Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung từ ngày 2/2
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 23/1 cho biết, thông qua các kênh ngoại giao, Mỹ đã thông báo với Nga quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từ ngày 2/2 tới. Phát biểu với báo giới, ông Ryabkov nêu rõ Washington đã xác nhận ý định trên, đồng thời giải thích với Nga rằng đây là quyết định cuối cùng chứ không phải là một lời mời đối thoại. Thứ trưởng Ngoại giao Nga tái khẳng định nước này không vi phạm hiệp ước và nhấn mạnh cáo buộc của Washington về việc Moskva vi phạm là không thỏa đáng.
Ông tuyên bố Moskva sẵn sàng minh bạch trong vấn đề INF và kêu gọi phía Mỹ hành động tương tự. Theo nhà ngoại giao cấp cao này của Nga, INF cần được duy trì và số phận thỏa thuận này hiện tùy thuộc vào Mỹ. Ông cũng khẳng định sau ngày 2/2, Nga sẽ vẫn coi INF như thỏa thuận mà Nga và Mỹ đều có nghĩa vụ bắt buộc thực hiện.
Ukraine chấm dứt hiệu lực 3 thỏa thuận hợp tác kinh tế trong khuôn khổ SNG
Theo phóng viên TTXVN tại SNG, hai thỏa thuận đầu tiên xem xét việc thiết lập trao đổi giữa các nước thành viên SNG thông tin kinh tế thời sự và các chỉ số thống kê. Văn kiện thứ ba đề cập đến việc các thành viên SNG sẽ phối hợp với nhau hành động trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, bao gồm cả đối thoại với nước thứ 3 và các tổ chức quốc tế.
Nga truy quét các đối tượng sản xuất vũ khí bất hợp pháp
Ngày 23/1, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã mở chiến dịch quy mô lớn truy quét các đối tượng chế tạo và buôn bán vũ khí đạn dược trái phép tại nước này. Thông báo của FSB cho biết, FSB cùng với Bộ Nội vụ và lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga đã chặn đứng hoạt động của 86 đối tượng tại 32 vùng, chủ yếu liên quan việc khôi phục tính năng chiến đấu của vũ khí dân sự, chế tạo đạn dược trong các xưởng ngầm và sau đó bán ở nhiều khu vực trên toàn nước Nga.
Cũng theo thông báo, tổng cộng 197 khẩu súng sản xuất tại Nga và nước ngoài đã bị tịch thu trong quá trình lục soát, trong đó bao gồm 18 súng máy, 126 súng lục và súng lục ổ quay, 16 súng tiểu liên, 38 súng carb và súng trường.
Thái Lan ấn định tổng tuyển cử vào ngày 24/3/2019
Ủy ban bầu cử Thái Lan ngày 23/1 thông báo nước này sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 24/3 tới nhằm khôi phục chính quyền dân sự. Đây là thời điểm mới được đưa ra cho cuộc bầu cử thường xuyên bị trì hoãn này, và sẽ là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014.
Hồi tháng 12/2018, Ủy ban bầu cử Thái Lan cho biết tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào ngày 24/2, song chính quyền quân sự đã bày tỏ quan ngại rằng các sự kiện liên quan tới bầu cử sẽ ảnh hưởng tới quá trình chuẩn bị sớm cho lễ đăng quang của Nhà Vua Maha Vajiralongkorn, dự kiến diễn ra từ ngày 4-6/5 tới.
Hàng nghìn người bỏ chạy khỏi thành trì cuối cùng của IS tại Syria
Kể từ ngày 21/1, gần 5.000 người, trong đó có khoảng 500 tay súng "Nhà nước Hồi giáo" (IS), tự xưng đã rời khỏi thành trì cuối cùng của nhóm này ở miền Đông Syria, trong bối cảnh tổ chức cực đoan này liên tiếp thất bại trước các cuộc tấn công của các lực lượng do người Kurd đứng đầu.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), đã có khoảng 4.900 người, đa số là phụ nữ và trẻ em, lên xe tải rời khỏi khu vực nằm dưới quyền kiểm soát cuối cùng của nhóm IS tại tỉnh Deir Ezzor. Riêng trong ngày 22/1, đã có 3.500 người rời khỏi khu vực trên. Đa số những người này là thân nhân của các tay súng IS. Như vậy, kể từ đầu tháng 12/2018, gần 27.000 người bao gồm 1.800 phiến quân chấp nhận đầu hàng, đã rời bỏ các khu vực từng nằm dưới quyền kiểm soát của IS.
Thụy Sĩ đứng đầu danh sách "đất nước tốt nhất thế giới"
Tạp chí US News & World Report ngày 23/1 công bố danh sách bầu chọn những đất nước tốt nhất thế giới năm nay. 80 quốc gia được đánh giá theo 9 tiêu chí: phát triển du lịch, đổi mới công nghệ, lĩnh vực xã hội, văn hóa, tốc độ tăng trưởng kinh tế, cởi mở với kinh doanh, mức sống chung của người dân, cũng như ảnh hưởng của quốc gia đó trên trường quốc tế và di sản lịch sử.
Thụy Sĩ dẫn đầu bảng xếp hạng, tiếp sau là Nhật Bản (tăng 3 bậc), Canada (giảm 1 bậc), Đức (giảm 1 bậc), Anh (giảm 1 bậc), Thụy Điển, Australia và Mỹ. Chốt danh sách là Angola (xếp thứ 78), Iran (thứ 79) và Iraq (thứ 80). Năm nay Nga xếp vị trí 24, tăng 2 bậc so với năm ngoái.
Pháp phát hiện chất nghi gây ung thư trong tã trẻ em
Reuters ngày 23/1 dẫn thông báo của Cơ quan quản lý thực phẩm, an toàn môi trường và lao động Pháp (ANSES) cho biết ngoài glyphosate, cuộc nghiên cứu của các chuyên gia thuộc cơ quan này còn phát hiện chất butylphenyl methylpropional thường dùng trong sản xuất hóa mỹ phẩm và một số loại hydrocarbon thơm.
Tất cả những chất nói trên đều có nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe. Trong đó, glyphosate là hoạt chất chính trong các loại thuốc diệt cỏ và bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào diện có thể gây ung thư vào năm 2015.