Theo CNN,dường như Tổng thống Mỹ đã nói “OK” cho việc đưa ra các biện pháp mới để trừng phạt Iran, với bước đi đầu tiên là rút khỏi thỏa thuận về hạt nhân mà 2 nước đã cùng ký trong một thỏa thuận đa phương trước đây.
Hãng này cho biết, các quan chức Chính phủ cho rằng quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào 2 giờ chiều ngày 8/5/2018, tức là 2 giờ đêm ngày 9/5/2018 theo giờ Việt Nam. Trong khi đó kết quả của một cuộc điều tra trong dân chúng thì ngược lại, với gần 63% người Mỹ cho rằng Chính phủ sẽ không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Thỏa thuận hạt nhân này được ký kết giữa Iran với Pháp, Anh, Nga, Mỹ, Trung quốc cùng với Đức năm 2015. Sau khi trúng cử Tổng thống, ông Donald Trump đã xem xét lại vấn đề này vì cho rằng cần có thái độ cứng rắn hơn nữa với Iran. Trong khi đó các nước còn lại P5+1 vẫn thấy cần thiết duy trì thỏa thuận để bảo đảm môi trường hòa bình, loại trừ nguy cơ vũ khí hạt nhân cho thế giới.
Tại sao Mỹ lại thay đổi quan điểm theo hướng cứng rắn hơn với Iran như vậy?
Mỹ hành động như thế liệu có xứng với tư cách “quân tử” của một nước lớn?
Phải chăng Mỹ đã có con bài “khắc chế” Iran phát triển vũ khí hạt nhân mà không cần phải nhượng bộ nước này với các nội dung của bản thỏa thuận?
Những câu hỏi này còn bỏ ngỏ, người ta chưa nhìn thấy lời giải đáp thuyết phục. Trong khi đó, điều mà thế giới thấy khá rõ là:
Thứ nhất, những đối sách ngoại giao của Mỹ dưới thời TT Donald Trump là khá khó lường;
Thứ hai, ảnh hưởng của Mỹ ở Trung đông, với Khối Ả-rập và các nước theo Đạo hồi ở vùng này giảm sút nhiều sau các cuộc chiến mà Mỹ can dự, có những nghi ngờ, rạn nứt niềm tin kể cả đối với các nước đồng minh thân cận;
Thứ ba, thời gian gần đây vai trò của Iran trong khu vực đã được củng cố và gia tăng đáng kể, ngay cả đối với I-răq, một nước vốn là “cựu thù” mà hiện nay Mỹ đang bảo trợ nhưng vẫn có lực lượng đối lập khá mạnh thân Iran;
Thứ tư, các nước P5+1 và nhiều nước Châu Âu thấy khá rõ những nguy cơ và bất lợi khi Mỹ, bằng việc rút khỏi thỏa thuận sẽ càng đẩy Iran ra khỏi tầm kiểm soát...
Một lần nữa người ta lại có quyền nghi ngờ “thiện chí” vì hòa bình của nước lớn. Người ta buộc phải cảnh giác với các chính sách đối ngoại, các cam kết của những ông lớn.