Mỹ không muốn trở thành một bên trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và trong khi Mỹ có ý định tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine thì các hệ thống vũ khí cho phép các lực lượng của Ukraine tấn công Nga sẽ không nằm trong số này, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Thomas-Greenfield khẳng định ngày 31/5.

"Chúng tôi đã khẳng định rõ ràng ngay từ đầu rằng chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine các vũ khí tự vệ trước cuộc tấn công của Nga. Chúng tôi sẽ không cung cấp các loại vũ khí cho phép Ukraine tấn công Nga từ bên trong Ukraine và Tổng thống Biden đã tuyên bố rõ về điều đó", bà Thomas-Greenfield cho hay trong cuộc họp báo đánh dấu việc Mỹ kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Mỹ không muốn trở thành 'một bên' trong xung đột giữa Nga và Ukraine ảnh 1
Ảnh minh họa: Reuters

"Chúng tôi sẽ không trở thành một bên trong cuộc chiến này", Đại sứ Mỹ khẳng định.

Ngày 30/5, Tổng thống Biden đã lên tiếng trước những dự đoán của truyền thông về việc Mỹ có ý định cung cấp các hệ thống phóng tên lửa hàng loạt (MLRS) cho Ukraine. Ông không cung cấp thông tin chi tiết mà chỉ nói rằng Mỹ "sẽ không cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa có thể tấn công Nga".

Các hãng truyền thông Mỹ trước đó đã đề cập đến việc các hệ thống MLRS có thể được chuyển tới Ukraine là M270 hoặc Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142 hiện đại hơn. Cả hai hệ thống đều có thể phóng các tên lửa chiến thuật với tầm bắn lên tới 300 km.

Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và NATO về việc gửi vũ khí cho Ukraine và báo chí phương Tây lo ngại Moscow có thể sẽ đáp trả nếu bất kỳ hệ thống nào được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga./.