(Baonghean) - Để đáp ứng nhu cầu làm đẹp của phụ nữ, thị trường mỹ phẩm ngày càng đa dạng, phong phú với đủ chủng loại, giá cả, nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, hiện nay,các loại mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc và kém chất lượng đang xuất hiện tràn lan trên thị trường.
Hậu ... làm đẹp
Chị Nguyễn Kim Yến, phường Quán Bàu (TP. Vinh), đang điều trị tại Trung tâm da liễu gần 1 tuần nay, với các triệu chứng ngứa, nổi mẩn, sủi vảy trên vùng da mặt. Chị cho biết: “Sau khi sinh đứa con thứ hai, da mặt nám sạm làm tôi mất tự tin. Nghe nói có loại kem chiết xuất từ nghệ công dụng làm trắng mà hết nám da nên tôi mua dùng thử, không ngờ bị dị ứng”.
Chị Phan Thị Thanh (25 tuổi ở xã Xuân Lâm, Nam Đàn) chia sẻ: “Xem trên mạng thấy quảng cáo về kem trộn có tác dụng làm trắng da nhanh, trị mụn với mức giá chỉ có 130 ngàn đồng, tôi đã mua về dùng thử, thời gian đầu thấy da có sáng lên và bớt mụn. Thế nhưng gần đây bắt đầu xuất hiện triệu chứng lạ đi khám thì được biết là bị dị ứng".
Trong 8 tháng đầu năm 2015, Trung tâm Da liễu Nghệ An đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân bị các bệnh về da do sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng. Qua thực tế lâm sàng, các bác sỹ chuyên khoa da liễu nhận thấy những loại mỹ phẩm thường gây dị ứng nhất cho người sử dụng là kem làm trắng da, kem chống nếp nhăn, kem điều trị mụn trứng cá, son môi, kem chống nắng, sữa tắm…
Bác sỹ Huỳnh Phúc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Da liễu cho biết: bệnh viêm da do dị ứng mỹ phẩm có 2 trường hợp. Một là người có cơ địa dị ứng, dễ bị kích ứng kể cả với mỹ phẩm tốt, song các trường hợp này rất ít. Nguyên nhân thứ hai là bệnh nhân sử dụng mỹ phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc có rất nhiều hóa chất gây phản ứng kích ứng rất mạnh.
Tại phòng khám Da liễu số 76, Lê Hồng Phong (TP. Vinh), bác sỹ Nguyễn Viết Hải, Trưởng phòng khám cho biết: trung bình mỗi ngày phòng khám tiếp nhận 3 - 4 trường hợp đến khám các dạng bệnh viêm da do dị ứng mỹ phẩm và các trường hợp mắc viêm da do lạm dụng mỹ phẩm ngày càng có xu hướng gia tăng.
Để hạn chế tác hại không mong muốn khi sử dụng mỹ phẩm, người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ thành phần, nhãn mác, cần thử phản ứng trước khi sử dụng mỹ phẩm, nhất là những mỹ phẩm mới sử dụng lần đầu tiên. Phương pháp thử da ở mặt trong cánh tay: thoa mỹ phẩm vào vùng da ở mặt trong cánh tay để trong 24 - 48 giờ. Nếu không thấy dị ứng có nghĩa là bạn có thể dùng được loại mỹ phẩm đó.
Trôi nổi nguồn gốc
Dạo một vòng quanh Thành phố Vinh, chúng ta dễ dàng mua được các loại mỹ phẩm đủ các chủng loại. Mỹ phẩm được bày bán trong các cửa hàng và trong các sạp bán lẻ của các chợ.
Chị Hiền (chuyên bán hàng mỹ phẩm ở chợ Ga Vinh) cho biết: “Chúng tôi thường nhập hàng của mối quen, hàng “xịn” cũng có mà hàng rẻ cũng có. Nhưng tâm lý người mua thường quan tâm đến giá cả chứ ít tìm hiểu thông tin chất lượng, thành phần của sản phẩm nên ít người phân biệt đâu là hàng thật”.
Tìm hiểu tại một cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm “xách tay” trên đường N.V.C, cửa hàng bày bán nhiều loại mỹ phẩm chủ yếu đề tên, nhãn mác của hãng Lioele, dòng mỹ phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc. Khi chúng tôi trình bày về mong muốn mua mỹ phẩm để chữa nám da, chủ cửa hàng đã không ngần ngại quảng cáo một loạt kem dưỡng da chiết xuất từ sâm xuất xứ từ Hàn Quốc; với mức giá từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Thế nhưng khi hỏi về nguồn gốc, chủ cửa hàng chỉ qua quýt rằng “Con gái tôi đang sống bên đó trực tiếp nhập hàng về nên cứ yên tâm mà dùng, đây là hàng của Hàn Quốc chính hãng”.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhằm kiểm soát tình trạng bày bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan. Việc vận chuyển hàng giả, hàng lậu không còn nằm trong phạm vi trong nước mà đã ghi nhận nhiều vụ xuất phát từ nước ngoài về, với nhiều hình thức vận chuyển tinh vi.
Đơn cử như ngày 14/1, Đội QLTT số 3 phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Cảnh sát Giao thông Nghệ An kiểm tra xe ô tô vận tải hành khách mang biển kiểm soát UN-6789 do lái xe Nguyễn Ngọc Đồng (Diễn Châu) điều khiển từ Lào về. Qua kiểm tra, phát hiện có 1.214 chai, lọ mỹ phẩm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tổng trị giá hàng phạt lên tới hơn 168 triệu đồng.
Từ ngày 1/6 đến 27/8, sau gần 3 tháng thực hiện chuyên đề “Kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 9 trường hợp kinh doanh mỹ phẩm thì đều có vi phạm. Mặt hàng bị vi phạm nhiều nhất là kem nền, sữa tắm và kem dưỡng. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên tới hơn 70 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Duẩn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Chi cục QLTT cho biết: Thời gian qua, Chi cục đã tiến hành xử lý nhiều trường hợp vi phạm với nhiều cách thức phạm tội tinh vi như: xé nhỏ hàng hóa để vận chuyển, sử dụng hóa đơn quay vòng hay cách thức vận chuyển cũng phức tạp hơn. Để phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm này vẫn còn nhiều khó khăn bởi lực lượng chức năng còn mỏng, nguồn kinh phí trong mỗi chuyên đề còn hạn hẹp trong khi đó, càng ngày các đối tượng phạm tội càng có nhiều thủ đoạn tinh vi và chống trả quyết liệt khi bị lực lượng chức năng phát hiện.
Trong khi công tác quản lý thị trường mặt hàng mỹ phẩm đang là bài toán chưa có lời giải thì người tiêu dùng cần phải thông thái chọn mua sản phẩm ở những cửa hàng uy tín; lưu ý khi lựa chọn sản phẩm cần xem xét rõ hóa đơn chứng từ, nhãn mác, thành phần sản phẩm; chủ động thử sản phẩm trước khi sử dụng để tránh những hệ lụy từ sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng...
Nguyệt Minh - Thanh Quỳnh