấp khoản ngân sách kỷ lục 5.320 tỷ yen (khoảng 50,3 tỷ USD) để mua máy bay chiến đấu và tên lửa phòng vệ nhằm nâng cao năng lực quốc phòng của nước này. Theo đề nghị của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đây là ngân sách quốc phòng dự chi cho năm nay, bắt đầu tính từ tháng Tư vừa qua và so với năm ngoái, khoản dự chi ngân sách này tăng 1,2%, đánh dấu năm thứ 8 tăng liên tiếp.

Khoản ngân sách quốc phòng trên dự kiến chi cho các dự án mua 6 máy báy chiến đấu F35-B có khả năng cất cánh ở phương thẳng đứng và nâng cấp 2 tàu khu trục để trở thành tàu sân bay hỗ trợ máy bay F35-B trên. Ngoài ra, khoản ngân sách kỷ lục này cũng chi cho kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis do Mỹ sản xuất và phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới của Nhật Bản.