Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 27.5 chính thức đề cử Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc Cơquan tình báo trungương mới.
|
Theo AFP, chủ nhân Nhà Trắng đã đề cử Giám đốc CIA đương nhiệm Leon Panetta làm Bộtrưởng Quốc phòng, thay ông Robert Gates. Vịtrí mà ông Panetta đểlại được chuyển cho tướng David Patraeus, Tưlệnh các lực lượng Mỹvà NATO tại Afghanistan.
Ông Obama lần đầu thông báo kế hoạch thay thế các vị trí lãnh đạo cấp cao tại Bộ Quốc phòng và CIA hôm 28.4, chỉ vài ngày trước khi lực lượng biệt kích Mỹ thực hiện thành công chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden ở Pakistan.
Các đề cử nói trên của Tổng thống Obama cần được Thượng viện phê chuẩn. Tuy nhiên, báo giới Mỹ cho rằng cả ông Panetta lẫn tướng Petraeus sẽ không vấp phải bất cứ sự phản đối nào tại Đồi Capitol.
Tướng Petraeus và ông Panetta, những lựa chọn mới của Tổng thống Obama - Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Gates từng thông báo sẽ rời khỏi chức vụ hiện tại vào ngày 30.6. Ông cũng từng lãnh đạo CIA từ năm 1991-1993, dưới thời Tổng thống George H.W.Bush. Nhà Trắng hy vọng ông Panetta có thể bắt đầu công việc tại Lầu Năm Góc ngay khi ông Gates về hưu. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phải thực hiện là cắt giảm chi tiêu tại cơ quan này.
Trong khi đó, ông Petraeus sẽ vẫn tiếp tục chỉ huy lực lượng liên quân tại Afghanistan cho đến khi người kế nhiệm, tướng John Allen, bắt đầu đảm trách công việc này vào tháng 9. Ông Petraeus sau đó sẽ xuất ngũ trước khi nhận nhiệm vụ mới ở trụ sở CIA tại Langley, bang Virginia.
Ngoài hai quyết định bổ nhiệm quan trọng nói trên, Tổng thống Obama cũng sẽ đề cử Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân trong tháng tới. Tướng Martin Dempsey, Tham mưu trưởng Lục quân, nhiều khả năng sẽ được đề cử vào chức vụ này thay Đô đốc Michael Mullen, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 30.9.
Trong một diễn biến khác, theo AP, Tổng thống Obama hôm 27.5 cũng đã ký ban hành văn bản gia hạn thêm 4 năm các điều khoản về giám sát chống khủng bố trong Đạo luật Yêu nước của Mỹ. Trước đó cùng ngày, Thượng viện và Hạ viện đã lần lượt bỏ phiếu thông qua văn bản trên sau những tranh cãi gay gắt về thời gian và mục đích của việc gia hạn.
Nổi bật trong các điều khoản được gia hạn là việc cho phép nhà chức trách nghe lén điện thoại để theo dõi những cá nhân không mang quốc tịch Mỹ bị tình nghi là phần tử khủng bố đơn lẻ không có quan hệ với một nhóm cấp tiến nào, và thu giữ các ghi chép cá nhân hoặc của các tổ chức hay “bất kỳ vật hữu hình nào” được cho là quan trọng cho việc điều tra. Trước đó, giới chức tình báo và Cục Điều tra liên bang cảnh báo nếu không gia hạn các điều khoản trên thì họ sẽ mất đi một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.
Theo Thanh Niên