(Baonghean) - Vốn đã lo ngại từ trước về những hoạt động trợ giúp quân sự của Nga đối với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, sự xác nhận của Nga về vấn đề này càng khiến Mỹ “đứng ngồi không yên”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa có cuộc điện đàm lần thứ ba trong vòng 10 ngày qua với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov nhằm làm rõ dự định của nước này về việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria.
Khởi động cuộc “đối đầu” mới?
Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15/9 nói rằng, Moskva sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Chính phủ Syria. Truyền thông Nga còn dẫn lời Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết các trang thiết bị quân sự của nước này sẽ tiếp tục được chuyển tới Syria, cùng với các chuyên gia của Nga, những người sẽ hướng dẫn binh lính Syria làm quen và sử dụng các trang thiết bị vũ khí.
Trước những động thái này, NATO đã lên tiếng cảnh báo việc Nga có thể triển khai cả binh lính tới Syria, cho rằng những động thái của Nga nhằm tăng cường can dự vào cuộc xung đột Syria là đáng quan ngại. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo Nga rằng, việc tiếp tục viện trợ cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột ở Syria và ngăn cản mục tiêu chung là chiến đấu chống lại chủ nghĩa cực đoan. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest lại cho biết, Tổng thống Barack Obama có thể sẽ điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong vài ngày tới, thậm chí không loại trừ khả năng hai nhà lãnh đạo sẽ gặp mặt bên lề Đại hội đồng Liên Hợp quốc diễn ra vào cuối tháng.
Như vậy, sau 2 năm kể từ thời điểm Mỹ dự định tấn công quân sự vào Syria chống lại Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, Washington và Moskva lại tiếp tục căng thẳng trên mặt trận Trung Đông này. Trong khi cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa ngã ngũ, với những diễn biến vừa qua, dư luận quốc tế lo ngại rằng cuộc đối đầu Nga – Mỹ tại Syria sẽ càng khiến quốc gia này chìm sâu vào cuộc nội chiến đẫm máu. Trong lúc này, cộng đồng quốc tế còn đang “xôn xao” trước việc hàng nghìn người di cư đổ về châu Âu mỗi ngày, trong số đó, người Syria chiếm phần lớn những người tị nạn chạy khỏi quê hương. Cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011 đến nay đã khiến 240.000 người Syria thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa và cuộc sống luôn bị đe dọa. Hiện tại Syria, có tới 3 lực lượng giao tranh với nhau, đó là lực lượng của Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad, lực lượng đối lập và các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Bảo vệ lợi ích chiến lược
Cuộc đối đầu Mỹ - Nga trên mặt trận nào cũng được cho là “nóng” và thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế, bởi đây là hai cường quốc có tiềm lực lớn về quân sự. Vũ khí công nghệ cao và hiện đại của hai quốc gia này nếu đối đầu nhau ở khu vực nào trên thế giới cũng gây tổn thất lớn. Do đó, nếu như Mỹ tố Nga viện trợ vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad thì Nga cũng không ít lần cáo buộc Mỹ hỗ trợ tích cực cho phe đối lập ở Syria gây nên cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Trung Đông này.
Song việc Nga công khai thừa nhận hỗ trợ quân sự cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad có thể cho thấy họ đang chứng tỏ rằng mình không dễ bị lấn lướt trên các mặt trận. Thứ nhất, Nga sẵn sàng bảo vệ các lợi ích của mình trước “vòng vây” của phương Tây. Syria hiện là một trong số ít các đồng minh còn sót lại của Nga ở Trung Đông, vì thế Nga không dễ gì bỏ mặc. Thứ hai, sau khi đã tháo gỡ được ngòi nổ cho đồng minh Iran trong vấn đề hạt nhân gây tranh cãi, mối quan hệ giữa Iran và phương Tây đang có dấu hiệu ấm lên. Do đó, mối quan tâm sâu sắc nhất của Nga tại Trung Đông lúc này chính là Syria, nơi Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vẫn xem Nga là đồng minh thân thiết. Thứ ba, Nga có thể cho châu Âu thấy vai trò của mình trong việc tạo bước ngoặt ở Syria, yếu tố quan trọng giảm tải dòng người di cư Syria đang ùn ùn đổ về lục địa già. Thứ tư, Nga có thể phân tán sự tập trung chú ý của Mỹ và phương Tây tại cuộc khủng hoảng Ukraine, thời điểm mà Chính quyền Kiev đang cho thấy sự bất lực trước lực lượng ly khai ở miền Đông. Và cuối cùng, Nga giúp Chính quyền Bashar al-Assad mạnh lên còn giảm được nỗi lo về các phiến quân IS khi chúng đang ngày càng “gặm nhấm” lãnh thổ Syria. Điều này không những góp phần làm suy yếu IS mà còn cho thế giới thấy vị thế của Nga, Nga đã góp công trong việc đẩy lùi mối đe dọa từ IS.
Còn về phía Mỹ, việc Nga giúp đỡ Chính phủ Bashar al-Assad chắc chắn sẽ gây bất lợi cho lực lượng đối lập Syria đang được phương Tây hậu thuẫn. Tuy Syria lúc này không khiến Mỹ sốt sắng như năm 2013 nhưng cũng nằm trong chuỗi toan tính của Washington nhằm tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông. Sau khi không còn lý do “chĩa” mũi nhọn vào Iran sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử, rõ ràng cái gai trong mắt mà Mỹ muốn nhổ đi tại Trung Đông chính là Chính phủ của ông Bashar al-Assad. Nếu làm được điều này thì Mỹ gần như đã thành công trong việc kiểm soát các lợi ích của mình ở Trung Đông, qua đó sẽ dễ dàng thực hiện các toan tính chiến lược khác.
Có thể cuộc đối đầu Mỹ - Nga tại Syria sẽ nóng lên, song ít có khả năng Mỹ sẽ trực tiếp viện trợ quân sự cho phe đối lập Syria như Nga đang làm với Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Một phần Mỹ còn có nhiều mối bận tâm khác như cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, Ukraine..., một phần vì Mỹ không muốn đối đầu trực diện với người Nga ở Syria. Song không loại trừ khả năng Washington sẽ trả đũa bằng việc cùng với các nước phương Tây khác tăng cường hỗ trợ phe đối lập Syria. Và như vậy, cuộc khủng hoảng chính trị và nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua ở Syria sẽ chưa thể dừng lại, thậm chí còn trở nên phức tạp và dai dẳng hơn. Do đó, điều tất yếu sẽ xảy ra là không những dòng người di cư từ Syria sẽ tiếp tục tăng lên mà cuộc đối đầu giữa Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập sẽ tạo điều kiện cho IS tiến hành tiếp tục gieo rắc những mối lo kinh hoàng mới.
Nguyễn Cao Biền