Trung Quốc có quyền bỏ phiếu lớn nhất trong AIIB. Ảnh: Reuters

Việc bổ sung 3 quốc gia châu Phi trên được công bố tại hội nghị thường niên của AIIB diễn ra ở Luxembourg hôm 13/7 vừa qua.

Đây là lần đầu tiên ngân hàng này tổ chức hội nghị kéo dài 2 ngày bên ngoài khu vực châu Á kể từ khi được thành lập hồi cuối năm 2015, trong bối cảnh thể chế tài chính đa phương này tìm cách định vị bản thân trong nền tài chính toàn cầu.

Mặc dù quy mô của tổ chức cho vay do Bắc Kinh dẫn đầu này vẫn còn cách xa quy mô của Ngân hàng Thế giới (WB) - với 189 thành viên và do Mỹ dẫn đầu, song AIIB lớn hơn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có trụ sở tại Manila với 68 thành viên.

Phó Chủ tịch AIIB Danny Alexander nhấn mạnh: "Hiện chúng ta đang có thành viên trên tất cả các châu lục".

Sự phát triển của AIIB được xem là chiến thắng ngoại giao cho Trung Quốc, quốc gia nắm giữ quyền bỏ phiếu lớn nhất trong ngân hàng này. Mỹ, quốc gia không phải thành viên AIIB, xem ngân hàng này là công cụ phục vụ nguyện vọng địa chính trị của Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc đã thuyết phục thành công các đồng minh chủ chốt của Washington - trong đó có Anh- tham gia vào tổ chức cho vay này. 

Chuyên gia kinh tế Alicia Garcia-Herrero nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis cho rằng, AIIB là một cơ quan thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc, giống như việc WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lâu nay thúc đẩy lợi ích của Mỹ - song mang sự khác biệt đáng kể.

Chuyên gia Garcia-Herrero, cũng là cố vấn của ADB nhận định: "Mỹ không có đủ cổ phần để chi phối toàn diện WB và IMF. Đây là sai lầm mà Trung Quốc không mắc phải đối với AIIB. Thực tế là việc Mỹ không tham gia AIIB chỉ càng giúp Trung Quốc kiểm soát tổ chức này chặt chẽ hơn, do đó có thể thấy quyết định của Mỹ là sai lầm".

Trong khi đó, chuyên gia Stephen Olson từ Quỹ Hinrinch - một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy thương mại toàn cầu bền vững, cho rằng AIIB không nên được xem là tổ chức cạnh tranh với các tổ chức hiện tại như WB và IMF.