(Baonghean) - Ngày 11/12, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj chủ trì cuộc họp ngoại trưởng 3 bên với hai người đồng cấp là Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Cuộc gặp lần này được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt căng thẳng Trung - Ấn cũng như tìm tiếng nói chung giữa 3 nước. Thế nhưng, hàng loạt mâu thuẫn vẫn tồn tại trong tam giác Nga - Ấn - Trung dường như đang tiếp tục cản trở mục tiêu chiến lược của nhóm này là thay đổi vị trí siêu cường số 1 của Mỹ.
Khủng bố: Mối quan tâm chung hiếm hoi
Dự kiến diễn ra vào tháng 4 năm nay, nhưng phải đến gần nửa năm sau, cuộc gặp giữa Ngoại trưởng 3 nước Nga - Trung - Ấn lần thứ 15 (gọi tắt là RIC) mới được diễn ra.
Nguyên nhân trì hoãn là do những căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Ấn Độ từ hồi cuối tháng 3, khi đó, Bắc Kinh đã vô cùng tức giận khi New Dehli cho phép nhân vật Đạt Lai Lạt Ma thăm vùng tranh chấp biên giới giữa hai nước là bang Arunachial Pradesh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã cảnh báo, hành động của Ấn Độ sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho quan hệ song phương.
Với nỗ lực trung gian hòa giải của Nga, thời gian qua, căng thẳng hai nước Trung - Ấn đã có phần hạ nhiệt. Cuộc gặp Ngoại trưởng 3 nước lần này cũng đã tìm kiếm được một số điểm chung để kéo các bên lại với nhau.
Đó là cuộc chiến chống khủng bố đặc biệt tại Pakistan, hay tăng cường tiếng nói của 3 nước trong việc duy trì hòa bình, ổn định và kiến tạo cấu trúc an ninh khu vực. 3 nước Nga - Trung - Ấn cũng muốn thông qua cuộc gặp lần này thể hiện vai trò tại các diễn đàn như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), đồng thời hỗ trợ Ấn Độ chuẩn bị sẵn sàng gia nhập APEC nếu có cơ hội.
Quan trọng hơn cả, cuộc gặp các ngoại trưởng 3 nước vốn được đánh giá là quyết tâm ủng hộ thế giới đa cực, tăng cường tiếng nói của bộ ba tại khu vực và thế giới, từ đó thay đổi vị thế “bá chủ” của Mỹ hiện nay.
Chồng chéo mâu thuẫn
Mục tiêu là vậy, nhưng thực tế lại đang là “con kỳ đà cản mũi” nỗ lực của cả 3 nước. Trước hết, ai cũng nhận thấy, cả Trung Quốc, Ấn Độ và Nga tìm đến với nhau thực tế không phải để tìm kiếm một mối quan hệ bền vững thực chất mà vì lợi ích chiến lược của mỗi bên.
Nếu như Nga muốn bộ 3 Nga - Trung - Ấn tạo một mối quan hệ hợp tác đủ mạnh để đối trọng với phương Tây sau các lệnh trừng phạt, thì Trung Quốc mong muốn truyền bá chiến lược kinh tế, còn Ấn Độ kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Vì thế, thậm chí có ý kiến còn cho rằng, bộ ba này quá khác biệt và các cuộc gặp 3 bên chẳng qua chỉ là lớp vỏ bề ngoài mà thôi.
Không khó để lý giải cho nhận định này. Với quan hệ Trung - Ấn, xung đột và căng thẳng biên giới giữa hai bên vốn đã dai dẳng từ lâu. Mới nhất hồi tháng 6 năm nay, căng thẳng bùng phát khi Ấn Độ ngăn cản Trung Quốc xây dựng một con đường đi qua cao nguyên Doklam thuộc dãy Himalaya - khu vực điểm nóng tranh cấp của 3 nước Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan.
Không chỉ vậy, hai nước này cũng liên tục cạnh tranh nhau về tầm ảnh hưởng tại khu vực Nam Á. Nhìn lại từ năm 2015, Trung Quốc đã vươn lên thay thế Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Bangladesh cũng như dần hâm nóng quan hệ với Nepal và Sri Lanka.
Sáng kiến “Vành đai, Con đường” hay Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) với không ít thành viên là các nước Nam Á chẳng khác nào lời thách thức đối với Ấn Độ.
Trong khi đó, mối quan hệ Nga - Ấn Độ lại đang bị đe dọa khi Nga đang tích cực bắt tay với Pakistan - đối trọng của Ấn Độ, thông qua các hợp đồng mua bán vũ khí và các cuộc tập trận chống khủng bố hàng năm.
Tất nhiên, Pakistan cũng đang ngày càng ngả về phía Trung Quốc, đặc biệt trong dự án “Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh. Dư luận hẳn còn nhớ, Pakistan đã bàn giao cảng chiến lược Gwadar cho phía Trung Quốc từ năm 2013.
Nhân tố Mỹ
Trước ý đồ bành trướng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, Ấn Độ trong lúc bất an đã có nhiều bước đi tăng cường quan hệ với Mỹ nhằm tìm kiếm một sự ủng hộ về an ninh tại khu vực. Tất nhiên, điều này sẽ khiến cả Nga và Trung Quốc không đồng tình.
Còn về phía Mỹ, nước này cũng không bỏ lỡ cơ hội để “gây chia rẽ” giữa 3 nước. Như hồi tháng 10 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson không ngại ngần mô tả Ấn Độ là một đối tác trong mối quan hệ chiến lược của nước này, đồng thời nhấn mạnh, Mỹ sẽ không bao giờ có mối quan hệ tương tự với Trung Quốc.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang được đánh giá là có “cuộc chơi lớn” tốt đẹp với cả 3 nước Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Bởi rõ ràng, cả 3 nước này đều có những cái lợi lớn khi hợp tác cùng với Mỹ.
Với Ấn Độ là vấn đề bảo đảm an ninh ở Nam Á và Ấn Độ Dương; với Trung Quốc là hợp tác kinh tế - thương mại và vấn đề Triều Tiên, còn Nga là mối quan tâm chung với các hồ sơ nóng quốc tế.
Có ý kiến cho rằng, nếu một ngày mối quan hệ 3 bên: Nga - Trung - Ấn tan rã, thì yếu tố Mỹ sẽ được tính đến như tác nhân quan trọng đầu tiên.
Không chỉ vậy với Ấn Độ, nước này còn đang ấp ủ kế hoạch tứ cường “Mỹ - Australia - Nhật - Ấn” để đối trọng với Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Như vậy chẳng khác nào “bằng mặt nhưng chẳng bằng lòng” trong cái bắt tay với Trung Quốc.
Vì thế, dù cả 3 nước Nga - Trung - Ấn đều đóng vai trò quan trọng trong khối các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS), là đối tác của nhau trong tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO); nhưng hợp tác giữa 3 bên vẫn tồn tại quá nhiều khác biệt và mâu thuẫn từ lợi ích chiến lược.
Bởi vậy, có lẽ cuộc gặp Ngoại trưởng 3 nước lần này vẫn chỉ dừng ở nỗ lực của các nước để hướng tới một mối quan hệ cởi mở hơn mà thôi!
Phương Hoa