Mỹ cho rằng Iraq cần thành lập một Chính phủ mới có sự tham gia của cả Chính phủ hiện nay và phe đối lập.

Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 23/6 đã đến Baghdad để thuyết phục Chính phủ của người Shiite trao thêm quyền lực cho phe đối lập trước khi những người nổi dậy dòng Sunni sẽ giành quyền kiểm soát đất nước và dẫn đến nguy cơ chiến tranh.

Cuộc gặp giữa ông Kerry và Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki thường không diễn ra một cách thân thiện bởi các quan chức Washington đã rừng gợi ý rằng việc Thủ tướng Iraq từ chức sẽ là bước đi cần thiết đầu tiên để có thể hạn chế những cuộc tấn công tiếp theo của phe nổi dậy.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Ảnh Reuters)

Ngoài ra, cuộc gặp này có thể cũng sẽ không đưa đến một giải pháp tức thời bởi ông Maliki không hề có ý định từ chức và các quan chức Iraq luôn phớt lời những đề nghị của phía Mỹ.

“Đây là một thời khắc quan trọng khi chúng ta cần phải thuyết phục các nhà lãnh đạo tại Iraq vượt lên trên những chia rẽ sắc tộc và hình thành một Chính phủ thống nhất trong quyết tâm đáp ứng mọi nguyện vọng của nhân dân”, ông Kerry tuyên bố ngày 22/6 tại Cairo.

Cũng trong ngày 22/6, Ngoại trưởng Mỹ đã gặp Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi để đối thoại về các giải pháp trong khu vực để chấm dứt việc những chiến binh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo và Cận Đông (ISIL) tiếp tục gây đổ máu.

“Không nước nào có thể an toàn trước sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố tại đây và không một ai trong số chúng ta có thể chấp nhận việc để yên cho chúng hoành hành không chỉ trong khu vực mà còn ở ngoài khu vực”, ông Kerry nhấn mạnh.

Một quan chức Mỹ cho biết trong ngày hôm nay (23/6) ông Kerry sẽ không đưa ra yêu cầu rằng ông Maliki phải từ chức như một số quan chức Mỹ và các nước Hồi giáo Sunni tại Trung Đông yêu cầu.

Tuy nhiên, ông Kerry được kỳ vọng là ông Maliki sẽ sớm tạo ra một Chính phủ thống nhất của người Sunni và người Kurd vì lợi ích chung của nhiều sắc tộc.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã mô tả rằng ông Maliki và nhiều quan chức Iraq rất mong chờ việc Mỹ sẽ viện trợ cho nước này như thế nào để đánh đuổi nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa tuyên bố rằng ông sẽ điều 300 binh sỹ đến Baghdad để tham gia vào việc tham vấn và đào tạo các lực lượng an ninh địa phương.

Ông Obama cũng không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tiến hành không kích những kẻ nổi dậy. Tuy nhiên, việc này sẽ không sớm xảy ra và ông cũng nói rằng ông sẽ không đưa quân trở lại Iraq./.

Theo VOV